Liều 131I điều trị huỷ mô giáp sau phẫu thuật

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa bằng phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và các mức liều hủy mô giáp (Trang 30 - 33)

- Ưu điểm cắt toàn bộ tuyến giáp điều trị ung thư tuyến giáp biệt hóa:

1.3.3.2.Liều 131I điều trị huỷ mô giáp sau phẫu thuật

Mục đích dùng 131I để huỷ mô giáp còn sót lại, sau đó cho thyroxine liều duy trì sẽ hạ thấp tỷ lệ tái phát UTTG thể nhú và thể nang [157]. Câu hỏi được đặt ra là liều 131I bao nhiêu thì thích hợp với mục đích huỷ mô giáp? Robert và một số tác giả cũng thừa nhận 131I đã được dùng để huỷ mô giáp còn sót lại sau phẫu thuật trong nhiều năm qua, nhưng chưa thống nhất được liều tối ưu là bao nhiêu, cần phải có nhiều công trình nghiên cứu hơn nữa để xác lập liều huỷ mô giáp tối ưu cần thiết [148].

Hiện nay, nhiều tác giả vẫn đang tranh luận nên chọn liều 131I hủy mô giáp cao hay thấp. Liều 131I thích hợp nhất đủ đảm bảo hủy được mô giáp còn sót lại sau phẫu thuật, tổ chức ung thư tại chỗ và di căn xa nếu có, đồng thời hạn chế tối đa các tác dụng phụ và biến chứng của 131I. Một số tác giả dùng 131I liều cao để huỷ mô giáp còn sót lại sau phẫu thuật nhằm mục đích hủy hết mô giáp lành và tổ chức ung thư còn lại càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ tổ chức ung thư chuyển sang dạng ít biệt hoá, điều trị sớm các di căn hạch và di căn xa. Một số nghiên cứu thấy sử dụng 131I liều thấp cho phép hủy mô giáp với tỷ lệ thấp hơn so với liều cao (100 mCi). Maseeh uz Zaman cho rằng 131I liều cao (100 mCi) sẽ huỷ mô giáp còn lại tốt hơn liều thấp (50 mCi) đối với

UTTG thể nang, đối với UTTG thể nhú thì hiệu quả huỷ mô giáp tương đương nhau [120].

Có ý kiến đề nghị nên cho liều 30 mCi 131I, có quan điểm lại cho là phải dùng liều lớn 75, 100, 150 mCi. Liều nào tốt hơn còn là vấn đề cần bàn, nhiều tác giả nghiêng về dùng liều lớn để có thể đồng thời diệt được những ổ di căn xa, hạn chế tái phát [67], [97]. Arslan N.(2001) đã điều trị 131I cho 242 bệnh nhân UTTG sau phẫu thuật cắt tuyến giáp, liều 50 mCi cho bệnh nhân chưa có di căn và lượng mô giáp còn lại sau mổ < 3g, liều 100 mCi cho bệnh nhân chưa có di căn và lượng mô giáp còn lại ≥ 3g, liều 150 mCi cho bệnh nhân có di căn hạch cổ, kết quả liều 50 mCi hiệu quả là 57,1%; liều ≥100 mCi hiệu quả là 96,1% [57].

Xác định liều điều trị bao nhiêu là vừa đủ, đem lại hiệu quả và an toàn là vấn đề không đơn giản vì kết quả không chỉ phụ thuộc vào lượng mô giáp còn lại sau mổ mà còn phụ thuộc vào độ nhạy cảm phóng xạ và nhiều tác nhân khác. Hiện nay, các cơ sở y học hạt nhân ở nước ta thường dùng liều huỷ mô giáp là 100 mCi. Kết quả cho thấy dùng liều cao đạt hiệu quả tốt hơn liều thấp. Tuy nhiên với những trường hợp phẫu thuật triệt để, chưa có di căn hạch cổ liều thấp hơn 100 mCi đem lại hiệu quả tương đương. Nếu đúng như vậy thì việc lựa chọn liều điều trị nên cân nhắc để đảm bảo hiệu quả huỷ mô giáp, giảm tác dụng phụ của 131I và giảm chi phí cho người bệnh [19].

Michele K, Marcel R (2002) cho biết, ở các cơ sở khác nhau, liều huỷ mô giáp khác nhau, có thể là 30 mCi hoặc 100 mCi. Huỷ mô giáp hoàn toàn đạt được trên 80% bệnh nhân đã phẫu thuật cắt gần hoàn toàn hoặc hoàn toàn tuyến giáp (ĐTT < 2%). Còn ở những bệnh nhân mà nhu mô tuyến giáp còn lại nhiều, ĐTT 131I cao hơn thì liều 30 mCi chỉ huỷ mô giáp hoàn toàn ở 2/3 số bệnh nhân [125].

