Những giải pháp cụ thể cho địa phương DakLak

Một phần của tài liệu luận văn mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục êđê (Trang 95 - 106)

DakLak là một tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng ở Tây Nguyên. Có đường biên giới chung Việt Nam - Campuchia dài hơn 73 Km. Diện tích tự nhiên: 13.125 km2. Dân số 1.720187 người gồm 43 dân tộc anh em cùng

chung sống. Trong đó có hơn một vạn người dân tộc ÊĐê, chiếm tỷ lệ người ÊĐê đông nhất trong cả nước. Về tiềm năng kinh tế, DakLak có diện tích đất ba gian rộng và màu mỡ, có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có ưu đãi đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên ở địa bàn DakLak hiện nay còn ba vấn đề chưa có giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ:

Một là, vấn đề dân trí. Giải pháp nâng cao dân trí ở DakLak được coi là giải pháp

muôn thuở, một loại giải pháp được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm. Nhưng trên thực tế hiện nay trình độ dân trí của DakLak nói chung chưa cao. Đặc biệt, trình độ dân trí của người ÊĐê ở DakLak còn quá thấp. Từ nguyên nhân dân trí thấp người ÊĐê không đủ trình độ để tiếp cận, nắm bắt những tinh hoa trong khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để vận dụng vào đời sống, không phát huy được tiềm lực đất đai rộng lớn, màu mỡ và nguồn lao động dồi dào của cộng đồng người này. Trình độ dân trí thấp kìm hãm tư duy độc lập, sáng tạo trong lao động, kìm hãm tư duy sản xuất lớn, hay nói cách khác là tư duy làm giàu của người ÊĐê. Khi người đàn ông chấp hành luật tục ÊĐê, mọi tài sản của họ đều phải giao hết cho người phụ nữ trong gia đình quản lý, họ không có quyền độc lập về tài sản và đương nhiên là không có khả năng độc lập để quyết định kế hoạch sản xuất, thực hiện ý tưởng làm giàu. Thực trạng chung hiện nay số đông người ÊĐê ở DakLak còn rất nghèo. Mặt khác, do trình độ dân trí thấp người ÊĐê không nhận thức được hết những điều cấm của pháp luật, nhẹ dạ cả tin nên đã bị bọn phản động lưu vong tuyên truyền lôi kéo tham gia các tổ chức bạo loạn, phá rối an ninh, phá hoại chính sách đoàn kết của Nhà nước ta, dẫn đến vi phạm pháp luật. Những năm gần đây, Nhà nước ta đã có một số chính sách ưu tiên cho người ÊĐê thể hiện qua việc ưu tiên đào tạo trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và dạy nghề. Đồng thời thực hiện Chương trình 132, 134 của Chính phủ người ÊĐê được giao đất, giao nhà ở, được cung cấp nguồn nước sạch, theo quy hoạch phân vùng của nhà nước. Giải pháp này góp phần làm cho người ÊĐê giảm nghèo nhưng chưa làm cho người ÊĐê có tư duy làm giàu trên chính mảnh đất màu mỡ mà họ đang sống. Và đặc biệt chưa làm cho người ÊĐê thoát ra khỏi sự bó buộc của chế độ mẫu hệ. Thực tế những nhóm dân cư được phân đất, phân nhà theo các chương trình 132 và 134 của Chính phủ, họ chưa quen sống theo thiết chế Làng người Vệt, nên cuộc sống của họ thiếu tính tự tin. Khi bàn về vấn đề này, tác giả không có ý phê phán các chính sách này của Nhà nước ta mà chỉ nêu

một vài nét thực trạng để minh chứng cho việc phân vùng, quy hoạch dân cư người ÊĐê theo mô hình Làng của người Việt, là chưa đáp ứng được mục đích nâng cao dân trí cho

