7. Kết cấu của khoá luận
2.1.3. Về kinh tế
Liên tục nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện tăng 10%/năm. Từ nền kinh tế thuần nông, do chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, đến nay đã hình thành rõ rệt 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, góp phần tích cực vào giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao mức sống người dân. Giai đoạn 2000 - 2005, tốc độ phát triển của huyện khá nổi bật. Giá trị sản xuất tăng gấp 2 lần giai đoạn trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh từ khu vực I sang khu vực II, III. Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng nhanh, bình quân hàng năm tăng 28,43% (tăng 3,5 lần năm 2000); dịch vụ, thương mại cũng tăng 1,96 lần so với năm 2000.
Năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 10,17%, thu nhập bình quân đầu người đạt 5,52 triệu đồng/người/năm; tổng sản lượng sản xuất nông nghiệp đạt 983 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 760,525 tỷ đồng, (tăng 0,5% so với năm 2005); thương mại, dịch vụ đạt 436,5 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2005) và vượt 68% chỉ tiêu tỉnh giao, thu ngân sách trên địa bàn đạt 14,1 tỷ đồng...
Nông nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trên cơ sở quy hoạch phát triển sản xuất hợp lý, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và sinh thái của từng vùng. Nếu như năm 1985, phần lớn diện tích đất nông nghiệp chỉ độc canh cây lúa, nhiều diện tích phải bỏ hoang do trũng thấp, nhiễm phèn, thì đến năm 2007,
nông dân đã khai thác và canh tác trên toàn bộ diện tích với gần 40.000 ha. Nhiều vùng chuyên canh lúa, mía, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các loại cây đặc sản, như: bưởi năm roi, quýt đường, sầu riêng, măng cụt, xoài cát Hoà Lộc…đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao mức sống người dân, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo.
Ngoài lúa và cây ăn trái, huyện Phụng Hiệp còn chú trọng phát triển cây mía, là vùng nguyên liệu mía của tỉnh Hậu Giang. Niên vụ mía năm 2009, huyện Phụng Hiệp trồng hơn 8.500 ha mía, trong đó diện tích do Công ty Mía đường Cần Thơ (Casuco) và Công ty Mía đường - cồn Long Mỹ Phát bao tiêu hơn 5.000 ha. Giá mía hiện nay do hai công ty này mua ở mức từ 680 - 720 đồng/kg. Như vậy còn gần 3.500 héc ta mía bán ra bên ngoài và nhiều nông dân đang “neo” lại để chờ giá lên.
Bên cạnh thế mạnh cây lúa và cây mía truyền thống, huyện Phụng Hiệp còn tận dụng lợi thế tự nhiên để đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Phong trào chăn nuôi thủy sản ở huyện Phụng Hiệp nở rộ trong vài năm gần đây. Bước đầu chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp, chủ yếu trong ao, vèo, lồng... ven các tuyến kênh, rạch. Mỗi khi mùa nước về, thay vì sản xuất lúa vụ 3 kém hiệu quả, người dân chuyển sang nuôi cá dưới ruộng. Tuy nhiên, do quy mô các mô hình sản xuất nhỏ, chỉ góp phần cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ dân nông thôn, chứ chưa thể khai thác hết tiềm năng, thế mạnh nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Dựa vào lợi thế tự nhiên của 2 xã Hiệp Hưng và Tân Phước Hưng có các tuyến kênh lớn như: kênh Quản lộ Phụng Hiệp, Lái Hiếu, Cây Dương..., huyện Phụng Hiệp đã quy hoạch thành công vùng nuôi thủy sản có giá trị thương phẩm của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.