Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đẩy nhân loại vào cuộc tàn sát ghê gớm chưa từng có từ trước đến nay. Pháp là một trong những nước tham chiến nên nhân dân Đông Dương cũng bị đẩy vào vòng chiến tranh. Tháng 6- 1940, Pháp bại trận, đầu hàng làm tay sai cho Phát xít Đức.
Ở Đông Dương, chính quyền thực dân phản động đã phát xít hóa bộ máy thống trị, đàn áp khủng bố dã man Đảng cộng sản và những người yêu nước cách mạng, tăng cường đàn áp bóc lột nhân dân, chuẩn bị cho chiến tranh thực dân. Pháp tước bỏ hết những quyền lợi và thành quả mà nhân dân ta giành được trong
thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) giải tán các đoàn thể quần chúng, các tổ chức dân chủ tiến bộ mà trước hết là nhằm tiêu diệt Đảng cộng sản Đông Dương.
Từ tháng 9 năm 1940 trở đi, Pháp đầu hàng nhượng bộ cho quân Nhật chiếm đóng Đông Dương. Nhật- Pháp tạm thời thỏa hiệp với nhau để đợi thời cơ tiêu diệt nhau. Để phục vụ chiến tranh Thái Bình Dương, phát xít Nhật đã thẳng tay cướp bóc với quy mô ngày càng lớn ở Đông Dương. Chúng bắt Pháp phải nộp tiền và thu mua thóc gạo nuôi quân đội, đồng thời để chúng được tự do khai thác tài nguyên ở Đông Dương. Đế quốc phát xít Nhật- Pháp cấu kết, vơ vét bóc lột, khủng bố đàn áp nhân dân và phong trào cách mạng một cách dã man tàn bạo hơn trước. Chúng khủng bố trắng các cuộc nổi dậy của nhân dân, binh lính yêu nước như: Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940), khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11- 1940), và cuộc binh biến Đô Lương (13-1-1941). Phong trào cách mạng nước ta trải qua một thời kỳ khó khăn và tổn thất lớn chưa từng thấy, nhưng phong trào cách mạng từ đây cũng chuyển sang một thời kỳ mới có nhiều chuyển biến nhanh chóng.
Chiến tranh phát xít bùng nổ và lan tràn, đế quốc Pháp trắng trợn đàn áp cướp bóc nhân dân ta, tình hình đó làm cho vận mệnh dân tộc ta bị đẩy đến bên bờ vực thẳm. Bên ngoài thì Nhật lăm le dòm ngó tìm cách nhảy vào xâm lược. Bên trong bị giặc Pháp cướp phá gia tăng gấp bội. Cuộc sống của nhân dân ta ngày càng chìm ngập vào thảm cảnh đói nghèo cùng cực.
Trong bối cảnh chung ấy, nhân dân Vĩnh Phúc cũng không thoát khỏi những tai họa nghiêm trọng. Là một tỉnh nông nghiệp vốn đã nghèo nàn, xơ xác dưới chế độ cai trị của đế quốc, phong kiến, tới lúc này do chính sách tăng cường vơ vét thời chiến của giặc Pháp nên đời sống mọi tầng lớp nhân dân lao động ngày càng bị chật vật và điêu đứng.
Bên cạnh sự xa sút khó khăn về kinh tế, nhân dân Vĩnh Phúc còn bị nghẹt thở dưới ách thống trị phát xít tàn bạo của đế quốc Pháp. Mọi quyền lợi tối thiểu về tự do dân chủ do nhân dân ta đấu tranh giành được trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939), đều bị tước đoạt hết thảy. Những cảnh bị đánh đập, tù đày, bị bắt đi phu, đi lính diễn ra căng thẳng và ngột ngạt khắp mọi nơi (năm 1940 riêng huyện Vĩnh Tường đã có trên 200 thanh niên bị Pháp bắt xung lính)
Trong lúc quần chúng đang ngày một điêu đứng như vậy thì phong trào cách mạng của tỉnh Vĩnh Phúc cũng bị đế quốc Pháp đàn áp gắt gao. Từ cuối năm 1939 đến đầu năm 1940, bọn đế quốc Pháp đã tung mật thám, binh lính, quan lại, cường hào đi vây lùng liên tiếp trên 20 lần ở hầu hết những nơi có cơ sở cách mạng trong tỉnh. “Chúng đóng giả thành những người bán hàng xén, bán vải, bán thuốc len lỏi vào các làng, giả làm người cắt tóc, đóng vai ông giáo đi dạy học, và đóng giả các võ sĩ len lỏi vào các ngõ sâu, xóm vắng để thu thập tin tức” [6;34] Nhiều làng bị lùng sục tới hai ba lần như thị xã Phúc Yên, làng Xuân Phương, Lâm Hộ, Thanh Vân, Đạo Tú…Tháng 12-1939, cơ sở in báo “Giải phóng” của Xứ ủy đặt tại làng Cổ Loa (Đông Anh) bị địch khám phá bắt 3 quần chúng. Tháng 1- 1940 địch bắt 4 đảng viên, quần chúng ở làng Bích Đại (Vĩnh Tường) và thị xã Vĩnh Yên. Ngoài ra tất cả các Hội nghiên cứu, Tương tế, Ái hữu do Đảng ta tổ chức thời kỳ Mặt trận dân chủ đều bị địch bắt giải tán. Tất cả những nơi có báo chí công khai của Đảng đều bị địch khám xét bắt bớ.
