Sự tác động qua lại giữa pháp luật với luật tụcÊĐê 1 Sự tác động của luật tục ÊĐê đến pháp luật

Một phần của tài liệu luận văn mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục êđê (Trang 34 - 37)

Tác động của luật tục ÊĐê đến việc hình thành các quy định của pháp luật

Mặc dù không phổ biến nhưng luật tục ÊĐê đã có tác động dẫn đến việc hình thành các quy định trong pháp luật. Trong thời gian gần đây, một số tập quán tốt đẹp lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê đã được pháp luật Nhà nước ta ghi nhận và thể chế hóa thành những quy phạm pháp luật, chẳng hạn như các quy định về bảo vệ rừng, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong gia đình; đặc biệt là các quy định về bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người như tội giết người, tội hiếp dâm, tội cố ý gây thương tích, tội ngược đãi ông bà cha mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng mình... Như vậy luật tục ÊĐê có lúc, có khi là môi trường cho sự phát sinh, tồn tại và phát triển của pháp luật, là chất liệu tạo nên pháp luật. Có luật tục ÊĐê pháp luật trở nên phong phú hơn, hoàn thiện hơn. Luật tục ÊĐê hình thành trong cuộc sống hàng ngày của cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê, trên cơ sở sự thừa nhận của cộng đồng. Khi người ÊĐê thừa nhận một phong tục, tập quán nào đó, họ thực

hiện nó một cách tự giác bằng niềm tin trong nội tâm của họ. Những phong tục, tập quán

này trở thành thói quen trong ứng xử hàng ngày của người dân tộc thiểu số ÊĐê. Khi có một cá nhân trong cộng đồng người ÊĐê không tự giác thực hiện luật tục thì lập tức bị cộng đồng người trong buôn làng lên án. Già làng, trưởng buôn là người đại diện cho dân làng phán xử người vi phạm luật tục bằng hình thức phạt đền. Bởi vậy hiệu quả điều chỉnh bằng luật tục ÊĐê đối với người dân tộc thiểu số ÊĐê bao giờ cũng cao hơn pháp luật. Chính vì vậy khi các quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê được xây dựng phù hợp với luật tục ÊĐê thì nó không những được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp nhà nước mà nó còn được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp khác của cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê. Ngược lại, trong điều chỉnh

các quan hệ xã hội liên quan đến đời sống của người dân tộc thiểu số ÊĐê, pháp luật không được xây dựng trên cơ sở luật tục, không phù hợp với luật tục thì pháp luật sẽ rất khó đi vào đời sống của tộc người này. Dẫn đến tình trạng người dân tộc thiểu số ÊĐê từ chối thực hiện pháp luật, thậm chí là tìm cách chống đối pháp luật, gây nên những cuộc bạo loạn, làm mất trật tự an ninh trong xã hội. Trong trường hợp này nhà nước sẽ phải dùng biện pháp cưỡng chế để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được từ việc sử dụng biện pháp này là không cao có khi còn phản tác dụng.

Sự tác động của luật tục ÊĐê đến việc hình thành các quy định của pháp luật phụ thuộc vào sự nhận thức của các nhà làm luật về vai trò của pháp luật cũng như vai trò của luật tục ÊĐê. Khi nhà làm luật nhận thức được hạn chế vốn có của pháp luật, đồng thời nhận thức đúng vai trò của luật tục ÊĐê trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong cộng đồng người ÊĐê thì luật tục ÊĐê có thể tác động mạnh mẽ đến pháp luật. Ngược lại khi các nhà làm luật không đánh giá đúng vai trò của luật tục ÊĐê, coi luật tục ÊĐê là ý chí của một số ít người trong xã hội không đáng được ghi nhận thì sự tác động của luật tục ÊĐê đối với pháp luật trở nên hạn chế.

Sự tác động của luật tục ÊĐê đến việc hình thành các quy định của pháp luật thể hiện ở chỗ nhà làm luật thừa nhận một số phong tục, tập quán tiến bộ của người ÊĐê cụ thể hóa thành các quy định của pháp luật, hoặc thừa nhận cách giải quyết các vụ việc cụ thể trên thực tế của người trưởng buôn, tạo thành các tiền lệ khác để áp dụng giải quyết các vụ việc tương tự về sau, phát sinh trong buôn làng người dân tộc thiểu số ÊĐê.

Luật tục ÊĐê mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc ÊĐê. Nó trở thành phong tục tập quán lâu đời, điều chỉnh mọi hành vi của người ÊĐê và trở thành thói quen trong hành vi ứng xử của các thành viên trong tộc người này không dễ gì thay đổi được. Điều chỉnh hành vi con người bằng pháp luật, nhà nước không mong muốn gì hơn khi hành vi ấy trở thành thói quen trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày của chủ thể. Chính vì vậy, pháp luật, công cụ để tổ chức và quản lý xã hội phải được xây dựng trên cơ sở truyền thống của các dân tộc, trong đó có truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Khi pháp luật phù hợp với truyền thống của các dân tộc nói chung và truyền thống của người ÊĐê nói riêng, chẳng những nó được thực hiện nghiêm chỉnh trong cuộc sống mà nó còn góp phần to lớn

trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc. Vì vậy mà hiệu quả điều chỉnh bằng pháp luật đạt được sẽ lớn hơn.

