KẾT KUẬN
NTTS, mà đặc biệt là nuôi tôm, cùng với du lịch là những ngành kinh té mũi nhọn mà chính quyền thị trấn đã xác định trọng thời gian qua nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội địa phương, giúp khai thác một cách hiệu quả nguồn lực tự nhiên, tạo ra nhiều việc làm nhằm giải quyết lực lượng lao động dư thừa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy còn nhiều hạn chế nhưng đề tài đã hoàn thành những nội dung cơ bản và rút ra một số kết luận như sau:
- Hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về hiệu quả kinh tế nói chung và hiệu quả nuôi tôm nói riêng. Luận văn đã nghiên cứu những tiềm năng, thế mạnh phát tiển nuôi tôm sú của thị trấn Thuận An.
- Đề tài đã thể hiện thực trạng phát triển ngành nghề nuôi tôm sú ở thị trấn trong thời gian gần đây, tập trung nghiên cứu vụ xuân hè năm 2009 nhằm rút ra được những lợi thế và những tồn tại cần khắc phục:
+ Năng suất tôm của các hộ điều tra chịu tác động của nhiều nhân tố, chủ yếu là chi phí thức ăn, chí phí xử lý ao, công lao động… Trong đó 2 nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến năng suất là chi phí thức ăn công nghiệp và công lao động.
+ Ngoài các yếu tố đầu vào thì hình thức nuôi cũng có ý nghĩa lớn đối với việc tăng hiệu quả nuôi tôm của các hộ điều tra: Hình thức BTC đạt được hiệu quả lớn hơn hình thức QCCT.
+ Quá trình nghiên cứu cũng nhận thấy còn nhiều vấn đề mà thực tiễn hiện nay vẫn chưa giải quyết được: vấn đề tập huấn kỹ thuật cho người dân, vấn đề cung cấp con giống về số lượng và chất lượng và thu mua sản phẩm trên địa bàn…
Từ đó, luận văn đã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế nuôi tôm ở thị trấn Thuận An.
Từ những kết quả đạt được và những tiềm năng lợi thế của địa phương, nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành NTTS thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị trấn, đề tài xin đưa ra một số kiến nghị sau:
- Về phía Nhà nước: Cần có sự nghiên cứu toàn diện, tổng hợp phát triển nguồn lợi tự nhiên về tất cả các mặt: kinh tế, xã hội, kỹ thuật, môi trường sinh thái. Từ đó đề xuất, hoạch định những chính sách phù hợp để phát triển bền vững hệ sinh thái đầm phá nơi đây.
Tiếp tục thực hiện chương trình phát triển NTTS, đầu tư hoàn thiện CSHT cho các hộ nuôi trên địa bàn.
Cần tạo ra cơ chế, chính sách thông thoáng hỗ trợ hoạt động sản xuất tôm thương phẩm của người dân, đặc biệt trong công tác cho vay và thu hồi vốn vay nhằm tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn cho ngư dân.
- Về phía chính quyền địa phương:
Quy hoạch tổng thể phát triển NTTS trên địa bàn, hình thành các tổ chức quản lý địa phương đối với hoạt động NTTS.
Cần có sự đầu tư vốn và kỹ thuật đối với trung tâm sản xuất giống của thị trấn nhằm cung cấp đủ lượng tôm giống sạch bệnh, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho các hộ nuôi.
Nâng cao hơn nữa chất lượng các lớp tập huấn kỹ thuật, đảm bảo tính kịp thời; cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân.
Tích cực đầu tư hệ thống thủy lợi nhằm chủ động hơn nữa việc cung cấp nguồn nước cho các ao nuôi tôm.
Thúc đẩy sự liên kết giữa cơ sở sản xuất chế biến với người nuôi tôm, tránh việc thu mua qua trung gian, giúp tạo ra thu nhập cao hơn cho người dân.
- Về phía các hộ nuôi:
Cần lựa chọn hình thức nuôi phù hợp khả năng, điều kiện của gia đình và đặc điểm của địa phương.
Tăng cường nâng cao chất lượng lao động có trình độ, có kỹ thuật phục vụ tốt cho công tác nuôi trồng.
Chú ý trong công tác chăm sóc nhằm phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh xảy ra.
Hạn chế sử dụng thức ăn tươi, tăng cường thức ăn công nghiệp để đảm bảo môi trường ao nuôi.
Cần chú trọng công tác xử lý ao, tạo môi trường tốt cho tôm phát triển. Chú trọng công tác quản lý chất thải trong ao nuôi tôm để hạn chế ô nhiễm nguồn nước, lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên và sinh hoạt của dân cư quanh đầm phá.