B. Nội dung cơ bản
3.4.2.2. Chiến dịch Thượng Lào xuân – hè
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (1/1953) đã đề ra phương châm tác chiến: “tạm thời tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh địch ở những nơi địch sơ hở, đồng thời phải hoạt động ở sau lưng địch”[3].
Sau chiến dịch Tây Bắc, thực dân Pháp tăng cường phòng thủ Thượng Lào vì đây là vùng chiến lược quan trọng, và là hậu phương an toàn của địch.
Đầu năm 1953, Trung ương Đảng và Chính phủ ta cùng với Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Itxala thỏa thuận mở chiến dịch Thượng Lào nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân Lào; đồng thời phá thế bố trí chiến lược của địch ở miền Bắc Đông Dương, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó.
Từ ngày 08/4/1953 đến ngày 18/4/1953, bộ đội ta phối hợp với bộ đội Pha-thét Lào mở chiến dịch Thượng Lào. Sau gần một tháng chiến đấu, liên quân Việt - Lào đã giành được thắng lợi, giải phóng toàn tỉnh Sầm Nứa, một phần tỉnh Xiêng-khoảng và tỉnh Phong-xa-lì với trên 30 vạn dân, mở rộng và nối liền căn cứ địa Thượng Lào với Việt Bắc, tạo nên một vùng căn cứ cách mạng rộng lớn uy hiếp Pháp.
Tóm lại, từ chiến dịch Biên giới 1950 đến năm 1953, quân ta đã giữ vững và phát huy được thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính.
Phối hợp với chiến trường chính Bắc bộ, từ năm 1951 đến năm 1953, ở các chiến trường Trung bộ và Nam bộ, quân dân ta đã tận dụng các hình thức chiến tranh du kích, tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, phá hủy nhiều tổ chức tề ngụy và nhiều cơ sở kinh tế của chúng.
Những thắng lợi của ta trên toàn chiến trường đã làm phá sản toàn bộ kế hoạch giành lại thế chủ động chiến lược của Đờ-lát và sau đó là Sa-lăng, buộc thực dân Pháp phải triệu hồi tướng Sa- lăng về nước và cử tướng Na-va sang làm tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương với hy vọng lật ngược được tình thế.
[1] Nguồn: Trần Bá Đệ (Chủ biên), Giáo trình lịch sử Việt Nam (1945 - 1975), Nxb ĐHSP, Hà Nội, 2007, trang 73.
[2] Nguồn: Trần Bá Đệ (Chủ biên), Giáo trình lịch sử Việt Nam (1945 - 1975), Nxb ĐHSP, Hà Nội, 2007, trang 74.
[3] Dẫn lại: Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 320.
CHƯƠNG 4