Hoạt động của Mặt trận Việt Minh tỉnh Vĩnh Phúc (10/1941 – 8/1945)
2.2.1 Bối cảnh lịch sử
Để trừ mối hậu họa, rảnh tay đối phó với quân Đồng Minh, ngày 9-3- 1945, Phát xít Nhật tiến hành đảo chính hất cẳng thực dân Pháp độc chiếm Đông Dương. Cũng như ở các nơi khác, ở Vĩnh Yên và Phúc Yên, quân Pháp không dám nổ súng chống cự, binh lính Pháp vứt súng tháo chạy, Chánh và Phó sứ bị Nhật bắt giam tại Tam Đảo. Nhật đảo chính Pháp nhưng bộ máy chính quyền Pháp vẫn giữ nguyên, chỉ thay đổi tên gọi như Tuần phủ đổi thành Tỉnh trưởng, Giám binh đổi thành Bảo an binh…
Sau đảo chính, các đảng phái phản động như Đại Việt, Quốc dân Đảng (ở Vĩnh Yên do Đỗ Đình Đạo, ở Phúc Yên do Nguyễn Quang Toản cầm đầu) câu kết với Nhật ra sức chống phá cách mạng. Chúng cấu kết với chính quyền bu nhìn tỉnh, bọn chỉ huy bảo an binh, một số địa chủ, tư sản phản động và nắm tổ chức thanh niên Phan Anh để chuẩn bị lực lượng cướp chính quyền trước Việt Minh. Chúng ép buộc quần chúng đến dự các cuộc mit tinh để tuyên truyền cho Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim do Nhật nặn ra; tuyên truyền công ơn đem lại độc lập giả hiệu cho nhân dân Việt Nam của phát xít Nhật, đồng thời chúng còn tổ chức ra lực lượng vũ trang, được Nhật trang bị vũ khí, biến thị xã Vĩnh Yên và đồn điền Tam Lộng thành sào huyệt của chúng. Bọn Quốc dân đảng phản động ở Thổ Tang và một số làng khác của Vĩnh Tường cũng dựa vào Nhật để tổ chức, tập hợp lực lượng, tàng trữ vũ khí, chống phá cách mạng. Khi nguy cơ sụp
đổ của Phát xít đến gần, Vũ Hồng Khanh, một tên Quốc dân Đảng năm 1930, biến chất lưu vong sang Trung Quốc cùng Tưởng Giới Thạch, đã lén lút phái người liên lạc với bọn Quốc dân đảng ở Thổ Tang tìm cách nắm bọn Đại Việt ở Vĩnh Yên để chờ cơ hội “Hoa quân nhập Việt” chống phá cách mạng.
Cùng với sự phá phách của các đảng phái phản động, tên Nguyễn Trọng Tấn, Tỉnh trưởng Vĩnh Yên theo lệnh Nhật bày trò tổ chức “Lễ truy điệu trận vong chiến sĩ” ngày 23-3-1945, ca ngợi Nhật đã “khôi phục độc lập cho nước nhà” . Chúng còn lợi dụng một số tù chính trị quê Vĩnh Yên được tha hoặc trốn tù trong ngày Nhật đảo chính Pháp về để tổ chức “Hội nghị chính trị phạm toàn tỉnh Vĩnh Yên”, họp tại làng Thổ Tang để bàn về “Phục hưng quốc gia” Những trò bịp bợm của bọn tay sai Nhật trên đây cốt nhằm mê hoặc nhân dân ta, đánh lạc hướng đấu tranh cách mạng của nhân dân, nhất là thanh niên.
Cùng với những thủ đoạn lừa bịp về chính trị, phát xít Nhật còn trắng trợn đàn áp phong trào Việt Minh và nhân dân chống lại chính sách thu mua thóc tạ và bắt nhổ ngô, lúa trồng đay của chúng. Chính sách kinh tế man rợ này được Phát xít Nhật tiến hành từ năm 1942, được tăng cường từ sau đảo chính Pháp, đã đưa nhân dân ta đến thảm họa chết đói chưa từng thấy trong lịch sử. Trong số hơn hai triệu đồng bào miền Bắc bị chết đói thì ở hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên cũng mất hàng ngàn người. “Có làng chết đói cả trăm người như làng Tiền Phong (Yên Lãng), Thanh Lãng (Bình Xuyên), chết hơn 80 người ở Tháp Miếu (Phúc Yên), có gia đình chết đói cả nhà… Ngoài ra khắp các ngả đường, chợ, bến đò, bến xe, đâu đâu cũng có người ăn xin, đâu đâu cũng thấy xác người chết thảm” [5; 88]
Gây ra những tội ác đó, bọn phát xít tưởng rằng có thể đè bẹp nổi ý chí đấu tranh của nhân dân ta nhưng sự thật đã không được như tham vọng của chúng. Chính sách thống trị và ách áp bức hai tròng của Nhật Pháp làm cho mâu thuẫn của toàn thể nhân dân ta nói chung và nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng ngày
càng sâu sắc. Sau ngày Nhật đảo chính phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng và mặt trận Việt Minh.