Nhân vật đầu tiên đáng kể của hình thức nghệ thuật này là hoạ sĩ Ðào Anh Khánh. Anh học đồ hoạ tại Ðại học Mỹ thuật Công nghiệp, bắt đầu có triển lãm tranh cá nhân từ năm 1990. Năm 1994, lần đầu tiên, anh được đi ra nước ngoài, nước Pháp, với một triển lãm tranh cá nhân. Ðó cũng là lần đầu tiên anh được tiếp xúc với một số loại hình nghệ thuật mới như nghệ thuật sắp đặt (installation) và video art nhưng do không biết đó là gì nên chỉ xem loáng thoáng. Sang đến năm 1997, 1998, đi Mỹ, anh cũng chỉ xem loáng thoáng tất cả những loại hình nghệ thuật mới ấy, kể cả với performance art mà chủ yếu dành thời gian xem tranh trong bảo tàng. Chính vì thế, khi anh làm một cuộc trình diễn đầu tiên tại khu nhà sàn thuộc địa phận xã Phú Thuỵ, Gia Lâm, rất nhiều người ngạc nhiên. “Thú thực là khi đó, tôi cũng không biết nên gọi đó là cái trò gì, có phải là performance hay không. Vì tôi chỉ muốn kết hợp cái này, cái kia với nhau để đem lại một không khí mà tôi thích, thế thôi. Tôi muốn chia tay thế kỷ XX với không khí ấy. Sau đó, bạn bè và người xem bộc bạch là họ bị ấn tượng, họ nhắc nhiều đến từ
performance”. Từ năm 2000, tôi mới thực sự quan tâm đến cái từ này...” [6] .
Trình diễn của Đào Anh Khánh cùng chiếc xe Cadillac của Vũ Dân Tân
Năm 1999, PA đầu tiên của anh (tạm gọi như vậy) mang tên Du hành
vào vũ trụ. Anh hoá trang mình trong tư thế nguyên thuỷ, chỉ có mảnh khố trắng quấn quanh người. Giữa một không gian hàng nghìn m2 tại khu nhà sàn của anh bên đê sông Ðuống, bập bùng ánh đuốc bên trên và đèn dầu dải khắp lối đi bên dưới, anh hú hét, ca hát và nhảy múa đầy bản năng nhưng theo tiến trình nhất định: miêu tả sự thành hình con người và sự vươn dậy của con người giữa thế giới. Không khí PA gợi cảm giác hoang sơ, mông lung và đầy phấn khích. Với cùng một motif như vậy, Ðào Anh Khánh tiếp tục các chương trình PA hàng năm nhân dịp sang Xuân kể từ năm 2003, gọi là Ðáo Xuân, định kỳ vào ngày 20 tháng Giêng. Vẫn là lửa, là vải quấn quanh người, là hoá trang trên
khuôn mặt để gây ấn tượng, là các động tác múa, ca hát, hú hét đầy bản năng, đôi khi không thể hiện rõ ràng một ý tưởng nào. Nhưng cách thức tổ chức của anh ngày một quy mô và nền nếp hơn. Triển lãm nào cũng thu hút hàng ngàn người đến tham gia. Về sau, các triển lãm của anh có sự tham gia của một hoặc một nhóm người mẫu hoặc diễn viên múa. Âm nhạc trong các buổi diễn rất được chú ý, thường là âm nhạc phi điệu tính, còn được gọi là âm nhạc đương đại. Gần đây nhất, ngày 1 và 2-7-2005, anh còn là nghệ sĩ chính của một chương trình được giới thiệu là múa đương đại kết hợp video art mang tên Ði giữa hai thế giới
do Trung tâm Văn hoá Pháp tại HN (L’Espace Hà Nội) tài trợ và tổ chức. Trong PA mới nhất này, anh vẫn không hề có ý định thay đổi motif nghệ thuật của anh. Có ý kiến cho rằng Khánh làm một cuộc giải trí (entertaiment) và anh đang biến mình thành một hoạt náo viên
