Nghiệp vụ hoán đổ

Một phần của tài liệu Thực trạng thị trường ngoại hối việt nam hiện nay (Trang 36 - 38)

Giai đoạn trước

Năm 1997, NHNN ban hành quyết định 430/1997/QĐ-NHNN 13 về việc thực hiện giao dịch hoán đổi giữa NHNN và NHTM. Quy chế tổ chức trong hoạt động của TTNTLNH ban hành năm 1999 cũng xác định SWAP là một nghiệp vụ của TTNTLNH. Song trên thực tế mãi tới tháng 7/2001 giao dịch hoán đổi mới được đưa vào triển khai trong hệ thống Ngân hàng. Nghiệp vụ này được thựcc hiện trên cơ sở quyết định số 893/2001/QĐ-NHNN về việc thực hiện nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ giữa NHNN với các Ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn bằng VNĐ cho các Ngân hàng và Quyết định 894/2001/QĐ-NHNN về tỷ giá áp dụng khi bán USD cho các Ngân hàng thực hiện nghiệp vụ hoán đổi.

Cũng giống như giao dịch kỳ hạn, doanh số giao dịch hoán đổi trên thị trường vẫn ở mức thấp do tâm lý chưa quen sử dụng một nghiệp vụ mới, TTNTLNH hoạt động còn yếu, chưa chặt chẽ và do đó các quy định chưa phù hợp. Với quyết định số 648/2004/QĐ-NHNN, cùng với giao dịch kỳ hạn, các quyết định đối với giao dịch hoán đổi đã được thay đổi, tạo điều kiện cho thị trường hoán đổi ngoại tệ ở Việt Nam từng bước phát triển hiệu quả hơn, góp phần làm giảm tình trạng căng thẳng trên thị trường giao ngay và giúp TTNTLNH từng bước làm quen với các nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ mới của thị trường quốc tế.

Giai đoạn 2001- nay

Nhìn chung trong thời gian qua, trên thị trường tài chính - tiền tệ có nhiều biến động, NHNN đã có những điều chỉnh trong việc kiểm soát tỉ giá và kiềm chế lạm phát. Từ 6/2001, lãi suất ngoại tệ được tự do hoá nên khiến cho thị trường ngoại hối của ta càng nhạy cảm hơn với những thay đổi về lãi suất trên thị trường tiền tệ quốc tế. Những thay đổi bất thường và vô lối của tỉ giá đều gây ra tác động và nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến hiện tượng khan hiếm tiền đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ. Trong những tình huống như thế, nghiệp vụ hoán đổi ngoại hối luôn tỏ ra hết sức có hiệu quả trong việc khắc phục tình trạng dư thừa hay khan hiếm một loại tiền nào đó. Tuy nhiên thông qua thực tế quan sát, có thể thấy giao dịch hoán đổi ở hệ thống NHTM Việt Nam còn yếu ở nhiều khâu.

Trên các thị trường ngoại hối phát triển giao dịch hoán đổi đã xuất hiện từ rất lâu và đóng một vai trò quan trọng thì ở nước ta, giao dịch hoán đổi là khái niệm còn khá mới. Việc vận dụng những lí thuyết nghiệp vụ hối đoái hoán đổi cứng nhắc, thiếu tính chuyên nghiệp khiến cho giao dịch hoán đổi không phát huy hết được vai trò vốn có của nó. Thêm vào đó, việc qui định về thủ tục rườm rà, qui định mức trần tỉ giá kì hạn hoán đổi so với tỉ giá giao ngay của NHNN khiến cho giao dịch hoán đổi trở nên kém hấp dẫn đối với các NHTM, tuy đã có những điều chỉnh nhưng vẫn chưa thực sự thu hút. Hoạt động giao dịch này giữa các NHTM và khách hàng và giữa các NHTM với nhau có diễn ra nhưng số lượng giao dịch ít, phạm vi hẹp, doanh số thấp, chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong kinh doanh ngoại tệ. Giao dịch hoán đổi giữa NHNN với NHTM diễn ra với số lượng lớn và qui mô hơn song nó lại chỉ được xem như một giải pháp tình thế khi thị trường căng thẳng về VNĐ hơn là một công cụ kinh doanh ngoại hối hay một công cụ thị trường đúng nghĩa. Hơn nũa, hoán đổi ngoại hối chỉ diễn ra theo một chiều, nghĩa là các NHTM sử dụng giao dịch hoán đổi bán giao ngay ngoại tệ cho NHNN để lấy VNĐ và mua lại lượng ngoại tệ theo kì hạn để khắc phục tạm thời tình trạng thiếu VNĐ mà không có giao dịch theo chiều ngược lại. Do thị trường ngoại hối của ta nhỏ, lượng ngoại tệ dự trữ ít, khi khan hiếm ngoại tệ khó lòng có thể dùng nghiệp vụ hoán đổi với các NHTM, dùng VNĐ để tham gia vào giao dịch hoán đổi với các NH nước ngoài lại càng khó khăn hơn bởi VNĐ không phải là một đồng tiền mạnh và có giá. Cho nên, hoạt động giao dịch hối đoái hoán đổi với các NH ngoài nước rất hạn chế, nếu có thì cũng chỉ là hoán đổi ngoại tệ với ngoại tệ.

