Như đã phân tích ở chương 2, mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê. trong thời gian qua có khá nhiều ưu điểm cần được phát huy song vẫn còn một số điểm còn bất cập cần phải được khắc phục.
Một là, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đã có các quy định chung cho từng
lĩnh vực cụ thể như: Bộ luật dân Sự, Bộ luật hình sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật thương mại, Luật doanh nghiệp. Song song với những quy định này còn có hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, hệ thống văn bản này còn có tính khái quát cao, ngôn ngữ chuyên môn hiện đại, chưa phù hợp với nhận thức của người ÊĐê. Vì vậy, trong thời gian tới, hệ thống pháp luật Nhà nước ta cần được bổ sung các văn bản dưới luật, để hướng dẫn thi hành pháp luật một cách cụ thể, chi tiết dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Phân biệt rõ ranh giới, quan hệ xã hội nào được điều chỉnh bằng luật
tục, quan hệ xã hội nào phải điều chỉnh bằng pháp luật. Tránh tình trạng một hành vi vi phạm pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê phải chịu cả hai hình phạt, vừa hình phạt của pháp luật, vừa hình phạt của luật tục. Các quy định trong văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật dành riêng cho đồng bào ÊĐê, cần lồng các quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê vào điều luật, hay nói cách khác là ghi nhận luật tục ÊĐê một cách có chọn lọc nhằm làm mềm dẻo điều luật đáp ứng tâm lý tôn trọng luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê.
Về các quy định bồi thường thiệt hại trong các quan hệ dân sự, có thể cho người dân tộc thiểu số ÊĐê áp dụng tinh thần bồi thường theo quy định của luật tục. Tuy nhiên, cần phải khống chế về mức độ bồi thường ví dụ: Theo quy định của luật tục ÊĐê thì anh A trộm của anh B một con trâu, anh A phải trả cho anh B ba con trâu (một con trước, một con sau và một con đền ngang giá). Như vậy, pháp luật có thể quy định buộc anh A phải đền cho anh B một con trâu ngang giá với con trâu anh A đã trộm của anh B và quy định anh B không được đòi bồi thường tiếp hai con trâu khác như quy định của luật tục.
Đối với lĩnh vực luật hình sự: về thực chất trong các tội giết người, cướp tài sản, trộm tài sản, cố ý gây thương tích, hiếp dâm … quy định trong luật tục ÊĐê đều đã được ghi nhận bằng pháp luật. Song pháp luật Nhà nước ta chưa quy định là cho viện dẫn luật tục ÊĐê trong quá trình xét xử. Vì vậy tính thuyết phục của bản án đối với người ÊĐê chưa cao. Như vậy, trong lĩnh vực hình sự, Nhà nước ta có thể ra các văn bản hướng dẫn chi tiết việc cho phép được viện dẫn các quy định tiến bộ đã được pháp luật ghi nhận trong luật tục ÊĐê để xét xử những hành vi phạm tội của người ÊĐê. Tuy nhiên, chỉ viện dẫn luật tục ÊĐê để định tội. Riêng hình phạt cần quy định cụ thể người ÊĐê khi phạm tội chỉ phải chịu một loại hình phạt theo quy định của pháp luật, không phải chịu hình phạt theo quy định của luật tục ÊĐê. Trừ các quy định làm nghĩa vụ đối với người chết theo niềm tin tâm linh và không ảnh hưởng quá nhiều đến kinh tế.
Đối với lĩnh vực hôn nhân và gia đình: Pháp luật cần ghi nhận cụ thể, chi tiết chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, khuyến khích chế độ gia đình đoàn kết, thân ái, chịu trách nhiệm về các hành vi của nhau trong luật tục ÊĐê, cho phép áp dụng một cách có chọn lọc các quy định này vào quá trình giải quyết việc hôn nhân và gia đình ở tòa án, nhằm làm
cho người ÊĐê thấy được tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, luật tục của dân tộc họ cũng được tôn trọng và bảo vệ. Tóm lại hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam trong tương lai cần bổ sung các văn bản dưới luật dành riêng cho khu vực người đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Quy định chi tiết cụ thể trường hợp nào được áp dụng luật tục ÊĐê, trường hợp nào phải áp dụng pháp luật. Đồng thời quy định chi tiết phạm vi áp dụng, đối tượng áp dụng cụ thể. Khắc phục tình trạng các điều luật quá khái quát như Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2005 và tình trạng không phân biệt được ranh giới điều chỉnh của pháp luật và luật tục ÊĐê. Muốn làm được như vậy, những nhà làm luật phải có sự khảo sát thực tế một cách kỹ càng, thấu đáo, nắm được tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, đưa các ý tưởng mới, tiến bộ của họ vào điều luật. Có như vậy điều luật được ban hành mới có giá trị thực tiễn trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong buôn làng dân tộc thiểu số ÊĐê.
