- Đề xuất những định hướng chủ yếu đối với TCLTKT tỉnh BìnhĐịnh và các
i) Vùng kinh tế
Vùng kinh tế được xem như là một thực thể khách quan, sự tồn tại của nó là do yêu cầu phát triển KT - XH của mỗi quốc gia quyết định.
“Đối với Địa lí học, vùng KT - XH (hay gọi tắt là vùng kinh tế) với tư cách là vùng kinh tế tổng hợp (để phân biệt với vùng kinh tế ngành, hoặc vùng ngành) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo Từ điển Bách khoa Địa lí Xô Viết (1988), vùng kinh tế là một bộ phận tương đối hoàn chỉnh về mặt lãnh thổ và kinh tế của đất nước. Nó được đặc trưng bởi các điều kiện tự nhiên, kinh tế và chuyên môn hoá sản xuất trên cơ sở phân công lao động địa lí cũng như bởi các mối liên hệ kinh tế nội vùng ổn định. Vùng kinh tế còn là một khâu cơ bản trong việc TCLT nền sản xuất xã hội, là đối tượng chủ yếu của chính sách vùng và kế hoạch hoá lãnh thổ ” [37, trang 9].
Vùng kinh tế còn được xem như là một phần lãnh thổ quốc gia, có khu nhân tạo vùng (biểu hiện là các đô thị); về mặt lãnh thổ, nó được liên kết bởi nhiều đơn vị hành chính - kinh tế với các cấp độ khác nhau như tỉnh, huyện; về các đặc tính nổi trội, nó có sự đồng nhất tương đối về các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội (kể cả trong hiện tại và tương lai) và thường mang những chức năng nhất định đối với nền kinh tế của cả nước. Như vậy:
- Vùng kinh tế không phải là vùng tự nhiên và cũng không phải là vùng ngành hay các loại vùng khác mà nó là loại vùng được hình thành bởi sự tổng hợp các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường. Mỗi vùng kinh tế là một hệ thống kinh tế lãnh thổ được xác định bởi sự phân chia lãnh thổ dưới góc độ KT - XH phục vụ cho việc quản lí và điều hành của Nhà nước, trước hết là phục vụ cho việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Các vùng kinh tế liên kết với nhau tạo nên một hệ thống vùng của đất nước, các vùng có sự tương tác với nhau cùng phát triển.
- Việc phân vùng kinh tế do yêu cầu phát triển của đất nước. Với mục đích phát huy tổng hợp sức mạnh của tất cả các vùng, tìm ra phương án kiến thiết lãnh thổ quốc gia và quản lí hiệu quả các quá trình phát triển của đất nước theo
lãnh thổ, người ta đã tiến hành phân chia lãnh thổ đất nước thành các vùng kinh tế. Số lượng các vùng kinh tế sẽ có thể thay đổi theo thời gian và theo các thời kì phát triển của đất nước.
ii) Các khu vực (lãnh thổ) đặc biệt
- Vùng kinh tế trọng điểm [37] là vùng hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện phát triển và đóng vai trò quyết định đối với nền kinh tế cả nước.
Lãnh thổ được gọi là vùng KTTĐ phải thoả mãn các yếu tố: hội tụ các điều kiện thuận lợi tập trung tiềm lực kinh tế, có vị thế hấp dẫn các nhà đầu tư; có tỉ trọng lớn trong tổng GDP của quốc gia và trên cơ sở đó, nếu được đầu tư tích cực sẽ có khả năng tạo ra tốc độ phát triển nhanh cho cả nước; có khả năng tạo tích luỹ đầu tư để tái sản xuất mở rộng; đồng thời, có thể tạo nguồn thu ngân sách lớn cho đất nước. Trên cơ sở đó, vùng KTTĐ không những chỉ tự đảm bảo nguồn tài chính cho mình, mà còn có khả năng hỗ trợ cho các vùng khác; có khả năng thu hút những ngành công nghiệp mới và các ngành dịch vụ then chốt, để rút kinh nghiệm về mọi mặt cho các vùng khác trong phạm vi cả nước. Từ đây, nó sẽ tác động lan truyền tới các vùng xung quanh.
“Về lãnh thổ, vùng KTTĐ của quốc gia bao trùm phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, ranh giới của nó tất nhiên không phải bất biến, có thể thay đổi theo thời gian. Số lượng cũng như phạm vi của vùng sẽ có sự thay đổi theo yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Vùng KTTĐ là đối tượng trọng điểm về đầu tư nhằm tạo ra ‘‘cú hích’’cho toàn bộ nền kinh tế đất nước ” [37, trang 21].