Sự ra đời và phát triển của Mặt trận Việt Minh Vĩnh Phúc (10-1941 đến 8-1945)

Một phần của tài liệu mặt trận việt minh vĩnh phúc trong cách mạng tháng Tám 1945 (Trang 33 - 40)

8-1945)

Hai tháng sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, từ ngày 6 đến 8 tháng 11 năm 1939, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 đã được triệu tập tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Mọi nhiệm vụ khác kể cả “vấn đề điền địa” cũng phải nhằm vào mục đích giải phóng dân tộc.

Hội nghị khẳng định “ bước sinh tồn của cách mạng Đông Dương không còn con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để tranh lấy giải phóng dân tộc” [34; 536]

Dự kiến cuộc cách mạng đánh đổ đế quốc Pháp ở Đông Dương sẽ bùng nổ nên Hội nghị chủ trương tập trung lực lượng dân tộc trong Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. Hội nghị chủ trương Đảng rút vào hoạt động bí mật, hướng cuộc đấu tranh của quần chúng vào nhiệm vụ trọng tâm chống đế quốc và tay sai.

Từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 11 năm 1940, Hội nghị BCH TW Đảng lân thứ 7 họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh) đã khẳng định chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng tập trung lực lượng thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc của Hội nghị TW lần 6 là đúng. Hội nghị đã kế tục và phát triển tinh thần nghị quyết TW lần 6 nhưng có phát triển thêm về vấn đề xây dựng lực lượng vũ

trang và căn cứ địa cách mạng để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị quyết định duy trì lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và tiến tới thành lập căn cứ địa cách mạng, lấy vùng Bắc Sơn- Vũ Nhai làm trung tâm do TW Đảng trực tiếp chỉ đạo.

Đầu năm 1941, Bác Hồ về nước, nhận thấy sự chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, Người đã triệu tập Hội nghị TW Đảng lần thứ 8 (từ ngày 10 đến 19 tháng 5 năm 1941), hoàn chỉnh chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng đã được đề ra từ Hội nghị lần 6 và lần 7. Hội nghị quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Vì “trong lúc này quyền lợi của bộ phận giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.” [14; 195-196] . Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) thay cho Mặt trận phản đế Đông Dương “nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn”[14; 436]

Ngày 19 tháng 5 năm 1941, Mặt trận Việt Minh chính thức được thành lập và sau đó Việt Minh đã công bố những văn kiện quan trọng của Việt Minh như Chương trình cứu nước, Điều lệ, Tuyên ngôn,… của Mặt trận Việt Minh. Trong “thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” Hồ Chí Minh có viết “Việt Minh là cơ sở cho sự đoàn kết, phấn đấu của dân tộc ta trong lúc này. Hãy gia nhập Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, làm cho Việt Minh rộng lớn, mạnh mẽ”[35; 418]

Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh phù hợp với yêu cầu của cách mạng và lịch sử đất nước với nguyện vọng và quyền lợi thiết thân của đông đả nhân dân Việt Nam nên Mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng được mọi tầng lớp xã hội, giai cấp hưởng ứng. Vì vậy Mặt trận Việt Minh đã dần dần phát triển

rộng khắp trong toàn quốc và trở thành ngọn cờ đoàn kết dân tộc, đánh đuổi phát xít Pháp- Nhật cứu nước.

Sau khi tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Tổng bí thư Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ (Uỷ Viên thường trực Trung ương Đảng) đã về Phú Thọ (8-1941) để phổ biến nghị quyết cho Xứ Uỷ Bắc Kỳ rồi về Vĩnh Yên phổ biến nghị quyết cho Khu uỷ Đ. Do bị lộ, Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ không họp được với Khu ủy Đ, phải về An toàn khu Trung ương. Ngày 8-10- 1941, Khu Ủy Đ triệu tập Hội nghị mở rộng tại làng Xuân Thịnh (Phù Ninh, Phú Thọ) để nghiên cứu quán triệt và bàn kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng. Do đó Đảng bộ Phú Thọ và Đảng bộ Vĩnh Yên sớm tiếp thu nội dung nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8.

Tại Hội nghị Ban cán sự tỉnh Vĩnh Yên (10-1941) ở ấp Phú Vinh (huyện Tam Dương) Khu uỷ Đ đã phổ biến nghị quyết Trung ương lần thứ 8 đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh Vĩnh Yên. Ở Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, thị xã Vĩnh Yên, các cơ sở Mặt trận phản đế đã nhanh chóng chuyển thành tổ chức của Mặt trận Việt Minh.

Cùng thời gian này do được tăng cường cán bộ chỉ đạo và được đón tiếp một bộ phận cơ quan Trung ương Đảng chuyển đến cơ sở Xuân Kỳ, huyện Kim Anh nên Đảng bộ Phúc Yên cũng tiếp thu được nghị quyết Trung ương. Vì vậy tháng 11- 1941, Ban cán sự tỉnh Phúc Yên chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh Phúc Yên.

Căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương Đảng và chương trình cứu nước của Tổng bộ Việt Minh, Mặt trận Việt Minh tỉnh cũng đề ra chương trình cứu nước cụ thể cho địa phương mình. Mặt trận Việt Minh tỉnh chủ trương đoàn kết tập hợp tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các đảng phái, các tôn giáo…vào Mặt trận để cùng đấu tranh vì mục tiêu chung là đánh đuổi giặc Pháp giành độc lập hoàn toàn cho đất nước. Việt Minh tỉnh đã thành lập các đoàn thể cứu quốc như

Thanh niên cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc… Về đấu tranh Mặt trận Việt Minh Vĩnh Phúc chủ trương song song với việc xây dựng các tổ chức, đoàn thể cứu quốc Mặt trận thành lập các đội tự vệ vũ trang để đấu tranh tiến tới giành chính quyền. Mặt trận Việt Minh Vĩnh Phúc còn chủ trương thành lập các An toàn khu làm căn cứ địa cho cách mạng. Về phương pháp đấu tranh thực hiện nghị quyết của Trung ương và Tổng bộ Việt Minh, Mặt trận Việt Minh Vĩnh Phúc chủ trương kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.

Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh Vĩnh Phúc phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân trong tỉnh, được quần chúng nhân dân ủng hộ. Vì vậy, Mặt trận Việt Minh đã dần trở thành người tuyên truyền, giác ngộ quần chúng xây dựng lực lượng cách mạng để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Vĩnh Phúc khi thời cơ đến. Do bị địch khủng bố ác liệt nên phong trào cách mạng Vĩnh Phúc cắt liên lạc với Xứ ủy và phải đến năm 1944, mới nối lại liên lạc. Từ đây phong trào lại được khôi phục, Mặt trận Việt Minh các huyện, thị lần lượt ra đời.

Tại Bình Xuyên, do Xứ ủy và Khu ủy Đ về đóng trên địa bàn huyện nên ngoài việc giúp đỡ, lãnh đạo phong trào còn xúc tiến nhanh việc xây dựng mặt trận Việt Minh của huyện. Đầu năm 1942, Mặt trận Việt Minh đã được thành lập ở Bình Xuyên do ông Lê Thị Lịch phụ trách. Lê Thị Lịch thường xuyên họp bàn và giao nhiệm vụ cho tổ Việt Minh ở đồn điền Văn Lãng (xã Tân Phong, Bình Xuyên) tuyên truyền, giải thích, vận động quần chúng giác ngộ để kết nạp vào Mặt trận, mở rộng cơ sở, thành lập các tổ tự vệ. Từ đầu năm 1942 đến 1944, Bình Xuyên bị địch khủng bố dữ dội. Ngày 13-12-1944, Dinh Đức Thiện về Càn San họp bàn và đề ra biện pháp đấu tranh cho phù hợp với tình hình. Tại Tam Canh, ông đã giao nhiệm vụ cho Việt Minh phải phát triển rộng rãi Mặt trận Việt

Minh và đoàn thể cứu quốc khắp ba làng Cánh (Tam Canh) và các làng lân cận. Đến tháng 10-1944, các tổ tự vệ được xây dựng ở 4 ấp lớn: Nam Bản, Mỹ Đô, Tân An, Yên Định (Văn Lãng). Ở Tam Canh, cả 3 làng đều có các tổ chức Việt Minh gồm 19 hội viên. Ở Văn Lãng, hầu hết các ấp các tổ cứu quốc được thành lập dưới hình thức tổ Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc. Từ đồn điền Văn Lãng, phong trào Việt Minh phát triển rộng khắp sang cả Phú Xuân, Thanh Lãng, Đạo Đức…

Ở huyện Yên Lạc, tháng 10- 1944, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông Dinh Đức Thiện, Mặt trận Việt Minh huyện Yên Lạc được thành lập. Ngay sau đó, Mặt trận Việt Minh huyện cử cán bộ về làng Lũng Thượng, Lâm Xuyên, Duy Tân, Yên Nghiệp, Đồng Tâm, Minh Tân, Đại Tự…tuyên truyền Việt Minh và kết nạp hội viên. Chỉ sau một tháng các đoàn thể cứu quốc ở các xã ra đời. Đến đầu năm 1945, Mặt trận Việt Minh huyện Yên lạc đã kết nạp được 200 hội viên, trên 30 làng xã đã thành lập được các đội tự vệ chiến đấu, tự trang bị vũ khí… bảo vệ xóm làng.

Huyện Vĩnh Tường, tháng 4-1944, Xứ ủy cử ông Ngô Văn San, Khuất Thị Vĩnh về nắm bắt tình hình và gây dựng lại phong trào ở Vĩnh Yên, Vĩnh Tường. Trên cơ sở phong trào và cơ sở được khôi phục, tháng 10-1944 ông Khuất Thị Vĩnh đã lập Ban vận động xây dựng Mặt trận Việt Minh phủ Vĩnh Tường gồm các ông: Nguyễn Văn Khé, Lương Văn Khiết,…do ông Nguyễn Văn Khé làm bí thư.