Hai là, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đã có một số quy định về việc bài
trừ các phong tục, tập quán lạc hậu trong luật tục ÊĐê. Nhưng trên thực tế các phong tục, tập quán này vẫn còn tồn tại. Đây là vấn đè nổi cộm cần phải được giải quyết để đáp ứng yêu cầu lành mạnh hóa xã hội công dân trong giai đoạn mới - giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhưng đây cũng là vấn đề hết sức nhạy cảm trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, khi dùng các biện pháp cứng rắn của pháp luật để loại trừ các phong tục, tập quán lạc hậu trong luật tục ÊĐê, người tổ chức thực hiện pháp luật cần phải hết sức thận trọng. Trước hết, phải xác định rằng không thể dùng pháp luật để bài trừ ngay lập tức tất cả các phong tục tập quán lạc hậu trong luật tục ÊĐê; mà phải từng bước thực hiện theo một quy trình chọn lọc từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, kết hợp hài hòa việc tuyên truyền pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật với việc làm hình thành các phong tục tập quán tiến bộ mới thay thế cho phong tục tập quán cũ lạc hậu trong luật tục ÊĐê. Muốn làm được như vậy cán bộ tuyên pháp luật, tổ chức pháp luật phải biết tiếng ÊĐê, phải hiểu rõ phong tục tập quán của họ; biết phát huy thế mạnh vốn có của pháp luật và biết sử dụng sự hỗ trợ đắc lực của các quy định tiến bộ trong luật tục ÊĐê.
Ba là, Một giải pháp truyền thống đó là nâng cao trình độ văn hóa, xã hội và pháp
cho tộc người này. Từ trước tới nay đã có nhiều văn bản pháp luật ghi nhận vấn đề này. Tuy nhiên, biện pháp thực hiện vẫn còn đơn điệu, chẳng hạn: ưu tiên điểm chuẩn cho các thí sinh người dân tộc thiểu số trong các kỳ thi; có trường học nội trú riêng với chế độ ưu đãi cho người dân tộc trong đó có dân tộc thiểu số ÊĐê…Còn giải pháp làm thế nào cho con em người dân tộc thiểu số ÊĐê có thói quen đến trường, có nhu cầu say mê học tập, có thói quen tư duy lao động theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu kinh tế thị trường, thì chưa được Nhà nước ta chú trọng. Đây là yếu tố cần phải sử dụng sự trợ giúp của luật tục ÊĐê. Trong luật tục ÊĐê ghi nhận chế độ kinh tế tự cung, tự cấp nên hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê chỉ dừng ở mức lao động để có thức ăn vật dùng đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Nếu Nhà nước ta có cơ chế tuyên truyền pháp luật, tổ chức thực hiện tốt pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Hình thành được trong ý thức của họ nhu cầu học tập, lao động, sáng tạo để làm ra nhiều của cải vật chất, làm giàu cho bản thân, cho xã hội thì tư tưởng này nhanh chóng được ghi nhận trong luật tục. Khi các tư tưởng này đã được ghi nhận bằng các quy định của luật tục thì nó có giá trị thực tiễn đối với đời sống của người ÊĐê hơn nhiều lần so với pháp luật. Như vậy, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao đời sống kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội cho người ÊĐê đồng nghĩa với việc xây dựng luật tục ÊĐê theo định hướng và mục tiêu chung của nhà nước. Tạo cho người ÊĐê có cuộc sống hòa nhập với người kinh, hòa nhập với các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh việc khắc phục những tồn tại trong mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê, Nhà nước ta cần phát huy những mặt tốt, tích cực đã đạt được của mối quan hệ này trong thời gian qua.