B. Nội dung cơ bản
3.4.1.3. Chiến dịch Hà Nam Ninh (Chiến dịch Quang Trung)
Sau chiến dịch Đường số 18, Bộ chính trị quyết định mở chiến dịch Quang Trung tiến công địch ở Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình (Hà – Nam - Ninh) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan lực lượng ngụy quân, tạo thế cho cuộc chiến tranh nhân dân phát triển ở vùng đông dân, giành lấy địa bàn quan trọng về kinh tế.
Từ ngày 28/5 đến ngày 20/6/1951, Đại đoàn 308, 304 và 320 cùng một số đơn vị hoả lực và bộ đội địa phương đã phối hợp tiến công địch trong vùng sâu thuộc các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 4000 tên địch, bức rút hơn 30 vị trí, phá hủy 30 xe tăng lội nước, thu hơn 1000 vũ khí và phương tiện chiến tranh. Tuy nhiên trong chiến dịch này, lực lượng của ta cũng bị tổn thất nặng[2].
Qua 3 chiến dịch ở, trung du và đồng bằng đã để lại nhiều bài học trong việc tổ chức chiến đấu cho lực lượng vũ trang cách mạng. Cuộc chiến đấu quyết liệt giữa bộ đội chủ lực của ta với lực lượng địch đóng trên các địa bàn trên chứng tỏ dù ta có quyết tâm lớn, dù có trận bộ đội ta đông hơn địch, nhưng trước mắt ta chưa thể giành thắng lợi lớn.
Sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai từ ngày 27/9 đến ngày 5/10/1951, cuộc chiến tranh du kích trong vùng địch hậu đã phát triển và phối hợp có hiệu quả với cuộc chiến đấu của bộ đội chủ lực trong phạm vi toàn quốc. Rút bài học từ các chiến dịch ở trung du và đồng bằng, bộ đội chủ lực đã tiến công địch ở những địa bàn phù hợp với sở trường của lực lượng vũ trang cách mạng.