Về khía cạnh dân tộc tính

Một phần của tài liệu Mỹ thuật đương đại Việt Nam liên ứng với thế giới – Nhìn từ Hà Nội pptx (Trang 110 - 118)

3. Trong con mắt của các nhà nghiên cứu nước ngoà

3.2.Về khía cạnh dân tộc tính

Bàn tròn về Mỹ thuật đương đại Việt Nam có tiêu đề “Mỹ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu?” trên diễn đàn điện tử www.talawas.org [6] , kéo dài từ tháng 10-2002 đến tháng 1-2003 đã thu hút sự quan tâm của một số người người đã và đang nghiên cứu hoặc viết phê bình hoặc có những suy nghĩ về mỹ thuật Việt Nam: Nora Taylor, Birgit Hussfeld (CHLB Ðức, Thạc sĩ ngành Nhân học, đã từng học Việt Nam học và Trung Quốc học, viết nhiều bài về Mỹ thuật đương đại Việt Nam), Natalia Kraevskaia (Salon Natasha), Veronika Radulovic,...

N. Kraevskaia, với trải nghiệm của một cá nhân người nước ngoài làm dâu Hà Nội, hơn nữa lại mở một salon nghệ thuật - một trong những địa chỉ gallery tư nhân đầu tiên của Hà Nội (năm 1990), đã có những nhận xét sâu sắc về ảnh hưởng của tính dân tộc và quan niệm duy mỹ của nghệ sĩ Việt Nam đối với chính nghệ thuật của họ. “Trong nghệ thuật đương đại Việt Nam, khái niệm về tính dân tộc và về cái đẹp lan tràn và bó hẹp tầm nhìn của nghệ sĩ” và thậm chí, theo bà, “dấu ấn

‘made in Vietnam’ được sử dụng chủ yếu để khuyến mãi trên thị trường”. Thực tế đó cho thấy “phần lớn các hoạ sĩ không cưỡng nổi việc hùa theo và thậm chí còn tạo thuận lợi cho sự thương mại hoá ngày càng tăng trong nghệ thuật. Hơn nữa, tôi còn đồng ý rằng có một khủng hoảng về nhận thức và về đạo đức... Tư tưởng và ý tưởng, đó chính là cái đang thiếu trong dòng chủ lưu của mỹ thuật Việt Nam. Dạo một vòng qua các gallery ở Hà Nội và Sài Gòn, tôi chỉ đọc được có một thông điệp được thể hiện bằng một ngôn ngữ thích đáng: “Này, dân nước ngoài ngu ngốc kia, với kỹ thuật xuất sắc của ta từ Ðại học Mỹ thuật, ta sẽ khiến ngươi phải bỏ tiền ra mua một con trâu vô nghĩa của ta, một cô gái mặc áo dài hay bất cứ cái gì... Trong mỹ thuật Việt Nam, thiếu chiều sâu, thiếu chất trí thức, thiếu sự háo biết, máu phiêu lưu, thiếu cái tự nhiên của một người sáng tạo khao khát muốn hiểu và phản ánh cuộc sống, muốn đưa ra nhận định của chính mình về sự kiện hay hiện tượng này nọ...” Quả là một sự phê phán nặng nề. Qua việc quan sát hiện tượng sử dụng tràn lan những motif “dân tộc tính” như con trâu, cái nón lá, thiếu nữ mặc áo dài trong hội hoạ, bà đã nhìn thấu vấn đề tư tưởng và nhận thức của giới làm mỹ thuật Việt Nam. Từ những điều được biết qua quan hệ của cá nhân với giới mỹ thuật quốc tế, N. Kraevskaia cho rằng nghệ thuật Việt Nam giờ đây đã “mang tiếng xấu” là “thương mại” và điều đó khiến cho không nhiều người tổ chức các triển lãm hay biennale quốc tế uy tín muốn qua Việt Nam kiếm tìm tài năng thực sự nữa... Cùng chung quan điểm với N. Kraevskaia, Birgit Hussfeld thừa nhận trong thời gian sống ở Hà Nội, bà cũng thấy “nhiều hoạ sĩ nói về “tính dân tộc” như một mối quan tâm chính trong tác

phẩm của họ” và bà “không thể tin được rằng điều đó lại là mối bận tâm lớn đến thế của các hoạ sĩ Việt Nam nhằm tạo ra một thứ mỹ thuật dân tộc”. Bởi cuối cùng, nhìn vào tranh, đâu cũng chỉ thấy con trâu, ruộng lúa, nón lá, áo dài, đến “mệt mỏi” (Birgit Hussfeld) thì đó là tính dân tộc hay chỉ đơn thuần là một thứ chủ nghĩa tượng trưng hình thức thuần tuý? Theo bà, thực chất đó là sản phẩm phục vụ nhu cầu “mang tính địa phương” của một dạng khách du lịch nước ngoài, một số Việt kiều nhớ quê hương... B. Hussfeld đã dẫn chứng một hoạ sĩ Nga,

Kabakov, người thoạt tiên đến với thế giới như một hoạ sĩ Nga, nhưng nay, người ta nhắc đến ông mà không cần thêm dòng chữ đó đi kèm nữa, tức là ông đã trở thành một hoạ sĩ đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, tranh của ông vẫn bộc lộ rõ cuộc sống của gần hết cuộc đời ông trong một căn hộ ở Moskva. “Câu hỏi đặt ra là các hoạ sĩ tiếp cận tác phẩm của họ như thế nào, họ dựa vào những khuôn mẫu sáo rỗng, cố gắng bóc trần chúng hoặc là hay hơn cả, chẳng quan tâm gì tới chúng”.

