V. THẶNG DƯ SẢN XUẤT
CÂU HỎI THẢO LUẬN BÀI TẬP BÀI TẬP MỘT SỐ THUẬT NGỮ Chương 5
THỊ TRƯỜNG CẠNH TRANH HOÀN HẢO
Sau khi phân tích các vấn đề về cung và cầu, trong chương này chúng tôi kết hợp các quyết định cung ứng của các doanh nghiệp
riêng lẻ để hình thành đường cung của thị trường và sau đó xem xét tác động qua lại của nó đối với đường cầu của thị trường nhằm ấn định giá cả và sản lượng cho một ngành nói chung. Trong chương này, chúng ta sẽ nghiên cứu xem một doanh nghiệp hoạt động trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo ra quyết định cung ứng như thế nào và những quyết định đó chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố nào. I. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA THỊ TRƯỜNG CẠNH TRANH HOÀN HẢO TOP Trước tiên, chúng ta nên tìm hiểu các nhà kinh tế định nghĩa về thị trường cạnh tranh hoàn hảo như thế nào để từ đó chúng ta sẽ phát triển lý thuyết liên quan đến các doanh nghiệp hoạt động trong thị trường này.
Thị trường cạnh tranh hoàn hảo là thị trường mà trong đó các quyết định mua hay bán của từng người mua hay từng người bán riêng lẻ không ảnh hưởng gì đến giá cả trên thị trường.
Từ khái niệm này, ta nhận thấy đặc điểm quan trọng của thị trường này là số lượng sản phẩm mà mỗi doanh nghiệp cung ứng không có ảnh hưởng gì đến giá cả trên thị trường. Một doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo hoạt động như thể giá thị trường không phụ thuộc vào số lượng bán ra của doanh nghiệp và do vậy, doanh nghiệp được gọi là người chấp nhận giá.
Do vậy, lượng cầu và cung của một chủ thể nhất định không ảnh hưởng gì đến giá cả thị trường. Đường cầu đối với hàng hóa của mỗi doanh nghiệp sẽ là một đường nằm ngang do bất kể lượng cung của họ là bao nhiêu thì họ cũng nhận được giá cố định.
Hình 5.1 mô tả sự chấp nhận giá của một doanh nghiệp hoạt động trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Đầu tiên, giá hàng hóa trên một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, P0, được hình thành do quan hệ cung - cầu trên thị trường, như đã trình bày trong Chương 2. Doanh nghiệp cạnh tranh là người chấp nhận giá nên họ sẽ bán sản phẩm của mình ra ở đúng mức giá P0 đó. Dù số lượng doanh nghiệp bán ra là bao nhiêu, họ cũng nhận được mức giá P0 cho sản phẩm mà họ bán ra. Do vậy, đường cầu của doanh nghiệp là đường thẳng nằm ngang ở mức giá P0. Đó là đường d.
Bởi vì doanh nghiệp không thể quyết định giá nên nó cũng không có ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp khác trong ngành. Định nghĩa của các nhà kinh tế về thị trường cạnh tranh hoàn hảo có vẻ trái với ý nghĩa của từ cạnh tranh trong đời sống hàng ngày. Các nhà kinh tế ngụ ý rằng mỗi doanh nghiệp hay người tiêu dùng riêng lẻ nhận thấy lượng cung hay cầu của mình là rất nhỏ so với số lượng của toàn bộ thị trường và như thế lượng mua và bán của họ không ảnh hưởng gì đến giá cả trên thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể dùng một số chiêu thức để thu hút khách hàng về phía mình. Công ty P&G và Unilever cạnh tranh rất mãnh liệt trên thị Việt Nam nhưng ta không gọi chúng là cạnh tranh hoàn hảo. Bởi vì mỗi công ty chiếm một thị phần rất lớn trên thị trường hàng tiêu dùng nên chúng có thể làm thay đổi giá cả trên thị trường bằng các quyết định về cung ứng của mình.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về sự chấp nhận giá của các doanh nghiệp hoạt động trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo và để mô tả đúng đường cầu đối với hàng hóa của các doanh nghiệp này, chúng ta xét đến 4 đặc điểm của thị trường cạnh tranh hoàn hảo. 1. Số lượng các doanh nghiệp trong ngành là đủ lớn sao cho sản lượng của mỗi doanh nghiệp là không đáng kể so với cả
ngành nói chung. Do vậy, thị phần của mỗi doanh nghiệp sẽ rất nhỏ và doanh nghiệp không có khả năng chi phối giá cả trên
thị trường bằng các quyết định cung ứng của mình.
