nổ ra cả về số lượng dự án đầu tư và số vốn đầu tư. Đến năm 1999 và 2000, bắt đầu có sự gia tăng trở lại số dự án đầu tư nhưng quy mô vốn đầu tư so với các năm trước còn rất nhỏ bé. Số liệu cụ thể đã được trình bày ở thực trạng cấp giấy phép đầu tư trực tiếp nước ngoài trong phần trên. Những dự án đã được cấp giấy phép triển khai chậm và xin dãn và lùi tiến độ triển khai xây dựng lên tới gần 6 tỷ USD.
Nguyên nhân có thể do các công ty mẹ phá sản hoặc không còn khả năng tài chính, đồng tiền bản tệ mất giá nghiêm trọng, thị trường trong nước thu hẹp...nên nhiều quốc gia bị khủng hoảng phải quay lại dồn sức củng cố cơ sở trong nước; một số khác đã chuyển phần đầu tư sang một vài nước được coi là nằm ngoài tầm ảnh hưởng của khủng hoảng là Hồng Kông, Trung Quốc hoặc Singapore...
- Nhiều dự án đang hoạt động gặp khó khăn, đặc biệt là các dự án làm hàng xuất khẩu vì một mặt thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, mặt khác đồng tiền Việt Nam bị mất giá ít hơn nên giá thành sản xuất cao, khả năng cạnh tranh suy giảm. Kinh doanh khách sạn, nhà hàng, văn phòng cho thuê bị ế ẩm, hiệu quả kinh doanh kém. Nhiều dự án triển khai đang trong quá trình trả nợ các khoản vay bằng ngoại tệ,
trong điều kiện làm ăn chưa có lãi, tỷ giá hối đoái tăng nên các doanh nghiệp này gặp khó khăn.
- Thu hẹp quy mô sản xuất của nhiều dự án FDI dẫn tới dãn thợ khoảng 10 nghìn nhân công; lương người lao động bị cắt giảm làm cho đời sống kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.
- Cuộc khủng hoảng tiền tệ của các nước trong khu vực đặt Việt Nam vào tình thế cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực để thu hút vốn đầu tư vì nước nào cũng đều cần vốn để phục hồi và phát triển kinh tế, nên nhiều nước như: Malaixia, Singapore, Trung Quốc...đều thực hiện nhiều biện pháp tích cực cải thiện môi trường đầu tư để hấp dẫn và cạnh tranh với các nước khác trong thu hút nguồn vốn FDI. Hơn nữa, do giá bất động sản, giá trái phiếu của các nước ASEAN bị giảm mạnh kèm theo là khả năng đầu tư mở cửa hơn của các nước này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào mua đầu cơ bất động sản, chứng khoán để chờ thời cơ bán đi khi giá tăng. Cạnh tranh gay gắt thu hút vốn vừa là khó khăn vừa là động lực giúp các ngành, các cấp, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam phải mau chóng đề xuất và thực hiện những giải pháp cải thiện tình hình khó khăn do cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực gây ra.
7.3. Mặt trái của việc sử dụng vốn nước ngoài và bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ khu vực Châu Á hoảng tài chính-tiền tệ khu vực Châu Á
Dòng chảy của vốn tư bản vận động theo quy luật từ nơi có tỷ suất lợi nhuận thấp đến nơi có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Vì vậy nước có nhu cầu đầu tư có thể thu hút nguồn vốn to lớn để tạo ra động lực tăng trưởng bằng phát huy lợi thế so sánh về chi phí tư bản, thỏa mãn nhu cầu lợi nhuận của nhà đầu tư. Mặt khác khi mục tiêu tối thượng đó không được đảm bảo, dòng vốn này có thể bất ngờ chuyển chiều để rút ra khỏi nơi đầu tư không còn hấp dẫn, không có triển vọng mong đợi. Đặc biệt nguồn vốn đầu tư gián tiếp và ngắn hạn có tính chất linh hoạt rất cao, nó có thể vào nhanh và tháo chạy cũng rất nhanh tạo ra cú sốc cho nền kinh tế nước sở tại. Thực tế vừa qua, chỉ trong vòng 3 - 4 tháng các nhà tư bản đã rút khỏi Đông Nam Á trên 250 tỷ USD là một bằng chứng. Không chỉ riêng nguồn đầu tư ngắn hạn mà ngay cả đối với đầu tư trực tiếp (FDI), nếu không thấy có triển vọng phát triển thì doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ rút vốn về nước thay vì đầu tư trở lại. Tuy nhiên vì là đầu tư dài hạn nên không thể rút ra một cách nhanh chóng như luồng vốn nóng ngắn hạn. Trong cơ cấu vốn đầu tư của các nước Đông Nam Á chỉ khoảng 20-30% là vốn đầu
tư trực tiếp, còn lại đều là vốn ngắn hạn theo luồng đầu tư gián tiếp. Nợ nước ngoài của các nước này cũng chủ yếu là nợ ngắn hạn. Việc vay nợ nước ngoài qua nhiều lại chủ yếu là vốn ngắn hạn và sử dụng vốn vay tràn lan, kém hiệu quả là nguyên nhân gánh nặng nợ nần chồng chất, thậm chí mất khả năng thanh toán có thể dẫn đến lệ thuộc bên ngoài không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, suy giảm tính độc lập dân tộc. Mặt khác do vốn đầu tư nước ngoài chiếm một phần quan trọng trong khu vực doanh nghiệp và việc chuyển thu nhập và lợi nhuận ra nước ngoài ngày càng tăng của các nhà đầu tư nước ngoài là nguyên nhân chính tạo nên mất cân đối nghiêm trọng thâm hụt tài khoản vãng lai, khi tư bản nước ngoài rút ra ồ ạt như vừa qua thì các đồng nội tệ buộc phải phá giá và các NHTM và các công ty ở các nước này rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Thực tế cho thấy trong điều kiện tự do hóa thị trường tài chính mà không có sự tăng cường kiểm soát và quản lý có hiệu lực thì rất mạo hiểm. Hệ thống ngân hàng ở nhiều nước đã không kiểm soát các rủi ro tài chính mà họ phải gánh chịu và có những quyết định sai lầm.