Do điều kiện bị địch khủng bố vây lùng liên tiếp, Đảng ta phải chuyển từ hoạt động bí mật, nên tình hình phong trào cách mạng ở tỉnh Vĩnh Phúc đã gặp khó khăn lớn. Cơ sở của tỉnh bị đứt liên lạc với một số nơi cũng chưa được chắp nối. Một số ít đảng viên và quần chúng do tinh thần bị dao động nên đã không dam tham gia hoạt động bí mật , hoặc có ông thì do dự không rút vào bí mật nên đã bị địch bắt (như ở Bích Đại và thị xã Vĩnh Yên). Nhất là về phương hướng
đấu tranh khi chuyển từ công khai vào bí mật, các chi bộ trong tỉnh còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm.
Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và Đông Dương, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 (11-1939) của Đảng đã xác định mục tiêu chiến lược cho cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Hội nghị cũng đề ra nhiệm vụ chính của cách mạng là đánh đổ đế quốc. Và nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước cũng chính là nhiệm vụ của cách mạng Vĩnh Phúc trong thời kỳ mới.
Chính lúc địch đàn áp khủng bố các phong trào cách mạng và tăng cường vơ vét bóc lột nhân dân thì chủ trương mới của Đảng đã đến với cán bộ Đảng viên và nhân dân hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Một phong trào cách mạng mới lại bùng lên mạnh mẽ sôi nổi. Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ở các địa phương, thống nhất chỉ đạo các cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng đồng thời dựa vào mối quan hệ gắn bó giữa phong trào cách mạng hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên, tháng 3-1940 Ban cán sự liên tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên được thành lập đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh và bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở Vĩnh Phúc.
Cuối năm 1940, Nhật nhảy vào nước ta câu kết với thực dân Pháp áp bức bóc lột nhân dân ta đẩy nhân dân ta rơi vào cảnh “một cổ đôi tròng”.
Về chính trị, phát xít Nhật tung ra thuyết “Đại Đông Á” để đánh đổ người da trắng, xây dựng “Khu thịnh vượng chung” của người da vàng và sử dụng bọn tay sai “Đại Việt” đi khắp nơi tuyên truyền về sức mạnh của Nhật, gây tâm lý sợ Nhật, phục Nhật. Ở Vĩnh Phúc, thực dân Pháp còn tổ chức các hội thi thể thao: thi chạy (ở Tam Đảo), đua xe (ở thị xã Vĩnh Yên), … nhằm mua chuộc, lừa phỉnh thanh niên Việt Nam và tầng lớp trên để họ không theo phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.
Đế quốc phát xít Nhật - Pháp và bọn tay sai một mặt thi hành chính sách lừa bịp, mị dân, mặt khác thì thẳng tay khủng bố đàn áp dã man phong trào yêu nước. Chúng phát xít hóa bộ máy chính quyền, tăng cường đánh phá các cơ sở cách mạng, lùng bắt Đảng viên và cán bộ cách mạng, liên tục mở những cuộc khủng bố và đánh phá ác liệt vào những cơ sở tổ chức cơ quan của Đảng và của cách mạng.
Vào những năm 1940-1941, khi phong trào cách mạng trong tỉnh và khu vực lên cao, thực dân Pháp còn lập thêm Sở mật thám đặc biệt, Sở mật thám lưu động, trụ sở đặt tại thị xã Phú Thọ có nhiệm vụ phụ trách các tỉnh dọc đường sắt Hà Nội- Lào Cai, trong đó có Vĩnh Phúc. Chúng tăng cường các hoạt động do thám, dò la tin tức của cách mạng.