2. Sản phẩm của ngành phải tương đối đồng nhất và tính giá như nhau, để cho sản phẩm của các doanh nghiệp có thể thay
thế hoàn hảo cho nhau. Sản phẩm của các nhà sản xuất là giống nhau nên người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm của bất
của mình cao hơn mức giá chung P0, nó sẽ không bán được sản phẩm nào hết vì người mua sẽ mua sản phẩm giống như vậy của doanh nghiệp khác.
3. Thông tin hoàn hảo cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm sao cho người mua nhận thấy những sản phẩm giống
nhau của các doanh nghiệp khác nhau thực sự là như nhau. Thậm chí các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đồng nhất, họ
cũng có thể định giá sản phẩm mình khác với người khác nếu người mua không có thông tin hoàn hảo về chất lượng và đặc tính của sản phẩm ấy. Chẳng hạn, nếu bạn không hiểu nhiều về bột giặt, bạn sẽ nghĩ rằng bột giặt OMO nếu bán với giá 12.000 đồng/kg sẽ tốt hơn bột giặt DASO có giá 10.000 đồng/kg. Do vậy, chúng ta phải giả định người mua có thông tin hoàn hảo về sản phẩm để doanh nghiệp không có khả năng định giá khác với mức giá chung.
4. Tự do nhập và xuất ngành sao cho không có sự cấu kết của các doanh nghiệp hiện hành. Tại sao các doanh nghiệp không liên kết lại như các nước trong khối OPEC đã từng làm: hạn chế cung ứng để nâng giá? Chúng ta có thể trả lời là điều này là không thể do các lý do: (i) với quá nhiều doanh nghiệp trong ngành, việc tổ chức thành hiệp hội sẽ rất tốn kém, các nhà quản lý sẽ tốn nhiều thời gian để thương lượng với các doanh nghiệp khác hơn là để tổ chức sản xuất; (ii) nếu đường cầu thị trường rất co giãn, khả năng tăng giá của các doanh nghiệp là rất ít. Thậm chí nếu các doanh nghiệp có thể cấu kết với nhau để tăng giá, điều này sẽ thu hút các doanh nghiệp mới nhập ngành và làm sản lượng tăng, dẫn tới giá sẽ lại giảm xuống. Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo, doanh nghiệp hoàn toàn tự do lựa chọn gia nhập hay rút khỏi ngành mà không có một trở ngại pháp lý nào cả hay không có các chi phí đặc biệt nào gắn với việc gia nhập.
Thị trường nông sản là các ví dụ điển hình về thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Hầu hết thị trường nông sản đều mang đầy đủ 4 đặc điểm của thị trường này, chẳng hạn như lúa gạo, trái cây, thủy hải sản, v.v. Đối với các mặt hàng công nghiệp, đặc điểm của mỗi sản phẩm gắn liền với hình ảnh, nhãn hiệu của công ty sản xuất ra chúng nên sản phẩm trong ngành là không đồng nhất. Bên cạnh đó, đôi khi người tiêu dùng không có đầy đủ thông tin về sản phẩm nên người bán có thể định giá khác nhau cho các sản phẩm của mình. Vì vậy, thị trường hàng công nghiệp khó có thể là thị trường cạnh tranh hoàn hảo.