Như vậy ta thấy rằng thị trường vốn quốc tế rất khắc nghiệt và là thước đo phán quyết chính xác với các chính sách kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Duy trì một hệ thống ngân hàng yếu kém trong một thế giới mà quá trình lưu chuyển vốn rất dễ biến động là điều cực kỳ nguy hiểm. Đồng thời, nền kinh tế muốn tăng trưởng một cách bền vững cần dựa vào nội lực là chính, không nên quá lạm dụng nguồn vốn nước ngoài.
Do đó cần thiết phải duy trì một tương quan hợp lý giữa vốn trong nước và vốn nước ngoài, đồng thời vốn đầu tư trực tiếp và vốn vay dài hạn phải chiếm phần lớn trong vốn nước ngoài. Chúng ta xác định, về lâu dài phải giữ được tương quan vốn trong nước > vốn nước ngoài, nhưng đồng thời phải tận dụng vốn nước ngoài, tạo ra tích lũy, tăng nguồn vốn trong nước, đưa nguồn vốn trong nước dần giữ vai trò chủ đạo.
Không ai nghi ngờ về vai trò to lớn của nguồn vốn nước ngoài nói chung và vốn đầu tư trực tiếp nói riêng đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế các các nước nhận đầu tư. Song cần phải thấy những tác động tiêu cực của nó cũng không nhỏ nếu không biết kiểm soát và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này.
Cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ trong khu vực vừa qua phần nào đã bộc lộ mặt trái đó và cho phép chúng ta rút ra một số bài học như sau :
• Việc xác định các mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế phải dựa trên cơ sở các nguồn lực có thể có được và phải đảm bảo các cân đối kinh tế vĩ mô, kịp thời điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với những thay đổi nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa các yếu tố phát triển.
• Cần phải có chiến lược tài chính quốc gia hoàn chỉnh, trong đó xác định rõ mục đích của chính sách huy động và sử dụng vốn nước ngoài đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Huy động đủ vốn với các điều kiện vay trả thuận lợi.
- Vốn nước ngoài được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả để đảm bảo khả năng trả nợ.
- Vốn nước ngoài không có tác động xấu đến sự ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và tính độc lập dân tộc.
• Cần xác định đúng đắn số lượng lợi dụng vốn nước ngoài : phải thường xuyên xem xét giới hạn mắc nợ, nắm chắc số lượng, điều kiện mắc nợ để điều chỉnh về mặt vĩ mô. Cần quan tâm chú ý các giới hạn số lượng sau: chỉ tiêu tỷ suất mắc nợ (tỷ lệ giữa tổng số nợ và lãi của một nước phải trả cho nước ngoài với tổng giá trị sản lượng quốc dân cùng năm), chỉ tiêu tỷ suất vay nợ (tỷ lệ giữa số dư mắc nợ còn lại sau khi trả nợ và lãi trong năm so với thu nhập ngoại tệ từ xuất khẩu của nước ấy cùng năm), tỷ lệ giữa số lượng dự trữ ngoại tệ với hạn ngạch nhập khẩu mỗi năm. Giám sát có hiệu quả khu vực tài chính, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và nâng cao khả năng quản lý nợ nước ngoài, nhất là nợ ngắn hạn.
• Cần giám sát chặt chẽ đầu tư nước ngoài thông qua cổ phiếu, trái phiếu... tránh tình trạng các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu gây ảnh hưởng tới đồng nội tệ.
• Khi nguồn vốn nước ngoài lớn và đều đặn đổ vào trong nước, Chính phủ cần tăng cường thực hiện chính sách tiền tệ nhằm đối phó với những tác động tiêu cực về giá cả, lạm phát: tăng cường hoạt động trên thị trường mở bằng cách phát hành trái phỉếu Chính phủ, tăng dự trữ bắt buộc các khoản tiền gửi để kéo dài thời hạn các khoản tiền gửi và hạn chế luồng vốn nước ngoài vào hệ thống ngân hàng...