Từ đầu năm 1941, quân Nhật kéo đến chiếm đóng một số nơi xung yếu của tỉnh. “Tại Vĩnh Yên và Phúc Yên, đầu năm 1941, trên 1000 quân Nhật chiếm đóng các vị trí xung yếu trong tỉnh”[5; 71]. Hàng vạn quần chúng lao động bị bắt đi phu xây dựng trại lính, sân bay Hương Gia- Nội Bài, mở rộng xưởng sản xuất vũ khí Đình Ấm, làm đường… Xưởng vũ khí Đình Ấm nằm ở địa phận xã Khai Quang do thực dân Pháp xây dựng vào cuối năm 1939 đến năm 1941, được phát xít Nhật mở rộng, tuyển thêm công nhân ở nhiều nơi về. Lúc đông nhất xưởng có khoảng trên 300 công nhân làm thuê. Xưởng chuyên sản xuất lựu đạn, bom mìn để cung cấp cho chiến tranh xâm lược.
Về kinh tế, Pháp- Nhật cấu kết ra sức vơ vét, bóc lột trắng trợn những tài nguyên của cải của nông dân Vĩnh Phúc và đặc biệt là chế độ sưu thuế ngày một tăng cao.
Trước sức ép của phát xít Nhật, thực dân Pháp trắng trợn thu vét lương thực của nhân dân ta. Từ đầu năm 1942, thực dân Pháp ra chính sách thu mua thóc tạ (thu mua thóc gạo theo diện tích cày cấy với giá rẻ mạt) và lập một hệ thống “liên đoàn thu mua thóc gạo” đến tận làng xã để vơ vét thóc gạo của nhân
dân. Đi đôi với thu mua thóc tạ, chúng còn bắt dân phá lúa trồng đay, thầu dầu. “Chỉ tính riêng năm 1942, quân Nhật đã bắt nhân dân hai tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên phá lúa trồng 11.900 mẫu thầu dầu cung cấp cho chúng, chiếm hàng nghìn mẫu ruộng và nhà cửa, chùa chiền nhà thờ của mấy xã Hương Gia, Nội Bài, Phú Minh (Phúc Yên) để làm sân bay.” [5; 71] Thêm vào đó từ giữa năm 1942 máy bay Đồng minh còn bắt đầu đánh phá các trục đường giao thông, kho tàng của Nhật trong tỉnh, đánh sập cầu Việt Trì,..làm cản trở giao thông nạn đầu cơ tích trữ trầm trọng, giá cả tăng vọt. Chính sách tàn bạo của Nhật Pháp làm cho đời sống nhân dân ta càng thêm cực khổ. Đó là nguyên nhân dẫn đén cảnh nhân dân Vĩnh Phúc chết đói thê thảm cuối năm 1944 đầu năm 1945.
Chính sách áp bức bóc lột của Pháp- Nhật đã khiến cho mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc lên đến đỉnh điểm, trong đó mâu thuẫn dân tộc là mâu thuẫn cơ bản đặt lên hàng đầu. Quyền lợi của tất cả các giai cấp đều bị xâm phạm, nông dân thì bị cướp đất, phải chịu sưu cao thuế nặng, công nhân thì thường xuyên bị đánh đập, cúp phạt với đồng lương không đủ sống, tư sản dân tộc và tiểu tư sản cũng bị chèn ép đến phá sản, thất nghiệp…. “Ách áp bức ấy quá nặng nề…Đế quốc Pháp- Nhật chẳng những áp bức các giai cấp thợ thuyền, dân cày, mà chúng nó áp bức bóc lột cả dân tộc không chừa một hạng nào. Dẫu là anh tư bản, anh địa chủ, một anh thợ hay một anh dân cày đều cảm thấy cái ách nặng nề của đế quốc là không thể nào sống được”[35;112] Đến lúc này không chỉ người lao động bị bóc lột mà tât cả các giai tầng trong xã hội đều sống trong tình trạng bị áp bức đến nghẹt thở, quyền lợi bị bóp nghẹt. Mâu thuẫn dân tộc như một ngọn lửa đang âm ỉ chỉ chờ ngọn gió cách mạng thổi bùng lên thiêu cháy bọn đế quốc phát xít. Vì vậy nhiệm vụ giải phóng dân tộc thoát ra khỏi ách áp bức Pháp- Nhật trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thế nhưng “muốn làm tròn nhiệm vụ ấy trước hết phải tập trung cho được lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản
xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập tự do cho dân tộc”[35;112] Để đoàn kết dân tộc phải có Mặt trận dân tộc thống nhất.
Như vậy muốn giành được độc lập chủ quyền nhân dân Vĩnh Phúc phải xây dựng được lực lượng đoàn kết toàn dân trong một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi đó là Mặt trận Việt Minh Vĩnh Phúc.