nâng cao trình độ kỹ thuật của nền sản xuất
Khi đầu tư vào Việt Nam, chủ đầu tư không chỉ chuyển vào nước ta vốn bằng tiền mà còn chuyển cả vốn hiện vật như máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu...(còn gọi là công nghệ cứng) và vốn vô hình như chuyên gia kỹ thuật công nghệ, tri thức khoa học, bí quyết quản lý...(còn gọi là công nghệ mềm). Thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, quá trình chuyển giao công nghệ được thực hiện tương đối nhanh chóng và thuận tiện cho cả bên Việt Nam và bên chủ đầu tư.
Về vấn đề những công nghệ đang được sử dụng ở các doanh nghiệp FDI thuộc ngành công nghiệp nói riêng và trên toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Nhưng qua đánh giá thực tế của một số cơ quan chuyên môn và phân tích theo logic ta thấy rằng:
- Các nhà đầu tư nước ngoài bao giờ cũng đặt lợi nhuận và thời gian thu hồi vốn làm mục tiêu hàng đầu. Những thiết bị công nghệ mà họ đưa vào sử dụng tại các dự án đầu tư ở ta tuy có thể đã đến lúc cần thay thế ở nước họ, nhưng vì đi cùng với những thiết bị, công nghệ này thường là một số lượng nhất định tiền vốn phải bỏ ra, xuất phát từ sự gắn liền với lợi ích của mình như vậy nên khi chuyển thiết bị, công nghệ vào nước ta, bên nước ngoài cũng cân nhắc tính toán kỹ. chúng ta tin rằng họ chỉ chuyển vào những thiết bị công nghệ mà họ thấy còn phù hợp với trình độ và phát huy được hiệu quả tại Việt Nam, để chí ít họ cũng còn khả năng thu hồi được vốn và có lãi (tất nhiên ta không loại trừ những trường hợp cá biệt, ngoại lệ).
- Thực tế, những thiết bị, công nghệ của nước ngoài chuyển vào thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam lâu nay chưa phải là những loại thuộc thế hệ hiện đại nhất của thế giới nhưng phần lớn là hiện đại hơn rất nhiều những thiết bị có trước đây tại Việt Nam.
Kết quả hoạt động chuyển giao công nghệ qua các dự án FDI thời gian qua đã góp phần nâng cao một cách rõ rệt trình độ công nghệ của sản xuất trong nước so với thời kỳ trước. Nhiều công nghệ mới đã được thực hiện và nhiều sản phẩm mới đã được sản xuất trong các xí nghiệp FDI. Một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến, tiếp cận với trình độ hiện đại của thế giới như ngành bưu chính viễn thông,
thăm dò và khai thác dầu khí...Hầu hết các trang thiết bị được đưa vào các xí nghiệp FDI tương đối đồng bộ và là các thiết bị có trình độ cơ khí hóa trung bình, cao hơn các trang thiết bị cùng loại đã có trong nước và thuộc loại phổ cập ở các nước trong khu vực. Phần lớn các thiết bị được trang bị các bộ gá chuyên dùng kèm theo các phương tiện nâng-hạ-vận chuyển phục vụ cho dây chuyền sản xuất chuyên môn hóa. Một số dây chuyền được trang bị các thiết bị riêng lẻ có trình độ tự động hóa cao, như các dây chuyền lắp ráp các bản mạch điện tử, tổng đài điện thoại kỹ thuật số, lắp ráp các mặt hàng điện tử. Một số ít có các thiết bị tự động hóa hoàn toàn, sản phẩm thiết kế và sản xuất được điều khiển bằng kỹ thuật vi tính.
Hoạt động chuyển giao công nghệ trong đầu tư nước ngoài đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt và hình thức, mẫu mã đẹp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Đồng thời hạn chế đến mức tối đa các loại hàng trước đây ta phải nhập khẩu với khối lượng lớn như bia, sắt thép xây dựng, sứ vệ sinh, xi măng...
Chất lượng các loại sản phẩm của khu vực FDI hầu hết đạt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), một số đạt tiêu chuẩn quốc tế (ISO).
Một vấn đề có ý nghĩa nữa là nếu như trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ biết sản xuất kinh doanh thụ động, theo sự chỉ định kế hoạch của cấp trên, không cần đầu tư, cải tiến, không cần tìm hiểu thị trường, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, sản phẩm sản xuất ra không bị cạnh tranh...thì sự xuất hiện của các doanh nghiệp có vốn FDI đã thực sự trở thành nhân tố tác động mạnh làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam theo hướng tích cực và ngày càng thích nghi với nền kinh tế thị trường.
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đương nhiên đặt các doanh nghiệp Việt Nam trong hoàn cảnh bắt buộc tham gia vào cuộc cạnh tranh về mọi mặt để xác định khả năng tồn tại hay phá sản. Để có thể tồn tại được, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn con đường là phải thay đổi một cách căn bản từ công nghệ, phương thức sản xuất kinh doanh, trình độ của người lao động..Nhiều doanh nghiệp trong nước đã cố gắng đổi mới công nghệ, nhập các thiết bị công nghệ mới và đã tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, không thua kém hàng nhập.
Như vậy, bên cạnh một số tồn tại, các công nghệ và thiết bị được nhập vào nước ta qua các dự án đầu tư nước ngoài là những công nghệ đã ổn định và phổ cập ở các nước đang phát triển, phù hợp với quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ta. Các công nghệ này đã nhanh chóng tạo ra lợi nhuận, phù hợp với giai đoạn phát triển ban đầu của nền kinh tế thị trường, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội. Đồng thời hoạt động đầu tư nước ngoài cũng có tác động thúc đẩy phát triển công nghệ trong nước trong bối cảnh có sự cạnh tranh của cơ chế thị trường.
Nước ta có lợi thế so sánh về nguồn lực con người nên trước mắt, các công nghệ hiện đại có thể tác động không tốt đến công ăn việc làm nhưng về lâu dài, chúng ta cần phải có chính sách chú trọng tìm kiếm, đầu tư và thu hút các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, kỹ thuật cao để đưa nền sản xuất nước ta theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới.
Trên đây là những tác động chủ yếu của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài còn có tác động đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế như ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế, tỷ giá hối đoái, phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng các mối quan hệ ngoại giao... khó có thể đề cập hết trong khuôn khổ hạn hẹp của luận văn này.
Cần phải hiểu rằng, FDI không thể là phương thuốc thần kỳ có thể giúp giải quyết hết tất cả các vấn đề còn tồn tại của một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam, và thậm chí nó còn gây ra nhiều tác động tiêu cực đang được xem xét và đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, trong sự tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ những năm vừa qua, FDI đã giữ một vai trò hết sức quan trọng.
Những phân tích trên chưa thể đánh giá hết vai trò tích cực và tầm quan trọng của ĐTTTNN đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta. Tuy nhiên ta có thể khẳng định lại một điều đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp một phần tích cực và vô cùng quan trọng trong công cuộc đổi mới kinh tế của Việt Nam hơn 10 năm qua, nó như một nguồn năng lượng quyết định khởi động cho cỗ máy kinh tế Việt Nam đi vào quỹ đạo của sự tăng trưởng và phát triển. ĐTTTNN là một trong những điều kiện đảm bảo cho sự thành công của công cuộc CNH-HĐH, là một kênh đưa kinh tế Việt Nam hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.