người ÊĐê. Đặc biệt thiết chế làng người Việt không đáp ứng được yêu cầu về an ninh như thiết chế buôn truyền thống của người ÊĐê từ trước đến nay. Như vậy, giải pháp đưa người ÊĐê ra sống cùng người Việt, chưa đem lại hiệu quả cao trên thực tế. Theo tác giả, cần phải đưa người Việt vào sống cùng với người ÊĐê, hay nói cách khác cần lập các làng người Việt quanh khu vực buôn của người ÊĐê. Tạo ảnh hưởng lẫn nhau giữa người Việt và người ÊĐê. Thực hiện giải pháp này, làng người Việt phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc không phá vỡ mô hình Buôn của người ÊĐê, nghĩa là làng người Việt được lập ở một khoảng cách nhất định không được quá gần Buôn của người ÊĐê, không sinh hoạt chung bến nước với người ÊĐê, không xâm nhập nương rẫy của người ÊĐê… Giải pháp này tác giả rút ra được từ việc khảo sát thực tế ở buôn Tuor xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột. Buôn Tuor là một buôn dân cư nguyên thủy của người ÊĐê ở khu vực Buôn Ma Thuột, cách trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột 10 km về phía nam. Hiện nay trong buôn vẫn còn nguyên dạng cây đa, bến nước của người ÊĐê và vẫn còn những Sadrông

(căn nhà dài) có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Giữa các căn nhà dài trong buôn không có ranh giới cụ thể để phân chia lãnh thổ giữa nhà này và nhà khác. Điều hành trực tiếp trong buôn là ông Y Thút Byă, có sự phối hợp thường xuyên của ủy ban nhân dân xã Hòa Phú, Thành phố Buôn Ma Thuột. Buôn Tuor có 85 hộ gia đình và 450 nhân khẩu. Trong các năm gần đây các tranh chấp dân sự xảy ra trong buôn đều do trưởng buôn xử lý theo luật tục ÊĐê, tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên. Hình thức phạt đền trong xử lý người vi phạm luật tục ÊĐê cũng được sửa đổi theo hướng của pháp luật, thấp hơn mức phạt của luật tục ÊĐê nguyên thủy. Ông Y Thút Byă cho biết: Trong Buôn không có người tham gia tổ chức Pul Rô, không tham gia biểu tình bạo loạn, không vượt biên trái phép và không có án giết người, cướp tài sản trong nhiều năm. 100% trẻ em trong buôn đều đến trường. Buôn có trường học cấp tiểu học, có giáo viên người kinh và có cả giáo viên người ÊĐê và đặc biệt là khoảng 95% dân trong buôn biết tiếng kinh, 69% dân trong buôn biết chữ. Dân buôn Tuor có ảnh hưởng của người kinh nên biết trồng lúa nước, biết lập trang trại chăn nuôi bò, heo (mặc dù chưa có trang trại lớn). Có thể đánh giá trình độ dân trí của buôn Tuor là khá cao so với các buôn khác của người ÊĐê. Như vậy, giải pháp đưa người Việt

vào lập làng quanh khu vực buôn của người ÊĐê là giải pháp khả thi để từng bước gây ảnh hưởng, nâng cao dân trí cho người ÊĐê.

Thứ hai, giải quyết tốt vấn đề đất đai cho người ÊĐê. Đây là vấn đề mang tính thời

