III. VẤN ĐỀ RÚT RA SAU KHI NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG THUẾ TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH XUẤT BẢN PHẨM Ở VIỆT NAM
1. Sử dụng các loại thuế với mức thuế suất phù hợp sẽ kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả
sản xuất kinh doanh có hiệu quả
Khái niệm bản chất của thuế đã thể hiện rất rõ thuế là khoản đóng góp theo quy định pháp luật mà nhà nước bắt buộc mọi tổ chức cá nhân phải nộp vào ngân sách nhà nước để phục vụ các nhu cầu chi tiêu và thực hiện các chức năng của nhà nước. Thuế đồng thời là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Thông qua nguồn thu thuế, Nhà nước điều tiết thu nhập toàn bộ nền kinh tế quốc dân thông qua các chính sách: cấp phát vốn ban đầu, tái cấp phát bổ sung vốn, kinh phí sự nghiệp cho các doanh nghiệp, cơ quan tài trợ vốn, cho vay…
Chính vì vậy khi sử dụng hợp lý các loại thuế và đặc biệt đưa ra mức thuế suất phù hợp đối với loại hình sản xuất kinh doanh nào đó sẽ thúc đẩy được hiệu quả kinh tế xã hội và phát huy cao độ hiệu quả ấy.
Hòa nhịp sự phát triển và đổi mới của nền kinh tế quốc dân, kinh doanh xuất bản phẩm cũng được hoàn thiện từng bước cho phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Ngày 1 tháng 1 năm 1999 luật thuế GTGT được thực hiện có hiệu lực thay cho luật thuế doanh thu với thuế thu nhập doanh nghiệp ra đời thay cho thuế lợi tức trước đây. Với ưu thế của mình, thuế GTGT không bị thu trùng lặp và chồng chất, gây ảnh hưởng tích cực đến người tiêu dùng sử dụng cuối cùng. Với luật thuế GTGT, hệ thống phát hành sách giáo dục có khả năng tích lũy vốn tái đầu tư kinh doanh, mở rộng phạm vi quy mô kinh doanh đáp ứng tốt nhất nhu cầu sách giáo khoa, giáo trình cho tất cả các cấp học. Tại điều 4 mục 13 thông tư 122/2000/TT - BTC đã qui định rõ sách giáo khoa (kể cả
dưới dạng băng hoặc đĩa ghi hình, ghi tiếng), giáo trình là đối tượng không chịu thuế GTGT.
Đặc biệt đối với xuất bản phẩm xuất khẩu, luật thuế GTGT qui định mức thuế suất bằng 0%. Điều này thể hiện sự ưu đãi lớn của nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu trong đó có hàng hóa xuất bản phẩm, nhất là đến năm 2001 việc xuất khẩu đã được nhà nước cho phép mở rộng trong ngành phát hành sách. Ngoài công ty Xuhabasa, còn có Tổng Công ty phát hành sách Việt Nam (phần Hà Nội) và Công ty phát hành sách thành phố Hồ Chí Minh được trực tiếp thực hiện chức năng xuất khẩu xuất bản phẩm ra nước ngoài. Với mức thuế suất bằng 0% sẽ khuyến khích thúc đẩy các công ty tăng nhanh khả năng xuất khẩu, tranh thủ nguồn ngoại tệ từ nước ngoài bổ sung nguồn lực tài chính của doanh nghiệp và ngân sách nhà nước.
Thuế GTGT có những ưu điểm lớn và việc thực hiện thuế GTGT là một tất yếu khách quan. Hiện nay thuế GTGT đã được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Do đó việc thực hiện thuế GTGT giúp quan hệ kinh tế của Việt Nam nói chung phù hợp với các thông lệ quốc tế, để Việt Nam có thể tham gia hợp tác kinh tế toàn cầu.
Sử dụng thuế xuất nhập khẩu với mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% là điều kiện quan trọng để kích thích hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm mở rộng thị trường khu vực và thế giới. Cùng với các hoạt động sản xuất kinh doanh khác trong nền kinh tế, mang thêm nguồn thu ngoại tệ tăng cường kinh tế nước nhà hội nhập và phát triển cùng thời đại.
Thuế thu nhập doanh nghiệp được sử dụng với mức thuế suất 32% (thay cho thuế lợi tức thuế suất 45% trước đây) là tương đối hợp lý, giúp các doanh nghiệp xuất bản phẩm có điều kiện tích lũy lợi nhuận, tăng cường khả năng tài chính trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp phát quá ít ỏi (30% trong tổng vốn kinh doanh).
Và với mức thu 0,2%/ tháng đối với tiền thu sử dụng vốn ngân sách nhà nước là hoàn toàn phù hợp với doanh nghiệp xuất bản phẩm. Vì đây là khoản vay không phải hoàn trả gốc đối với các doanh nghiệp hiện nay. Trong khi lãi vay vốn trên thị trường với mức lãi suất vay gấp 5 → 7 lần mức trên đây.
Tuy nhiên, trên đây là những ưu diểm của các loại thuế đang sử dụng hiện nay. Bên cạnh những thành tựu đáng kể, chính sách thuế cũng còn những điều bất cập, mà nếu điều chỉnh lại, chắc chắn sẽ thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của ngành hơn rất nhiều.
Trên thị trường trong nước mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với một số loại sách (sách thiếu nhi, khoa học kỹ thuật) là quá cao và 10% đối với các văn hóa phẩm và các mặt hàng văn hóa khác là không nên. Vì đây là những mặt hàng đáp ứng nhu cầu văn hóa thiết yếu trong đời sống văn hóa tinh thần của con người.
Đối với xuất bản phẩm nhập khẩu, mức thuế suất quả là quá cao từ 0%
→ 60%… làm cho giá bán tăng, gây ách tắc và cản trở cho việc tiêu thụ trên thị trường trong nước.
Nếu như chính phủ, Bộ văn hóa và ngành phát hành sách sớm đưa ra được những giải pháp hữu hiệu, điều chỉnh lại mức thuế suất của các loại thuế, chắc chắn hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm sẽ sớm mang lại hiệu quả kinh doanh cao, trong đó hiệu quả xã hội là chủ yếu, trọng điểm “xây dựng bồi dưỡng con người văn hóa và trí tuệ” trong sự nghiệp “công nghiệp hóa và hiện đại hóa” đất nước hiện nay.