Thiết bị đóng cắt có thể bằng tay như: Cầu dao, công tắc, nút ấn, bộ khống chế, áp tô mát; hoặc có điều khiển như: công tắc tơ….được sử dụng rất phổ biến và đa dạng trong lưới điện. Yêu cầu cơ bản của các thiết bị đóng cắt là: các chi tiết phải có độ bền cơ khí cao; có tính chịu nhiệt tốt; hình dáng, độ cứng bề mặt của các tiếp điểm phải phù hợp với yêu cầu sử dụng, phải có khả năng tự dập tắt hồ quang khi đóng cắt.
Dưới đây giới thiệu một vài thiết bị thường gặp nhất.
1. Cầu dao:
Cầu dao là khí cụ điện đóng cắt bàng tay, không thường xuyên, ở lưới điện hạ áp hoặc trung áp. Đa số cầu dao được dùng để đóng cắt mạch điện có công suất nhỏ, voái mạch điện có công suất trung bình và lớn chúng được dùng để đóng cắt không tải. Riêng cầu dao phụ tải được sử dụng đóng cắt dòng điện định mức.
Một cầu dao đơn giản có cấu tạo như hình (3.62).
Trong đó 1 – tiếp điểm động, 2 - tiếp điểm tĩnh, 3 – lưỡi dao phụ, 4 – lò xo, 5 – Tay cầm, 6 – đế cách điện. Trong quá trình ngắt, hồ quang xuất hiện giữa tiếp điểm động và tiếp điểm tĩnh, nó được dập tắt nhờ sự kéo dài hồ quang bằng cơ khí và lực điện động hướng kính tác động lên hồ quang.
2.Công tắc tơ:
Công tắc tơ là khí cụ điện đóng cắt thường xuyên mạch động lực từ xa bằng tay hay tự động. Những năm gần đây người ta đã chế tạo các loại công tắc tơ không tiếp điểm, việc đóng cắt công tắc tơ loại này được thực hiện bằng cách cho các xung điện để khóa hoặc mở các van bán dẫn
Các tham số chủ yếu của công tắc tơ là :
a) Điện áp định mức Uđm là điện áp của mạch điện tương ứng mà tiếp điểm chính phải đóng. Điện áp định mức có các cấp 110V, 220V, 440V một chiều và 127V, 220V, 380V, 500V xoay chiều.
b) Dòng điện định mức Iđm là dòng điện đi qua tiếp điểm chính trong chế độ làm việc gián đoạn dài hạn (không quá 8 giờ). Dòng điện định mức thường có các cấp 10, 20, 25, 40, 60, 75, 100, 150, 250, 300, 600A. Nếu làm việc quá 8 giờ giá trị dòng điện định mức của công tắc tơ lấy thấp hơn 20%. c) Khả năng cắt, khả năng đóng là dòng điện cho phép đi qua tiếp điểm chính khi cắt hoặc khi đóng. Chẳng hạn khi khởi động động cơ không đồng bộ xoay chiều ba pha lồng sóc cần phải có khả năng đóng (cho dòng điện khởi động) đi qua từ 4 - 8 lần dòng định mức và khi cắt dòng điện cắt lớn gấp 10 lần dòng định mức.
d) Tuổi thọ của công tắc tơ được tính bằng số lần đóng, mở ; sau số lần đóng mở ấy công tắc tơ sẽ hỏng không dùng được nữa (độ bền cơ khí đạt tới 20 triệu lần thao tác, độ bền điện đạt tới 3 triệu lần thao tác).
e) Tần số thao tác là số lần đóng cắt trong một giờ (có các cấp 30, 100, 120, 150, 300).
f) Ngoài ra người ta còn chú ý tới tính ổn định nhiệt, ổn định lực điện động v.v...