sự cấp bách hiện nay. Theo luật tục ÊĐê đất đai Tây Nguyên là của người ÊĐê do PôLan (tức người phụ nữ) quản lý. Quan niệm này xuất phát từ thời kỳ SaBatier được thực dân Pháp cử làm đại diện của DakLak 1925, để thực hiện mục đích chống chính sách thuộc địa hóa và giữ DakLak thành một khu bảo tồn để gìn giữ các bộ lạc nguyên thủy. Ông ta nêu ra quan điểm: ở Tây Nguyên đất đai thuộc về người Tây Nguyên [20, tr. 835-837]. Quan niệm này theo suốt cộng đồng người ÊĐê từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cho đến nay, khi nhà nước Việt Nam đã là một quốc gia thống nhất, tự chủ, đang tiến tới một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước Việt Nam tuyên bố đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện quản lý. Một số người ÊĐê trên Tây Nguyên vẫn chưa nhận thức được một cách thấu đáo vấn đề sở hữu đất đai theo quy định của luật đất đai hiện hành. Người ÊĐê quan niệm đất đai thuộc sở hữu chung của cộng đồng người ÊĐê nên trong buôn làng của họ không tìm thấy ranh giới lãnh thổ giữa từng gia đình như người kinh. Khi Chính phủ Việt Nam có quy định cấp quyền sử dụng đất cho nhân dân trong cả nước, thì một số người ÊĐê không ủng hộ chính sách này. Họ đòi quyền sở hữu đất đai theo luật tục ÊĐê dẫn đến tình trạng biểu tình đòi quyền sử dụng đất làm ảnh hưởng an ninh chung trên khu vực Tây Nguyên. Đây là sự xung đột thực tế xảy ra giữa luật tục ÊĐê và pháp luật nhà nước trong lĩnh vực sở hữu đất đai. Để giải quyết tốt vấn đề này Nhà nước ta cần có chính sách quản lý đất đai hợp lý, với quan điểm nhất quán: đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện quản lý. Tuy nhiên việc thực hiện chính sách quản lý này phải tế nhị và mềm dẻo. Đối với người ÊĐê việc cấp quyền sử dụng đất cần phối hợp với việc thừa nhận và tôn trọng sự dàn xếp thời hạn sử dụng đất theo luật tục ÊĐe. Nghĩa là có thể kéo dài thời hạn sử dụng đất theo quy định luật tục ÊĐê và áp dụng luật tục ÊĐê trong bảo vệ, cải tiến và phát triển nguồn tài nguyên trong khuôn khổ pháp luật đất đai hiện nay. Mặt khác, Nhà nước có thể cho người ÊĐê sử dụng đất theo chế độ cộng đồng trong quy định của luật tục ÊĐê, nếu họ lựa chọn hình thức sử dụng này. Song phải thống nhất thỏa thuận về bảo tồn phát triển nguồn tài nguyên đất giữa những người sử

dụng chung đất trong cộng đồng người ÊĐê. Như vậy, muốn xúc tiến việc cấp quyền sử dụng đất cho người ÊĐê được nhanh chóng, pháp luật về quản lý đất đai trong khu vực đồng bào dân tộc ÊĐê phải tương ứng với những hiểu biết hiện có của người ÊĐê và tương ứng với các thiết chế điều hành truyền thống của người ÊĐê đó là luật tục. Việc triển khai thực hiện luật đất đai cần phải được thực hiện trong mối quan hệ với luật tục ÊĐê và các mâu thuẫn nảy sinh cũng cần được giải quyết trên cơ sở đó. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện luật đất đai trong khu vực người ÊĐê phải hết sức linh hoạt, thận trọng và phải bảo đảm tính minh bạch. Những người ÊĐê tham gia quản lý đất đai phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng người ÊĐê và phải chịu trách nhiệm trước nhà nước. Một điểm đáng lưu ý là cần có cơ chế cho người phụ nữ ÊĐê tham gia quản lý đất đai, đáp ứng tâm lý tôn trọng luật tục của người ÊĐê. Để tránh sự tranh chấp đất đai giữa các thành viên trong cộng đồng người ÊĐê với nhau khi quyền sử dụng đất trở nên có giá trị lớn bởi chính sách định cư làng người Việt vào khu vực buôn của người ÊĐê. Nhà nước ta cần phải sử dụng linh hoạt một số quy định của luật tục ÊĐê trong quá trình tổ chức cấp quyền sử dụng đất cho cá nhân và tổ chức người ÊĐê.

Ba là, tăng cường quan hệ giao lưu giữa người kinh với người ÊĐê đặc biệt là giao

lưu giữa cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang với các buôn làng vùng sâu, vùng xa của người ÊĐê. Có những hoạt động tình nghĩa, giao lưu mang tính quan hệ gắn kết giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang với từng buôn làng người ÊĐê. Trên cơ sở hoạt đồng này, người ÊĐê có điều kiện tiếp xúc với người kinh, với các công chức nhà nước. Họ có điều kiện giải tỏa được những khó khăn, vướng mắc trong đời sống hàng ngày. Đồng thời, được tiếp xúc với công chức nhà nước, người ÊĐê có điều kiện thể hiện tâm tư nguyện vọng của cá nhân cũng như của cộng đồng. Hình thức giao lưu, kết nghĩa này cần được tiến hành theo nghi thức quy định trong luật tục ÊĐê. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang phải chủ động đặt quan hệ kết nghĩa với buôn của người ÊĐê mà mình lựa chọn. Mọi hoạt động giao lưu với buôn làng cần có sự phối hợp chặt chẽ với trưởng buôn và chính quyền sở tại. Trong hoạt động giao lưu cần có kế hoạch tuyên truyền pháp luật, kế hoạch hướng dẫn người ÊĐê chăn nuôi, sản xuất lương thực theo mô hình kinh tế trang trại, khai thác quỹ