Ở thị xã Vĩnh Yên, tháng 10-1944, Trung ương cử một đội công tác gồm Bắc Dũng, Kim Ngọc về Vĩnh Yên hoạt động với nhiệm vụ chủ yếu là mở đường liên lạc giữa an toàn khu chính thức của Trung ương (Phúc Yên với căn cứ địa Bắc Sơn- Vũ Nhai), đồng thời thành lập Mặt trận Việt Minh tại thị xã Vĩnh Yên. Mặt trận Việt Minh thị xã Vĩnh Yên đã nhanh chóng tiến hành những hoạt động bí mật, xây dựng được cơ sở trong quần chúng nhân dân làng An Nam

và dốc Lán Than. Mặt trận Việt Minh Vĩnh Yên đã thành lập được đội du kích do Thạch Sơn phụ trách gồm 20 người. Đội ngũ cán bộ Việt Minh ở Vĩnh Yên ngày càng đông, có những gia đình có 5 người con trai đều gia nhập Việt Minh (gia đình cụ Nguyễn Thị Vĩnh)

Huyện Lập Thạch, cuối tháng 3 năm 1945, Tỉnh ủy Vĩnh Yên quyết định thành lập huyện bộ Việt Minh Lập Thạch gồm 3 ông Bắc Dũng, Kim Ngọc, Vũ Duy Cương, sau đó chia Lập Thạch thành 3 vùng cơ sở: Vùng đông bắc, tây bắc và vùng cơ sở cũ ở Tân Lập, Như Thụy.

Ở Phúc Yên, mặc dù bị địch khủng bố song phong trào cách mạng của tỉnh vẫn không bị cắt đứt liên lạc với Xứ ủy. Vì vậy mà Phúc Yên đã nhanh chóng thành lập Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể quần chúng.

Tại vùng Quang Minh, đầu năm 1944 ông Hoàng Xuân Quán đã về gây dựng cơ sở Việt Minh. Các cơ sở bắt đầu từ ông Chàng (Gia Trung) và ông phó hội Năm (Gia Thượng), sau đó phát triển thành các tổ Việt Minh. Ở làng Chi Đông, ông Nguyễn Ngọc Trượng (được giác ngộ và tham gia cách mạng ở thị xã) cũng về làng tuyên truyền thành lập tổ Việt Minh, gồm những người như Nguyễn Ngọc Tú, Nguyễn Ngọc Côn, Nguyễn Văn Lại…

Tại xã Kim Hoa, từ cuối năm 1943, tổ chức của Mặt trận Việt Minh lần lượt ra đời ở các thôn: Yên Phú, Phù Trì, Bảo Tháp, Ngọc Trì, Kim Tiền, Nội Đồng, …

Tại xã Tự Lập, sau cuộc cắm cờ rải truyền đơn tháng 2/1941 địch khủng bố ráo riết, phong trào cách mạng tạm lắng xuống. Ở Yên Vài thời gian đó kéo đến tháng 1/1942, còn ở Phú Mỹ thời gian tạm lắng dài hơn, đến tận đầu năm 1944. Năm 1942, Ban cán sự tỉnh về chắp nối lại cơ sở ở thôn Yên Bài. Được tiếp xúc với cán bộ, số thanh niên phản đế còn lại đều phấn khởi đón nhận nhiệm vụ. Giữa năm 1942 họ được tập hợp trong một tổ chức mới là

thanh niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Cơ sở Việt Minh Yên Bài còn phát triển tổ chức sang cả Tiên Đài (Yên Lạc), Can Bi (Bình Xuyên)

Ở vùng Tráng Việt (Yên Lãng), năm 1941 tổ Việt Minh được thành lập gồm Hoàng Thị Long, Ngô Văn Mạo, Ngô Văn Phụng, Ngô Văn Suổi, các tổ chức hội nông dân, hội phụ nữ cũng ra đời và nhanh chóng củng cố cơ sở quần chúng. Đặc biệt ở Tráng Việt là một trong những trọng điểm an toàn khu của Trung ương nên có nhiều cán bộ của Đảng qua lại hoạt động. Gia đình ông Ngô Văn Mạo và Ngô Văn Suổi là những cơ sở đã từng nuôi dẩu bảo vệ an toàn nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, trong đó có ông Trường Chinh- Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Tiểu kết

Như vậy đến cuối năm 1941, nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt ra một yêu cầu cấp bách là thành lập một Mặt trận thống nhất để đoàn kết các tầng lớp nhân dân cùng đấu tranh. Thực hiện chủ trương của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã nhanh chóng thành lập Mặt trận Việt Minh của địa phương mình nhằm chuẩn bị xây dựng lực lượng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đây là một bước chuẩn bị cho những thắng lợi trong những năm tiếp theo. Mặt trận Việt Minh Vĩnh Phúc ra đời đánh dấu một bước phát triển mới quan trọng của phong trào cách mạng Vĩnh Phúc. Từ đây phong trào cách mạng Vĩnh Phúc chuyển thành phong trào Việt Minh ngày càng thu được những thắng lợi to lớn hơn.

Chương 2

Một phần của tài liệu mặt trận việt minh vĩnh phúc trong cách mạng tháng Tám 1945 (Trang 33 - 40)