Các hình thức VA, MA

Một phần của tài liệu Mỹ thuật đương đại Việt Nam liên ứng với thế giới – Nhìn từ Hà Nội pptx (Trang 33 - 37)

Hai hình thức này xuất hiện sau IA và PA khoảng 5 năm, thịnh hành từ năm 2000 trở lại đây. Nổi bật nhất là các triển lãm thuộc hai dự án Tạo

hình cho Nước (2004) và Cây (2005) do nữ nghệ sĩ Veronika Radulovic, người CHLB Ðức tổ chức, kết hợp với sự hỗ trợ về tài chính và tinh thần từ Viện trao đổi hàn lâm CHLB Ðức (DAAD), Viện Goethe tại Hà Nội và Ðại học Mỹ thuật HN. Thành viên tham gia là các giảng viên trẻ và sinh viên của trường.

Một sáng tác ảnh sắp đặt của sinh viên mỹ thuật Việt Nam trong dự án

Nước

Dự án Nước (năm 2004) tập hợp các sáng tác thuộc đủ thể loại của nghệ thuật tạo hình từ truyền thống như hội hoạ sơn mài, sơn dầu, lụa, kí hoạ,... đến đương đại với các IA và đặc biệt là VA, MA (chiếm tỉ lệ 14/33 sáng tác). Chủ đề của triển lãm là nước: “tất cả cùng xuất phát từ một ý tưởng yêu nước và tạo hình cho nước. Nước là sự sống, nước là cái đẹp, nước là tình yêu và nước cũng là hiểm hoạ... Với những tác

phẩm tạo hình cho nước, người xem không những được thưởng thức vẻ đẹp mà còn có thể cảm nhận được nhiều vấn đề sâu xa hơn và đáng quan tâm hơn về nước, về môi trường sống của chính mình” [9] . Theo dấu các nghệ sĩ mỹ thuật quốc tế từng say mê làm nghệ thuật đương đại với nước, hoặc tham gia cùng giới nghiên cứu khoa học lên tiếng bảo vệ nguồn nước - nguồn sự sống của nhân loại, nữ nghệ sĩ V. Radulovic đã gợi hứng cho các nghệ sĩ của Việt Nam thực hiện chủ đề này. Nhìn chung, các video art đã đạt hiệu quả về mặt kỹ thuật, tạo được những hình ảnh ấn tượng với người xem, thậm chí có không ít sáng tác gây choáng ngợp về tính phát hiện của nghệ sĩ, ví dụ như video art của Lê Anh Vân: máy quay dừng lại ở một khe nước có tạo hình hết sức đẹp mắt, hoàn toàn tự nhiên nhưng gợi liên tưởng đến “cái nõn nường” của người đàn bà và tác giả chú thích tác phẩm của mình rất rõ ràng –

“Nguồn của sự sống”. Có sáng tác đề cập trực diện đến vấn đề môi sinh và đấu tranh sinh tồn như của Giang Nguyệt Ánh với hình ảnh cận cảnh một con cá chết và một mảnh nilon cùng đang trôi dập dềnh trên biển. Sức mạnh thuyết phục từ hình ảnh của video art là rõ ràng. Mặt khác, VA cũng đưa đến cho khán giả sự thay đổi lớn về cách nghĩ, cách cảm và cách nhìn nghệ thuật: trực tiếp hơn, đơn giản hơn và mau quên hơn. Triển lãm về cây tiếp theo cũng mang một mô hình tương tự và những chủ đề tương tự.

Tháng 10, năm 2003, nhóm nghệ sĩ Trần Lương có thực hiện một triển lãm VA tại khuôn viên Nhà hát lớn Hà Nội mang tên Súp cổ tích. Triển lãm này nằm trong khuôn khổ các hoạt động văn hoá nghệ thuật nhân

kỷ niệm 10 năm Hội đồng Anh tại VN và do tổ chức này tài trợ. Gần 20 VA, trong đó ghi lại hình ảnh các nghệ sĩ đang kể chuyện cổ tích trong nhiều bối cảnh khác nhau, ngoài đường phố, trong phòng khách, phòng ngủ, thậm chí cả nhà vệ sinh, với các hình thức kỹ thuật như phóng đại hình ảnh, lặp hình, chồng hình, tua hình,... nhằm gây ấn tượng thị giác với người xem. Quan niệm của nhóm thực hiện có lẽ đơn giản chỉ là một sự thay đổi quan niệm về chuyện cổ tích, cách ứng xử với nó bằng nghệ thuật trong cái nhìn đương đại để tìm kiếm ý nghĩa của nó trong cuộc sống đương đại. Tuy nhiên, tâm lý của đa số người xem chưa được chuẩn bị để đón nhận cả những sự phản mỹ cảm truyền thống từ triển lãm này.

Nhà điêu khắc trẻ Ðinh Gia Lê cũng là một cá nhân được biết đến qua một số triển lãm VA kết hợp sắp đặt quy mô, ấn tượng. Tháng 12-2002, anh có một VA kết hợp sắp đặt mang tên Những con dê trên cỏ trong một triển lãm sắp đặt tập thể do L’ Espace HN tổ chức bên trong khuôn viên Ðại sứ quán Pháp. Màn hình video đặt ở giữa bãi cỏ, có hình nộm những con dê đang ăn cỏ, vui chơi và âu yếm nhau. Trên màn hình ấy, lặp đi lặp lại hình ảnh quy trình giết thịt một con dê mà Lê trực tiếp ghi lại. Hình ảnh tương phản này gây ấn tượng mạnh với người xem và ý nghĩa cảnh tỉnh của VA kết hợp sắp đặt này đã được thể hiện rõ ràng, không cần ngôn từ nói giúp. Tháng 12- 2004, anh tiếp tục một VA kết hợp sắp đặt tại trụ sở L’ Espace HN mang tên Tôi và.... 30 hình người làm bằng silicon ở những tư thế khác nhau, được đặt trong những cảnh huống nhau, cùng được bơm khí lỏng theo từng nhịp độ nhất định để

chúng phập phồng như đang thở. VA trong triển lãm này ghi lại quá trình đổ mẫu hình nhân ngay trên chính thân thể của tác giả, với những góc độ đặt máy quay khác nhau kết hợp kỹ thuật dựng hình để gây ấn tượng. Ðứng giữa các hình nhân đang phập phồng thở, người xem có nhiều cảm giác khác nhau: sự sợ hãi đối với một thế giới vô tính, sự lo lắng mơ hồ về một môi trường sống không còn an toàn và trong lành, sự bất an trước đời sống nói chung, vô hình, vô hướng nhưng cảm giác mơ hồ đó là rõ ràng.

VA và hơn nữa là MA hiện nay ở Việt Nam mới chỉ được sử dụng hoặc dưới dạng thử nghiệm hoặc phải kết hợp với các hình thức khác. Rất ít sáng tác VA độc lập. Và trong số đó, hầu như chưa có tác phẩm nào thực sự có thể đánh thức nhận thức của người xem về một thể loại nghệ thuật mới trong đó các yếu tố kỹ thuật video được coi nhưng một phần quan trọng nhất của tác phẩm. Qua các triển lãm vừa nêu trên, có thể thấy các nghệ sĩ sử dụng VA mới chỉ coi nó như một hình thức minh hoạ ý tưởng.

Một phần của tài liệu Mỹ thuật đương đại Việt Nam liên ứng với thế giới – Nhìn từ Hà Nội pptx (Trang 33 - 37)