CHƯƠNG 2: KHỦNG HOẢNG NỢ HY LẠP 2.1 Một số nét khái quát về Hy Lạp
2.2.2.3. Năng lực quản lý vĩ mô
* Vay nợ nước ngoài và chi tiêu công không hiệu quả
Tham nhũng, trốn thuế là những tệ nạn khiến Hy Lạp ngày càng nghèo hơn so với các nước trong EU, khiến nước này lâm vào cảnh nợ nần quốc tế chồng chất. Thế nhưng, việc Hy Lạp lâm vào khủng hoảng nợ còn có sự góp phần không nhỏ của việc chi tiêu công quỹ mạnh tay, không có kế hoạch trả nợ hợp lý khi mà quỹ công ấy có một phần không nhỏ là nợ nước ngoài. Nhìn bảng số liệu cho thấy, tỷ lệ nợ nước ngoài chiếm đến hơn ¾ tổng nợ của quốc gia này, cao nhất trong số các quốc gia được báo cáo.
Gia nhập khu vực đồng tiền chung Euro năm 2001 là cơ hội lớn để Hy Lạp có thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế. Dễ dàng hút vốn đầu tư nước ngoài, chính phủ Hy Lạp đã liên tục bán trái phiếu thu về hàng trăm tỷ euro. Số tiền này lẽ ra có thể giúp kinh tế Hy Lạp tiến xa nếu Chính phủ có kế hoạch chi tiêu và trả nợ hợp lý. Nhưng Chính phủ chỉ biết chi tiêu, mà phần lớn cho cơ sở hạ tầng mà hầu như không quan tâm đến các kế hoạch trả nợ. Điển hình là công tác tổ chức Thế vận hội Olympic Athens 2004, một thế vận hội hoành trang nhất và tốn kém nhất trong lịch sử (chi đến 12 tỷ Euro, cao hơn tới 10 tỷ so với dự kiến).
Chỉ riêng ngân sách quốc gia năm 2004 đã thâm hụt tới 6,1% so với GDP trong khi giới hạn mà EU cho phép là 3%.
Bộ máy công quyền không ngừng lớn mạnh về số lượng, nhưng chất lượng, hiệu quả công việc lại giảm đi rất nhiều. Theo Bộ Tài chính Hy Lạp, trong năm 2009, Bộ này đã tuyển dụng tổng cộng khoảng 27.000 công chức mới, trong khi số lượng thực sự cần thiết chỉ chiếm 2/3. Rõ ràng, ngân sách quốc gia Hy Lạp đang phải gánh chịu một lượng công chức khổng lồ mà không có cách nào giảm tải được bởi trong Hiến pháp nước này có điều khoản cấm việc sa thải công chức.
Đến năm 2009, lượng công chức ở Hy Lạp chiếm tới 1/4 số người làm công ăn lương ở nước này. Số lượng nhiều, nhưng những người được gọi là công chức Nhà nước, dù làm ít hay nhiều, vẫn được hưởng mức lương khá cao so với mức lương bình quân ở những khu vực khác. Chỉ tính tiền lương thu nhập chính (chưa tính tiền thưởng, tiền hỗ trợ), sau khi trừ đi các khoản, bình quân 1 công chức lĩnh được 1.350 euro/tháng. Trong khi đó, bình quân mỗi tháng, người làm công ăn lương ở khu vực kinh doanh ngoài Nhà nước chỉ được lĩnh khoảng 750 euro.
Lương bình quân đã cao, việc thì không nhiều, thế nhưng, hầu hết công chức ở Hy Lạp đều được thưởng thêm vào dịp cuối năm. Ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tùy thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh của từng năm, người làm công ăn lương sẽ được thưởng thêm khoảng 1 tháng lương (còn gọi là “tháng lương thứ 13”). Thế nhưng, ở Hy Lạp, đã thành lệ, hàng năm các công chức thường được nhận tối thiểu là 14 tháng lương. Cá biệt, có năm, công chức còn được lĩnh tới 16 tháng lương. Như vậy, lương bình quân đã cao, thưởng cũng nhiều, trong khi việc làm thì ít, lại không có nguy cơ bị sa thải nên trở thành công chức luôn là mơ ước của rất nhiều người trong độ tuổi lao động.
Tất nhiên, hậu quả là ngân sách Hy Lạp năm nào cũng bị bội chi. Thâm hụt ngân sách liên tục tăng cao. Và, đến năm 2009, nó đạt đến mức 12,7% (theo quy định của EU, mức thâm hụt ngân sách ở các nước thành viên không được quá 3%). Với mức thâm hụt lớn như vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi tổng số nợ quốc gia của Hy Lạp lên tới con số 300 tỷ euro vào năm 2009. Số nợ này được coi là quá lớn, vì nó tương đương với 113,4% GDP một năm của Hy Lạp. Con số này không chỉ làm Chính phủ Hy Lạp lo ngại mà ngay cả EU cũng phải vội vã tìm cách trợ giúp để cứu vãn nền kinh tế Hy Lạp, tránh một sự phá sản Nhà nước có thể ảnh hưởng dây chuyền tới tất cả các nước thành viên trong EU.