Ăn mòn trong môi trường đất

Một phần của tài liệu ăn mòn và bảo vệ kim loại (Trang 121)

Trong lòng đất, đặc biệt ở các khu công nghiệp có rất nhiều thiết bị chôn ngầm dưới đất: hệ thống ống dẫn nước, dẫn khí ga, cáp điện, đường ống dẫn nhiên liệu lỏng, xăng dầu… có thể bị ăn mòn làm giảm tuổi thọ của chúng và đôi khi còn làm giảm chất lượng sản phẩm nước (ô nhiễm nước, giảm chất lượng xăng dầu…).

Tốc độ phá huỷ các cấu kiện do ăn mòn phụ thuộc vào địa hình. Ở những vị trí cao, khô ráo, không có các mỏ muối thì tốc độ ăn mòn kim loại rất thấp.

Hiện tượng ăn mòn kim loại có tốc độ đáng kể thường xảy ra ở những vùng ẩm, có tạp chất gồm các muối vô cơ, ví dụ vùng đất ẩm ven biển.

Để đánh giá khả năng ăn mòn kim loại của môi trường đất người ta dùng chỉ số pH hoặc độ dẫn điện của đất.

Với pH = 5 ÷ 8 và nền đất ẩm, môi trường axit có độ dẫn điện tốt, kim loại dễ dàng bị ăn mòn. Trong cùng một điều kiện, đất cát gây ra ăn mòn cao hơn đất sét vì dễ dàng thông khí oxi. Cần lưu ý rằng trong môi trường đất, sự có mặt của vi sinh vật cũng ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ ăn mòn.

Sự ăn mòn kim loại trong môi trường đất là ăn mòn điện hoá với catot khử oxi, đôi khi khử ion H+ nếu môi trường ăn mòn là axit.

Do cấu trúc của đất không đồng nhất cho nên sự thông khí không đều và thường gây ra ăn mòn thông khí, khi đó nơi có nhiều oxi đóng vai trò là catot còn vùng ít oxi đóng vai trò là anot, phản ứng xảy ra phá huỷ kim loại.

Dạng ăn mòn kim loại trong đất rất đa dạng, thường là ăn mòn cục bộ nên kim loại bị phá huỷ ở dạng ăn mòn điểm, hố sâu, dạng rỗ…

Để hạn chế khả năng ăn mòn do môi trường đất, các cấu kiện phải được bảo vệ (sơn phủ bọc kim loại bằng vật liệu polyme, sơn bitum) hoặc các loại sơn vô cơ (sơn xi măng)… Thông thường, người ta sử dụng phương pháp điện hoá bảo vệ catot để bảo vệ các đường ống dẫn nhiên liệu nằm trong lòng đất.

Một phần của tài liệu ăn mòn và bảo vệ kim loại (Trang 121)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)