đất và nguồn lao động dồi dào của người ÊĐê. Hỗ trợ cơ sở vật chất như xây dựng nhà trẻ, trường học, thiết bị trường học, đồ dùng học sinh và động viên con em người ÊĐê đến trường. Động viên người ÊĐê học tiếng Kinh, học sản xuất kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa. Hoạt động giao lưu giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và đơn vị lực lượng vũ trang với các buôn làng người ÊĐê cần phải được tiến hành đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh DakLak theo trật tự từ xa đến gần và theo sự chỉ đạo định hướng chung của nhà nước. Có kế hoạch giao lưu chi tiết, cụ thể do các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang lập và trình cấp có thẩm quyền để có căn cứ hỗ trợ kinh phí cho hoạt động này. Có chế độ trách nhiệm rõ ràng đối với các thủ trưởng của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang, về việc để người ÊĐê trong buôn kết nghĩa vi phạm pháp luật, tham gia bạo loạn, phá hoại chính sách đoàn kết của nhà nước. Đồng thời, có chế độ khen thưởng xứng đáng cho những tổ chức, cá nhân có nhiều ý tưởng sáng tạo trong hoạt động phát triển kinh tế cho người ÊĐê và hoạt động giao lưu kết nghĩa với các buôn làng người ÊĐê.

Kết Luận

Pháp luật và luật tục ÊĐê là những công cụ quản lý xã hội quan trọng không thể thiếu được trong xã hội ngày nay. Để sử dụng pháp luật cũng như luật tục ÊĐê một cách có hiệu quả nhất trong quản lý xã hội, trước hết đòi hỏi phải có sự nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò cũng như ưu điểm của mỗi loại công cụ; chỉ rõ những yếu tố tương đồng, những điểm khác biệt giữa chúng, đồng thời phải nhận thức được một cách sâu sắc sự tác động qua lại, bổ trợ cho nhau giữa hai loại công cụ này.

Sự tác động giữa pháp luật và luật tục ÊĐê thể hiện ở chỗ: trong một số trường hợp luật tục ÊĐê là cơ sở cho việc xây dựng pháp luật (ít nhất là xây dựng các văn bản pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong cộng đồng người ÊĐê). Đồng thời, luật tục ÊĐê là nhân tố quan trọng bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế trong phạm vi buôn làng ÊĐê. Ngược lại, pháp luật cũng có sự tác động mạnh mẽ đến luật tục ÊĐê. Nó ghi nhận, củng cố và phát huy những quy định tiến bộ, loại trừ những quy định phản tiến bộ không phù hợp với lợi ích cá nhân và cộng đồng người ÊĐê. Đồng thời, pháp luật ngăn chặn sự hình thành những quy định phản tiến bộ và góp phấn làm hình thành những quy định tiến bộ trong luật tục ÊĐê.

Trước yêu cầu xây dựng nhà pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay, việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê là nhu cầu cần thiết và cấp bách. Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng các phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam trong đó có luật tục ÊĐê. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành được xây dựng trên cơ sở ý chí, nguyện vọng của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam nói chung và dân tộc ÊĐê nói riêng. Pháp luật hóa các quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê, làm cho một số quy định trong luật tục ÊĐê được thực hiện rộng rãi ngoài phạm vi buôn làng người ÊĐê. Luật tục ÊĐê cũng góp phần quan trọng trong việc đưa pháp luật đi vào cuộc sống người ÊĐê, khắc phục tính khái quát của pháp luật làm cho pháp luật trở nên phong phú và hoàn thiện hơn. Như vậy, quan điểm về phát huy

những ưu điểm, khắc phục những nhược điểm trong mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Quan điểm này đã được cụ thể hóa trong các chính sách kinh tế - xã hội Tây Nguyên của Nhà nước ta xuyên suốt trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới.

Một phần của tài liệu luận văn mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục êđê (Trang 95 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)