Luật tục ÊĐê tác động đến việc thực hiện pháp luật của các chủ thể

Cùng với việc ảnh hưởng đến sự hình thành các quy phạm pháp luật, luật tục ÊĐê còn ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật của các chủ thể. Sự tác động này phụ thuộc vào hai yếu tố: Sự phù hợp của pháp luật với luật tục ÊĐê. Như đã phân tích ở phần trên, khi pháp luật được xây dựng phù hợp với các truyền thống, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, thông thường nó sẽ được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, bởi lẽ hành vi thực hiện pháp luật hoàn toàn phù hợp với các yêu cầu đòi hỏi của luật tục. Ngược lại nếu pháp luật trái với luật tục, nó sẽ khó có thể đi vào đời sống của tộc người này hay nói cách khác nó không thể được thực hiện một cách nghiêm chỉnh trong cuộc sống của người ÊĐê. Đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê từ bao đời nay chỉ có thói quen ứng xử theo luật tục. Trong buôn làng xa xôi hẻo lánh, các biện pháp phạt đền bằng vật chất, sự tẩy chay của dân làng và bắt làm nô lệ để trả nợ khi vi phạm luật tục có tác động mạnh mẽ hơn cả các biện pháp cưỡng chế nhà nước.

Người ÊĐê khi bắt đầu biết theo mẹ lên nương, biết theo cha lên rẫy là đã biết những điều cấm của luật tục. Người phụ nữ ÊĐê dạy luật tục cho con trong từng lời ru, lời kể, khiến cho luật tục thấm sâu vào máu thịt con cái họ khi còn ở độ tuổi vị thành niên, tạo thành một lối mòn, một khuôn mẫu ứng xử trong cuộc sống hàng ngày của họ. Vì vậy, những quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê hiện đang song hành với pháp luật Nhà nước ta đều được người ÊĐê thực thi nghiêm túc. Thông thường những người có ý thức chấp hành luật tục cũng là những người chấp hành tốt pháp luật nhà nước. Điều này rất dễ lý giải, bởi thực hiện pháp luật hay thực hiện luật tục đều phụ thuộc vào ý thức của con người. Những người có ý thức tuân thủ các phong tục tập quán của dân tộc mình thì đương nhiên sẽ có ý thức tuân thủ pháp luật chung của nhà nước. Tìm hiểu ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa của người dân tộc thiểu số ÊĐê trên địa bàn tỉnh DakLak, thấy rằng: Thời gian qua, pháp luật Nhà nước ta chưa thật sự đi vào đời sống của họ, hay nói cách khác việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê của Nhà nước ta trong thời gian qua chưa thực sự được chú trọng và chưa đúng phương pháp. Vì vậy, trong nội tâm của người dân tộc thiểu số ÊĐê chưa hình thành ý thức chấp hành pháp luật, trừ những quy định pháp luật gần giũ với các quy định của

luật tục. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra những cuộc bạo loạn kéo dài của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, gây ra sự kỳ thị giữa người ÊĐê với người kinh, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an trên khu vực Tây Nguyên. Chính vì vậy việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê phải được thay đổi về cách thức. Trong tuyên truyền giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê cần lồng các phong tục tập quán địa phương vào pháp luật. Thay đổi một số từ ngữ chuyên môn trong pháp luật bằng ngôn ngữ dân gian, tự nhiên khi tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Có như vậy pháp luật mới được thấm sâu vào tiềm thức của người ÊĐê hình thành nên thói quen chấp hành pháp luật, giống như thói quen chấp hành luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê từ xưa tới nay.

Đối với các nhà chức trách người dân tộc thiểu số ÊĐê và các già làng, trưởng buôn, ý thức về luật tục của dân tộc họ có tác động quan trọng đến việc thực hiện pháp luật. Trước hết cũng như các thành viên khác, ý thức luật tục cũng chi phối, chỉ đạo hành vi của họ. Tuy nhiên hoạt động áp dụng pháp luật lại liên quan đến các tổ chức cá nhân khác trong xã hội, trong buôn làng. Chính vì vậy ý thức luật tục trong họ lại càng có ý nghĩa quan trọng. Người có ý thức luật tục cao, bao giờ khi đưa ra những quyết định thực hiện pháp luật cũng đều phải tính đến sự phù hợp với các phong tục tập quán của các dân tộc nói chung và các phong tục tập quán của dân tộc ÊĐê nói riêng. Vì vậy, pháp luật Nhà nước ta phải đi vào đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê bắt đầu từ những con người này. Sự lồng ghép khoa học giữa luật tục ÊĐê với pháp luật của lớp người tiên phong này sẽ làm xuất hiện trong luật tục ÊĐê những tư tưởng mới của pháp luật, loại trừ dần những quy định lạc hậu trong luật tục. Đây chính là sự tác động mạnh mẽ của luật tục ÊĐê đối với việc thực thi pháp luật trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê.

Một phần của tài liệu luận văn mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục êđê (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)