B. Nội dung cơ bản
3.2. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951)
Những khó khăn và tổn thất của cách mạng Việt Nam trong năm 1950 do Pháp – Mĩ thay đổi giải pháp chiến tranh đã đặt ra yêu cầu cần phải tăng cường hơn nữa tính toàn diện và sự lãnh đạo của
Đảng. Trong khi đó, Đảng ta lúc này lại đang trong giai đoạn hoạt động bí mật, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng.
Từ sau thắng lợi Cách mạng tháng Tám, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Nhưng do hoàn cảnh vô cùng phức tạp sau cách mạng và để giữ vững khối đại đoàn kết, Đảng ta tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật[1] (dưới tên gọi là “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác” – TG).
Từ ngày 11/02/1951 đến ngày 19/2/1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, họp ở xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang).
Báo cáo Chính trị tại Đại hội đã nêu rõ rằng để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo sự nghiệp đánh thắng giặc Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, Đảng Cộng sản Đông Dương phải ra hoạt động công khai và tổ chức lại cho thích hợp với tình hình mỗi nước. Đại hội đã quyết định xây dựng ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một Đảng Cách mạng thích hợp với hoàn cảnh cụ thể để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở từng nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Ở Việt Nam, Đại hội quyết định xây dựng Đảng Lao động Việt Nam và đưa Đảng ra công khai. Đại hội đã thông qua Chính cương, Điều lệ mới của Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới. Bác Hồ được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội đã chỉ rõ: Nhiệm vụ cơ bản của Cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn cho dân tộc, thủ tiêu chế độ thuộc địa trong vùng tạm bị chiếm, xoá bỏ những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện chủ trương người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội.
Về đường lối kháng chiến, Đại hội khẳng định: Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh nhân dân. Đảng đã đề ra những chính sách cơ bản về công tác xây dựng, củng cố chính quyền, tăng cường quân đội, mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, phát triển kinh tế, tài chính, văn hóa – giáo dục… nhằm đẩy mạnh kháng chiến toàn diện.
[1] Trần Bá Đệ (Chủ biên), Giáo trình lịch sử Việt Nam (1945 - 1975), Nxb ĐHSP, Hà Nội, 2007, trang 64.