ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VIỆT NAM 2010 (Trang 126)

1. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả kinh doanh

Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương trong các năm vừa qua cho thấy hiệu quả ứng dụng thương mại điện tử đối với doanh nghiệp là rất rõ ràng và thương mại điện tử đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp mới triển khai các ứng dụng ở mức cơ bản như trao đổi thư điện tử, quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm qua website, tìm kiếm thông tin trên mạng, v.v… Tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng sâu thương mại điện tử vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Để thương mại điện tử thực sự trở thành công cụ giúp hoạt động kinh doanh có sự chuyển biến về chất, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần chú trọng khai thác những tiện ích chuyên biệt của thương mại điện tử một cách phù hợp trong từng khâu của quy trình sản xuất kinh doanh. Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, doanh nghiệp có thể sử dụng các hình thức quảng bá, tiếp thị thông qua những kênh thương mại điện tử khác nhau như quảng cáo trực tuyến trên các báo điện tử, tối ưu hóa sự hiện diện trên các website tìm kiếm nổi tiếng, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử có uy tín hoặc tự xây dựng website riêng, v.v…

Trong quản trị hoạt động, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng thương mại điện tử để tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cần đầu tư cho các phần mềm chuyên dụng như quản lý quan hệ khách hàng, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị tài nguyên doanh nghiệp, v.v…

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tích cực tìm hiểu và tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp để giảm bớt chi phí kinh doanh.

2. Nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn thông tin trong TMĐT

Với sự phát triển mạnh mẽ của ứng dụng CNTT và TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các vụ việc liên quan đến sử dụng công nghệ cao để đánh cắp, lừa đảo lấy thông tin có giá trị hoặc tài sản của doanh nghiệp và người tiêu dùng xảy ra ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát của Bộ Công Thương năm 2010 đã đánh giá vấn đề an toàn thông tin mạng là trở ngại lớn thứ hai đối với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của Bộ Công Thương, việc bảo đảm an toàn an ninh thông tin chưa được các doanh nghiệp chú trọng.

Trong thời gian tới các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư bảo đảm an toàn an ninh cho các ứng dụng thương mại điện tử và cho hệ thống thông tin của doanh nghiệp mình. Trong đó cần đặc biệt lưu ý tới việc xây dựng và thực thi các quy chế liên quan tới việc sử dụng hệ thống thông tin của cơ quan, đầu tư mua sắm thiết bị và phần mềm bảo mật phù hợp, hướng dẫn người sử dụng thiết bị CNTT tuân thủ các quy tắc an toàn an ninh thông tin.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VIỆT NAM 2010 (Trang 126)