Vẫn đứng trên quan điểm marketing và theo chiến lược huy động vốn như trên chúng tôi mạnh dạn đề xuất quy trình quản lý danh mục đầu tư với mong muốn quy trình này có thể được bổ sung, chi tiết hoá để áp dụng trong thực tế cho phù hợp với hoạt động quản lý danh mục đầu tư chứng khoán hiện nay của công ty.
Toàn bộ quy trình trên có thể được sơ đồ hoá như sau:
Sơ đồ 3.1: quy trình quản lý danh mục đầu tư đề xuất
Tìm hiểu nhu cầu và mục tiêu đầu tư Phân đoạn và lựa chọn đoạn thị Xây dựng danh mục đầu tư Xác định sản phẩm Thực hiện đầu tư Quan lý, giám sát danh mục đầu tư Thanh lý để thu hồi vốn Huy động vốn
Bước 1: Tìm hiểu nhu cầu để xác định mục tiêu của nhà đầu tư
Trong bước này, các nhà quản lý danh mục đầu tư tiếp xúc, tìm kiếm các khách hàng có nguồn vốn nhàn rỗi. Tìm hiểu nhu cầu, mục tiêu đầu tư của họ như: doanh lợi kỳ vọng, mức độ chấp nhận rủi ro, thời gian đầu tư...
Bước 2: Phân đoạn thị trường và lựa chọn đoạn thị trường mục tiêu
Thực hiện giống như trình bày ở mục 3.2.2
Bước 3. Xây dựng danh mục đầu tư
Sau khi đã xác định đoạn thị trường mục tiêu cho công ty người quản lý phải tiến hành xây dựng danh mục đầu tư thích hợp đê đáp ứng mục tiêu đầu tư của đoạn thị trường đó và phải có sự tham khảo ý kiến của hội đồng đầu tư.
Việc lựa chọn các loại chứng khoán phù hợp cho danh mục đầu tư được tiến hành trên cơ sở các hoạt động phân tích cơ bản đối với ngành nghề, lĩnh vực và từng công ty cụ thể:
a. Phân tích ngành:
Phân tích ngành nghề để xác định tiềm năng phát triển của từng ngành, đồng thời xác định được các yếu tố về: rủi ro đặc thù của ngành, chu kỳ kinh doanh của ngành, mức độ cạnh tranh trong ngành, mức chi phí và lợi nhuận bình quân trong ngành, và các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với việc phát triển của ngành,.v.v.;
Việc phân tích ngành sẽ giúp cho các nhà quản lý danh mục đầu tư chứng khoán xây dựng được danh sách các ngành nghề phù hợp với mục tiêu đầu tư. Trong quá trình lựa chọn danh sách ngành nghề có khả năng đầu tư, người quản lý danh mục đầu tư chứng khoán cần chú ý đến mối liên hệ phát triển giữa các ngành với nhau, chẳng hạn như liên hệ giữa ngành công nghiệp chế biến thủy sản với ngành nuôi trồng, đánh bắt; ngành công nghiệp sản xuất thép với ngành khai khoáng;.v.v.
Sau khi đã lựa chọn được các ngành nghề phù hợp, người quản lý danh mục đầu tư cần thiết phải thực hiện việc phân tích, đánh giá các doanh nghiệp trong ngành để xác định được các doanh nghiệp sẽ là mục tiêu để đầu tư. Việc phân tích đánh giá doanh nghiệp dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như: trình độ quản lý, công nghệ, tài chính, độ ổn định trong kinh doanh, giá thành sản phẩm, lợi nhuận, mức rủi ro đặc thù của bản thân doanh nghiệp, ưu thế về vị trí địa lý, khí hậu, .v.v.
Sau khi đã lựa chọn được danh sách các ngành nghề và các doanh nghiệp trong ngành có thể đầu tư, người quản lý danh mục đầu tư cần thực hiện phân bổ tỷ trọng đầu tư của mình vào các doanh nghiệp sao cho có thể mang lại mức lợi nhuận và rủi ro thỏa mãn được các nhu cầu người đầu tư đã đặt ra.
Bước 4: Xác định sản phẩm quản lý danh mục đầu tư
Sau khi xây dựng danh mục đầu tư cho từng đoạn thị trường nhà quản lý phải xác định sản phẩm quản lý danh mục đầu tư sẽ cung cấp cho khách hàng tương ứng với các danh mục đó, bao gồm các nội dung chính như:
-Mức lợi suất đảm bảo
-Kỳ hạn hợp đồng uỷ thác đầu tư -Mức phí và thưởng
Trong bước này vẫn có thể tiếp tục loại bỏ những đoạn thị trường không phải hiệu quả nhất đồng thời lập kế hoạch marketing để quảng bá phân phối sản phẩm.
Bước 5: Huy động vốn
Công ty thực hiện kế hoạch marketing chào bán sản phẩm đến khách hàng đã được lập ở bước 4. Kết quả của bước 5 công ty phải thu được những hợp đồng uỷ thác đầu tư của khách hàng
Bước 6: Thực hiện đầu tư theo danh mục đã xây dựng.
Công ty phải tập hợp vốn huy động được theo từng loại hợp đồng uỷ thác rồi trình lên hội đồng đầu tư xét duyệt phương án đầu tư có xây dựng danh mục đầu tư cụ thể. Sau đó các hoạt động triển khai đầu tư theo danh mục được tiến hành.
Trong giai đoạn này, bên cạnh hoạt động phân tích cơ bản, hoạt động phân tích kỹ thuật cần được đẩy mạnh để xác định được các thời điểm mua bán chứng khoán hợp lý.
Bước 7: Quản lý và giám sát danh mục đầu tư theo mục tiêu và chiến lược đã đề ra.
Để danh mục đầu tư đạt được hiệu quả như dự tính, khâu quản lý giám sát cần phải được chú trọng. Trong giai đoạn này, người quản lý phải chú trọng đến một số khía cạnh chính sau:
- Khả năng biến động thu nhập và rủi ro của từng loại chứng khoán trong danh mục, tác động của các thay đổi này đến mức rủi ro và thu nhập của toàn bộ danh mục;
- Khả năng xuất hiện những yếu tố bất thường của thị trường có thể gây ra rủi ro hệ thống;
- Hiệu quả hoạt động của danh mục so với các danh mục khác, các chỉ số hoặc danh mục thị trường;
- Khả năng tái đầu tư các khoản thu nhập đem lại từ danh mục.
Các nhà quản lý danh mục đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong quá trình giám sát đầu tư phải thực hiện các đánh giá để có những điều chỉnh kịp thời trong cơ cấu của danh mục đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao mức thu nhập cho danh mục và bám sát được mục tiêu đầu tư đã đề ra.
Bước 8: Thanh lý đầu tư để thu hồi vốn.
Khi kết thúc thời hạn đầu tư, người quản lý danh mục đầu tư phải thực hiện thanh lý các chứng khoán trong danh mục để thu hồi vốn. Việc thanh lý đầu tư phải chú ý đến các nhân tố thị trường như tương quan cung cầu, tính chu kỳ, tâm lý,.v.v. để tránh các thiệt hại có thể xảy ra cho danh mục khi bán các khoản đầu tư.