TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ THÂM CANH CỦA CÁC NHÓM HỘ ĐIỀU TRA 1 Giống

Một phần của tài liệu Hiệu quả kinh tế canh tác cây lúa tại xã định bình, huyện yên định, tỉnh thanh hóa (Trang 29 - 31)

2.4.1. Giống

Từ xa xưa, ông cha ta đã đặt vai trò, vị trí đặc biệt của giống trong kĩ thuật thâm canh năng suất, thế mới có câu: “Tốt giống, tốt má, tốt mạ, tốt lúa”. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể để xác định tầm quan trọng của giống trong các biện pháp kĩ thuật liên hoàn. Ở những vùng đã đầy đủ phân bón, thuốc BVTV, hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh thì chắc chắn giống là vị trí hàng đầu để nâng cao năng suất cây trồng, còn những vùng còn thiếu nước, đất đai xấu thì nước lại được xếp thứ bậc cao hơn giống. Giống là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất sản lượng cây trồng, giống tốt góp phần lớn làm tăng năng suất, chất lượng nâng cao hiệu quả kinh tế. Giống có những ý nghĩa rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt với cây lúa, ngày nay người nông dân trồng lúa không chỉ chọn giống có năng suất cao mà đòi hỏi chất lượng phải tốt. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của giống đối với năng suất, chất lượng cây lúa người dân đã chú trọng vào công tác chọn giống. Giống được đưa vào gieo cấy phải đáp ứng được các yêu cầu về độ thuần khiết, tỷ lệ nảy mầm cao, sạch sâu bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương,… Trên địa bàn một số giống lúa chính đang được người dân sử dụng như:

Với vụ Xuân:

• Giống lúa thuần: hương thơm 1, bắc thơm số 7, Q5 (siêu nguyên chủng, nguyên chủng), nếp thơm, khang dân...

Các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 130 - 140 ngày. Thời gian gieo từ khoảng 10 - 15/01, bố trí cấy ngày 25 - 30/ 01, trổ bông vào 25/04 - 05/05.

Với vụ Mùa:

• Giống lúa lai: TH3- 3, nhị ưu838,...

• Giống lúa thuần: hương thơm 1, bắc thơm số 7, Q5 (siêu nguyên chủng, nguyên chủng), nếp tẻ, khang dân...

Các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 110 - 120 ngày. Thời gian gieo từ khoảng 15 - 20/6, bố trí cấy ngày 30/6 - 5/07, trổ bông vào 05 - 15/09.

Lượng giống gieo cho 1 sào lúa được quy định như sau: với giống lúa lai từ 1,2 - 1,5 kg/sào; lúa thuần từ 2 - 4 kg/sào. Vụ Xuân yêu cầu lượng giống gieo nhiều hơn so với vụ Mùa. Vì vụ Xuân, lúc gieo cấy thời tiết khá rét ảnh hưởng tới sự phát triển của cây mạ, tỷ lệ đẻ nhánh của lúa không cao nên để đảm bảo thì yêu cầu về lượng giống của vụ Xuân cao hơn so với vụ Mùa. Qua quá trình điều tra, tình hình sử dụng giống của các nhóm nông hộ trên địa bàn được thể hiện qua bảng sau:

Bảng 10: Chi phí lúa giống bình quân 1 sào của các nhóm nông hộ

Nhóm hộ Vụ Xuân Vụ Mùa Hộ nghèo Số lượng (kg) 2,73 2,00 Chi phí (1000 đ) 54,40 46,69 Hộ trung bình Số lượng (kg) 2,68 1,98 Chi phí (1000 đ) 60,10 38,36 Hộ khá Số lượng (kg) 2,49 1,92 Chi phí (1000 đ) 74,90 50,45 BQC Số lượng (kg) 2,58 1,95 Chi phí (1000 đ) 63,13 45,17

(Nguồn: Số liệu điều tra năm 2009)

Qua đây ta thấy chi phí đầu tư giống có sự khác nhau giữa các nhóm hộ và giữa 2 vụ cũng có sự khác biệt đáng kể.

Bình quân chung lượng giống cho vụ Xuân là 2,58 kg/sào, vụ Mùa là 1,95 kg/sào, sở dĩ có sự khác biệt đó như đã trình bày ở trên do điều kiện thời tiết nên lượng giống cho 1 sào vụ Mùa cần ít hơn so với vụ Xuân.

Về vụ Xuân, lượng giống mà các nhóm hộ sử dụng giảm dần từ hộ nghèo xuống hộ khá, cụ thể hộ nghèo là 2,73kg/sào, nhóm hộ trung bình là 2,68 kg/sào, nhóm hộ khá là 2,49 kg/sào. Nhưng chi phí đầu tư cho giống lại tăng dần từ nhóm hộ nghèo lên nhóm hộ khá. Nhóm hộ nghèo đầu tư hết 54.400 đồng/sào, nhóm hộ trung bình hết 60.100 đồng/sào, nhóm hộ khá hết 74.900 đồng/sào. Sự chênh lệch đó là do lượng giống lúa lai (như D.ưu 527, nhị ưu 838, Syn6) có năng suất cao, chất lượng tốt được sử dụng giảm dần từ nhóm hộ khá xuống nhóm hộ nghèo, nhưng giá cả của các loại giống này lại cao hơn rất nhiều so với giống lúa thuần nên tuy lượng giống sử dụng là ít hơn nhưng chi phí lại cao hơn.

Ví dụ như, giá lúa giống năm 2009: giống lúa D.ưu 527 giá 57.000 đồng/kg (năng suất đạt 4 tạ/sào), giống lúa nhị ưu 838 giá 47.000 đồng/kg (năng suất đạt 3,7 tạ/sào), giống lúa Syn6 giá 62.000 đồng/kg (năng suất đạt 3,8 tạ/sào), hương thơm 17.000 đồng/kg (năng suất đạt 3 tạ/sào), đây đều là những giống lúa cho gạo dẻo, ngon. Giống lúa Q5 siêu nguyên chủng giá 17.000 đồng/kg (năng suất đạt 4 tạ/sào), giống lúa Q5 nguyên chủng giá 14.000 đồng/kg (năng suất 3,6 tạ/sào), đây là giống lúa khá phổ biến, dễ trồng, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, năng suất khá cao nhưng gạo hơi cứng không thơm dẻo. Về vụ Mùa, lượng giống và chi phí đầu tư của các nhóm hộ cũng tương tự như vụ Xuân. Cụ thể: nhóm hộ nghèo đầu tư 2 kg/sào hết 46.690 đồng/sào; nhóm hộ trung bình đầu tư hết 1,98 kg/sào hết 38.360 đồng/sào; nhóm hộ khá đầu tư 1,92 kg/sào hết 50.451 đồng/sào.

Một phần của tài liệu Hiệu quả kinh tế canh tác cây lúa tại xã định bình, huyện yên định, tỉnh thanh hóa (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w