Tác phẩm của Nguyễn Minh Thành

Một khía cạnh dân tộc tính thú vị khác đã được Veronika Radulovic đề cập đến trong bàn tròn này: tính “tập thể hoá của xã hội Việt Nam”. “Tại Việt Nam, người ta phần lớn nói về một đám đông, một nhóm, một tập thể. Cá nhân không tồn tại như nó tồn tại ở châu Âu... Tôi cho rằng, nếu tồn tại những nghệ sĩ mạnh mẽ, ví dụ như Nguyễn Minh Thành, thì nhiều nghệ sĩ sẽ đi theo và muốn trở thành như vậy. Ở Việt Nam, không ai muốn đứng một mình.” Xin được nhắc lại một chút ở đây nhân vật Nguyễn Minh Thành (xem chương Các hình thức nghệ

thuật mới). Thành thực sự là một nghệ sĩ bản lĩnh, khi “một mình một kiểu” trong bối cảnh xã hội và nghệ thuật Việt Nam vẫn tồn tại không ít khe khắt, định kiến về sự tiếp nhận của cái mới, “cái tôi”. Có thể liên hệ tới câu nói sau của Hou Hanru, sinh năm 1963, một curator nổi tiếng toàn thế giới hiện nay, một người Trung Quốc định cư tại Paris từ thập niên 90, thế kỷ XX: “Ðiều quan trọng nhất mà thế hệ của tôi đã làm được (trong và cho mỹ thuật đương đại Trung Quốc là chúng tôi đã thực sự trở thành những cá nhân (individual) (có ghi chú về Hou...). Những cuộc tranh luận về bản sắc, về giá trị hay vai trò của truyền thống, về sự du nhập của các hình thức nghệ thuật mới vào đất nước, v.v và v.v... cũng đã từng xảy ra tại Trung Quốc, hay tại rất nhiều quốc gia thuộc thế giới thứ ba như Việt Nam. Tuy nhiên, sự khẳng định giá

trị cá nhân độc lập mạnh mẽ, cả quyết, đôi khi tới mức cuồng tín của giới mỹ thuật đương đại Trung Hoa đã tạo nên những làn sóng nghệ thuật đương đại liên tiếp, kéo theo sự tin tưởng của giới chức khi chính thức đưa nghệ thuật đương đại lên như một sản phẩm văn hoá Trung Hoa đương đại. Hàng loạt các Biennale ra đời tại Thượng Hải, Bắc Kinh thu hút khách du lịch, kích thích nghệ sĩ sáng tạo và vô hình chung, nghệ thuật đương đại Trung Quốc đã nhanh chóng nổi bật trong thế giới nghệ thuật đương đại toàn cầu. Như vậy tính cá nhân không hề phủ nhận tính dân tộc và ngược lại, nhiều cá nhân hợp lại sẽ đẩy tính dân tộc lên một vị thế mới trong tương ứng với một xu thế xã hội mới, toàn cầu mới. Ðây là một cách nghĩ mà chúng tôi rất muốn chia sẻ với giới làm nghệ thuật đương đại Việt Nam.”

© 2006 talawas

[1]

Xem website chính thức của Hội đồng Anh tại Việt Nam:

www.britishcouncil.org/vietnam. [2]

Xem website chính thức của Hội đồng Anh tại Việt Nam:

www.britishcouncil.org/vietnam

[3]

Trao đổi với bà Phùng Thị Ngọc Trâm, Ban Nghệ thuật, Hội đồng Anh Hà Nội, tháng 9-2005.

[4]

Tài liệu đã dẫn. [5]

Trao đổi riêng với ông X. Augustin, tháng 9 - 2005. [6]

Trang web này do nhà văn Phạm Thị Hoài làm tổng biên tập, thu hút sự đóng góp của một số trí thức trong nước và đặc biệt là Việt kiều và những nhà nghiên cứu người nước ngoài về nhiều khía cạnh của Việt Nam như Việt Nam học, âm nhạc, mỹ thuật, văn chương, v.v... Website này hiện nay không được phổ biến chính thức ở trong nước.

Một phần của tài liệu Mỹ thuật đương đại Việt Nam liên ứng với thế giới – Nhìn từ Hà Nội pptx (Trang 110 - 118)