Mở rộng tầm nhìn sang các nước trong cùng khu vực ASEAN như Singapore, Philipin, thị trường tài chính của các nước này đã phát triển rất xa so với Việt Nam, các hoạt động trên thị trường ngoại hối diễn ra sôi nổi dưới nhiều hình thức khác nhau. Các nghiệp vụ giao dịch ngoại tệ đa dạng, mang tính chuyên nghiệp cao. Trong đó hoán đổi ngoại hối là một trong những giao dịch được sử dụng thường xuyên.

Như ở Thái Lan, quốc gia với nền kinh tế có những đặc điểm tương đối giống với Việt Nam thì những công cụ ngoại hối phái sinh nhằm phòng ngừa rủi ro tỉ giá như hối đoái hoán đổi cũng đã được vận dụng triệt để, phát huy hiệu quả to lớn, điều đáng chú ý là nghiệp vụ hoán đổi không chỉ được tiến hành trên thị trường tài chính nội địa mà còn mang tầm vóc quốc tế. Thoả thuận song phương về hoán đổi ngoại tệ trị giá lên đến 1 tỉ $ giữa Thái Lan và Hàn Quốc vừa qua là một minh chứng.

Hay như ở Trung Quốc, trước cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc còn nghèo nàn, lạc hậu, thị trường tài chính hầu như không có gì, song cho đến nay sau gần 30 năm tiến hành đổi mới Trung Quốc đã có những bước phát triển thần kì, tạo ra một bức tranh huy hoàng trên nhiều lĩnh vực trong đó bao gồm cả tài chính - ngân hàng. Tính đến hết tháng 5/2002, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt 238,4 tỉ USD do thặng dư thương mại. Với mức dự trữ này TQ trở thành nước có dự trữ ngoại hối lớn thứ hai thế giới, sau Nhật Bản. Thương mại TQ

phát triển tột bậc, khắp thế giới tràn ngập hàng hoá TQ. Các giao dịch ngoại tệ sớm được đưa vào sử dụng và đi vào qui phạm, trong đó hoán đổi ngoại tệ tuy cũng là sản phẩm khá mới nhưng cũng đã được sử dụng khá nhuần nhuyễn và linh hoạt. Những bước đi của Trung Quốc trong việc phát triển kinh tế - tài chính và thị trường ngoại hối nói riêng là những bài học về kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình đổi mới.

Đến nay, nghiệp vụ hối đoái hoán đổi ở nước ta còn đang trong những bước đầu dần hoàn thiện cả về kĩ thuật, qui mô cũng như môi trường. Tuy vẫn còn nhiều bất cập và vướng mắc song nếu có giải pháp và sự điều chỉnh hợp lí, hoán đổi ngoại hối sẽ phát huy đúng vai trò của nó trong lĩnh vực bảo hiểm rủi ro tỉ giá cũng như trở thành một nghiệp vụ kinh doanh không thể thiếu được của các NHTM hiện đại. Do đó việc không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng loại hình nghiệp vụ này ở các NHTM nước ta là việc làm hết sức cần thiết, để có thể theo kịp cũng như hội nhập chung với thị trường tài chính khu vực và thế giới.

Một phần của tài liệu Thực trạng thị trường ngoại hối việt nam hiện nay (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(56 trang)
w