Sau khi đó có những nhận định cụ thể về tình hình công ty cần xét đến một yếu tố rất quan trọng trong việc quản trị chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp; đó là chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu của chiến lược.
1.2.5.3.1. Xác định chức năng
Xác định được chức năng chiến lược sẽ góp phần vào việc lựa chọn đúng đắn các mục tiêu, sự thành công của tổ chức và chiến lược của công ty. Đồng thời có tác động tạo lập hình ảnh của công ty trước công chúng, xã hội và tạo ra sự hấp dẫn đối với các đối tượng hữu quan (khách hàng, nhà cung cấp, nhà chức trách).
Nhiệm vụ là một nội dung có giá trị lâu dài biểu thị những hoạt động cơ bản của doanh nghiệp, thể hiện những niềm tin và ý tưởng chung nhất của những người tham gia trong tổ chức đó. Khi xác định được nhiệm vụ của chiến lược đúng đắn sẽ có được một số lợi ích như sau:
- Đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng trong trong tổ chức thực hiện hoạt động của doanh nghiệp.
- Tạo cơ sở vững vàng để doanh nghiệp huy động được nhiều nguồn lực cho tổ chức nhằm đạt được mục đích đề ra.
- Phân phối nguồn lực hợp lý phục vụ tích cực cho quá trình triển khai thực hiện mục tiêu đã định.
- Tạo ra những đòi hỏi có tính động lực cho phát triển và định hình những mục tiêu mới
- Tạo sự nhất trí cao trong cộng đồng các thành viên của doanh nghiệp, khuyến khích mọi người hăng hái làm việc và xây dựng văn hóa công ty theo xu thế tiến bộ
- Là cơ sở để cho doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các mục tiêu trong hoạt động của mình.
Nhiệm vụ chiến lược muốn xác định đúng đắn cần phải xem xét một số yếu tố cơ bản sau:
- Phải xác định chính xác đối tượng khách hàng của doanh nghiệp là những ai ? Mức độ quan trọng của các loại đối tượng khách hàng?
- Sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp đang chiếm lĩnh và sẽ mở rộng những vùng thị trường nào?
- Mạng lưới kinh doanh hiện có và khả năng diễn biến của các doanh nghiệp cả về quy mô, vị trí lợi thế thương mại và công nghệ ứng dụng
- Doanh nghiệp phải tự đánh giá những điểm manh và điểm yếu của mình rất nghiêm túc.
- Phải tạo sự nhất trí và sự quan tâm của các thành viên trong doanh nghiệp đến việc xác lập chiến lược của công ty.
1.2.5.3.3. Xác định mục tiêu chiến lược
Mục tiêu là chuẩn đích tương lai được biểu hiện bằng những tiêu chí cụ thể mà doanh nghiệp phấn đấu đạt được trong một thời gian nhất định. Mục tiêu được đề ra phải xuất phát từ chức năng nhiệm vụ của doanh nghiệp, nhưng nó phải biểu thị rõ ràng và cụ thể hơn, phù hợp với những điều kiện hoàn cảnh bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp; đồng thời đáp ứng được mong muốn của các thành viên trong doanh nghiệp và thỏa mãn kỳ vọng của các bên liên quan.
Khi xác định mục tiêu, phải đáp ứng những yêu cầu sau:
- Mục tiêu phải cụ thể: phải đặc trưng cho ngành, lĩnh vực, chỉ rõ thời gian thực hiện và kết quả cuối cùng đạt được; đó chính là tính chuyên biệt của mục tiêu, mục tiêu phải gắn liền với từng doanh nghiệp và phải có nét khác biệt nhau. Mục tiêu càng cụ thể càng dễ đặt ra chiến lược để hoàn thành.
- Mục tiêu phải mang tính linh hoạt thể hiện khả năng thích nghi với sự biến động của môi trường, tránh và giảm thiểu được những nguy cơ phá vỡ cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp.
- Mục tiêu đề ra phải có khả năng đo lường được để thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát và điều chỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện.
- Mục tiêu phải đáp ứng được mong muốn cao nhất của các thành viên và các tổ chức trong doanh nghiệp; đồng thời tạo khả năng cao nhất đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của các bên liên quan.
- Mục tiêu phải mang tính nhất quán: những mục tiêu đề ra phải có đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ cao và tạo sự tác động, hổ trợ và quan hệ chặt chẽ với nhau, việc hoàn thành mục tiêu này không làm ảnh hưởng xấu đến mục tiêu khác mà phải có sự tương tác hỗ trợ tạo sự đồng bộ các hoạt động trong một tổ chức nhằm đạt đến mục tiêu chung của doanh nghiệp.
- Mục tiêu phải hợp lý: tính hợp lý của mục tiêu sẽ tạo được sự đồng thuận cao của cộng đồng người lao động trong doanh nghiệp. Nếu không có sự chấp nhận của con người thì quá trình xây dựng và thực hiện mục tiêu gặp nhiều khó khăn; đây là yếu tố quan trọng, bởi con người vừa là chủ thể vừa là đối tượng
trong hoạt động của đơn vị, do đó phải đảm bảo tính hợp lý, tính linh hoạt và tính riêng biệt của mục tiêu.