Từ 1993 đến 2001, Katharine P.H điều trị UTTG biệt hoá sau phẫu thuật, liều 100 mCi cho 60 bệnh nhân nhu mô tuyến giáp còn lại sau phẫu thuật khoảng 5-10 ml, độ tập trung 131I là 10 - 20%, đạt hiệu quả huỷ mô giáp là 90% (54/60). Dùng liều 30 mCi lần thứ nhất đạt hiệu quả hủy mô tuyến giáp là 30% và lần thứ 2 đạt 92% [101].

Richard J.R điều trị với liều trung bình 30 mCi, huỷ mô giáp hoàn toàn đạt 60% trong vòng 3 tháng đến 1 năm sau điều trị. Liều 100-149 mCi cho tỷ lệ huỷ mô giáp hoàn toàn là 87%, theo dõi trong 15 năm, tỷ lệ huỷ mô giáp thành công với các nhóm mức liều từ 100 - 149 mCi, 150- 174 mCi, 175 - 199 mCi khác nhau không có ý nghĩa. Từ đó tác giả lựa chọn mức liều 100 - 149 mCi để huỷ mô giáp còn lại sau phẫu thuật. Tác giả cũng nhận thấy độ tập trung 131I của mô giáp còn lại cao hay thấp có ảnh hưởng đến thành công của điều trị huỷ mô giáp [147].

Markus D. điều trị cho 20 bệnh nhân UTTG có nhiều ổ nhỏ được mổ cắt gần hoàn toàn tuyến giáp, nhu mô giáp còn lại trung bình là 4,3g. Tác giả dùng liều 100 mCi và 50 mCi. Kết quả 80% huỷ mô giáp thành công (15 bệnh nhân với liều 100 mCi và 1 bệnh nhân liều 50 mCi). 3 bệnh nhân phải điều trị lần thứ hai, 1 bệnh nhân điều trị lần thứ ba [115].

Pedro W.S điều trị huỷ mô giáp với liều 100 mCi cho bệnh nhân UTTG giai đoạn I và 150 mCi cho bệnh nhân UTTG giai đoạn II - III. Kết quả cho thấy tỷ lệ thành công đối với thể nhú và thể nang là 93,6% với giai đoạn I và 88,7% với giai đoạn II - III. Bệnh nhân có di căn hoặc có độ tập trung 131I > 5% thì hiệu quả huỷ mô giáp kém hơn [141].

Robert B.T tại trung tâm ung thư Leiden có quan điểm chọn liều phụ thuộc vào giá trị độ tập trung 131I ở vùng cổ trước điều trị. Tác giả theo dõi 235 bệnh nhân UTTG thể biệt hoá sau phẫu thuật kết hợp điều trị 131I huỷ mô giáp, 6 tháng sau khi huỷ mô giáp đánh giá hiệu quả bằng xạ hình và Tg. Hiệu quả đạt được 67%. Nhóm đạt hiệu quả ĐTT 131I trung bình là

5,4%, còn ở nhóm không hiệu quả độ tập trung trung bình là 8,2%. Tác giả còn cho biết dùng liều cao 70 - 100 mCi đạt hiệu quả huỷ mô giáp tốt hơn liều thấp 30 - 50 mCi [148]. Tất nhiên tỷ lệ huỷ mô giáp thành công còn phụ thuộc vào khối lượng mô giáp còn sót lại sau mổ, dùng liều 131I 30 mCi khi lượng mô giáp còn lại < 2g hiệu quả hủy mô giáp đạt 94%, khi lượng mô giáp ≥ 2g thì hiệu quả 68% [79]. Phẫu thuật càng triệt để, việc huỷ mô giáp bằng 131I càng đạt hiệu quả cao hơn. Theo William H.B, liều huỷ mô giáp phải không thấp hơn 100 mCi, tác giả đã điều trị cho 267 bệnh nhân và thành công 87%. Độ tập trung 131I trước điều trị hủy mô giáp trung bình là 6,01%. Độ tập trung 131I ở vùng cổ càng cao thì hiệu quả hủy mô càng khó khăn [160].

Một số tác giả khác dùng liều điều trị đầu tiên 100 - 150 mCi, chỉ dựa vào giai đoạn bệnh sau phẫu thuật, không có xạ hình toàn thân kiểm tra di căn, cho thấy hiệu quả huỷ mô giáp đạt được từ 72% đến 88%. Từ đó, các tác giả khuyến cáo nên có chẩn đoán hình ảnh, tốt nhất là xạ hình kiểm tra di căn và đánh giá độ tập trung 131I của vùng cổ trước khi quyết định chọn liều điều trị, như vậy kết quả sẽ tốt hơn [53], [139].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa bằng phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và các mức liều hủy mô giáp (Trang 30 - 33)