Như ta đã thấy quốc ngữ hiểu như chữ viết vào đầu thế kỷ 20 đã thắng lợi hoàn toàn bằng cách đưa chữ nôm vào lãng quên, chiếm độc quyền trong việc ghi tiếng Việt. Cuộc thắng lợi này sở dĩ được tương đối dễ dàng vì chữ quốc ngữ éo le thay lại là giao điểm của hai chủ trương đối nghịch nhau. Một bên chính quyền Pháp ở Đông Dương xem chữ quốc ngữ là công cụ hữu hiệu để đồng hoá dân thuộc địa. Bên phía những sĩ phu Việt Nam lại cho đó là vũ khí sắc bén trong công cuộc phổ biến tân học, truyền bá tư tưởng yêu nước tiến tới giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho nước nhà.
Quốc ngữ hiểu như chữ viết kiểu La Tinh đã thế, còn quốc ngữ hiểu như tiếng Việt thì thế nào ? Địa vị của tiếng Việt ra sao, trong một đất nước, giữa một dân tộc mà chữ Hán thống trị trong suốt một nghìn năm đô hộ phương Bắc, thêm mười thế kỷ nữa dưới các triều đại vua chúa Việt Nam lấy Hán học làm giềng mối quốc gia, làm gốc cho đạo lý xã hội, bây giờ lại đứng trước sức tiến công của tiếng Pháp trong chủ trương khai hoá, đồng hoá, của những ông chủ mới
đến từ phương Tây. Lẽ dĩ nhiên tiếng Việt là tiếng nói của toàn dân Việt, sinh ra một lần với dân tộc Việt, trải qua bao nhiêu cuộc biến thiên vẫn còn tồn tại, sống động qua ca dao tục ngữ, câu hò tiếng hát dân gian qua Quốc Âm thi tập
của Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15, đạt đến độ ngôn ngữ văn chương tài tình với
truyện Kiều của Nguyễn Du ở cuối thế kỷ 18-đầu thế kỷ 19. Lẽ dĩ nhiên với thắng lợi của chữ quốc ngữ, sự ra đời của nhiều tờ báo, sự phát triển của nhà in, với những lời kêu gọi của những phong trào duy tân, tiếng Việt đã ngoi lên để
trở thành một ngôn ngữ viết, khác hơn là một ngôn ngữ nói, một ngôn ngữ
thông dụng hàng ngày. Trên con đường này, tiếng Việt vấp phải một số trở
ngại, nhất là trước sự phổ biến có tổ chức và có chính quyền của tiếng Pháp.
Như đã nói ở Chương 5, hiệp ước Pentenôtre ký ngày 6.6.1884, đã nhìn nhận nước Pháp thay mặt nước An Nam trong mọi quan hệ đối ngoại ; hậu quả rõ ràng là trong các giao thiệp quốc tế, tiếng Pháp sẽ nói thay tiếng Việt.