(entertainer) nhiều hơn là một nghệ sĩ trình diễn. Còn quan niệm của anh về nghệ thuật trình diễn như sau: “Tôi muốn đưa tất cả các ngôn ngữ nghệ thuật mà mình có khả năng thể hiện vào trong một sự kết hợp hài hoà có tính tổng thể, đó là vũ đạo, là khả năng tạo hình, là cảm nhận về ánh sáng, là thiên nhiên quanh tôi. Qua đó, tôi có thể thể hiện một tư tưởng, ý đồ mà tôi định diễn đạt nhưng trên hết là người nghệ sĩ phải biết kết hợp tất cả những ngôn ngữ nghệ thuật cùng thiên nhiên một cách hài hoà để tạo nên một giá trị thẩm mỹ cho người xem; thẩm mỹ ở đây không chỉ bằng mắt mà bằng tai, bằng cảm giác, linh cảm nữa. Cũng có người bảo nó chẳng phải là performance. Tôi trả lời, chả làm sao cả. Mọi người vui với nó là được rồi. Còn nó là cái gì, có tên gọi như thế nào thì thực ra cũng không quan trọng lắm. Tôi nghĩ rằng, để
cho một ngôn ngữ nghệ thuật có sức nặng thì cái tên không có sức nặng, không có ý nghĩa gì hết. Có thể performance đã có từ hàng nghìn năm về trước nhưng khi đó, người ta làm nó chỉ vì cái đẹp thôi, vì người ta thích như thế. Chứ họ không đặt nó như là một trào lưu hay khuynh hướng nghệ thuật gì cả, bạn có hiểu không? Chỉ có điều bây giờ, tư duy của con người phát triển, người ta muốn đặt nó ra thành một vấn đề lý thuyết, lý luận, muốn đào sâu và phát triển nó hơn mà thôi. Sức hấp dẫn của nghệ thuật không phải là ở cái tên mà là ở tính sáng tạo, sự tìm tòi của nghệ sĩ cũng như giá trị thẩm mỹ mà tôi đã nói ở trên ấy...” [7] .
Trở lại năm 1996, tại nhà triển lãm của Bộ VHTT, 29 Hàng Bài, HN, đã diễn ra một IA kết hợp PA của nghệ sĩ Trương Tân - nguyên là giảng viên tại Ðại học Mỹ thuật HN, cùng hai hoạ sĩ Nguyễn Minh Thành và Nguyễn Văn Cường. Chủ đề của PA này là về tình mẹ con mang tên Mẹ và con trai. Ðây được xem như là một trong những PA
đầu tiên tại HN bên cạnh các hoạt động nghệ thuật đương đại của hoạ sĩ Eric Leroux cùng Salon Natasha. Trương Tân là người Việt Nam đầu tiên thực hành làm nghệ thuật mới từ đầu thập niên 90, thế kỷ XX. Ban đầu, anh chủ yếu làm các PA và IA nhỏ tại các địa điểm riêng tư cho một số bạn bè và học trò thân thiết. Các sáng tác của anh thổi vào một luồng gió mới về hình thức và ngôn ngữ thể hiện nghệ thuật, hình thức mới sẽ có chứa đựng nội dung mới tương ứng. Cái mới bao giờ cũng cuốn hút. Tuy nhiên, PA không được phổ biến nhanh và nhiều như IA. Vì sao? Xét từ góc độ tâm lý, người VN ưa ngắm nhìn một cách thụ
động hơn chủ động biểu hiện một hành động (có tính chất nghệ thuật nào đó) trước người khác. PA là nghệ thuật của các hành động thân thể của chính nghệ sĩ kết hợp với bối cảnh và môi cảnh xung quanh. PA đòi hỏi một trực giác mạnh, một xúc cảm lớn và một khả năng điều phối cảm xúc cao độ để đảm bảo được chủ đề nghệ thuật trong suốt thời gian trình diễn. Bên cạnh đó, một PA thường có yếu tố tham gia của khán giả. Hai đặc điểm này và tâm lý nói trên của người Việt Nam xem ra không dễ hoà hợp với nhau. Năm 1999, nghệ sĩ Nguyễn Văn Cường cũng đã làm một PA gây chú ý, anh dùng cần đàn violin kéo nhạc trên những chiếc nan hoa xe máy Dream - một ngụ ý thú vị về tâm lý con người Việt Nam trong xã hội đương đại - nghệ thuật trên nền tảng giấc mơ kinh tế dẫn đến sự méo mó và lệch lạc. Từ triển lãm đó cho đến nay, Nguyễn Văn Cường tham gia làm âm nhạc đương đại là chủ yếu.
Một hoạt động PA đáng chú ý trong năm 2004 là Festival Nghệ thuật trình diễn tại Hà Nội lần thứ nhất mang tên Lim dim, do nhóm nghệ sĩ Trần Lương chủ trì với sự hỗ trợ về tài chính và tổ chức của Hội đồng Anh và Viện Goethe Hà Nội. Ngoài địa điểm của hai cơ quan nói trên và Nhà sàn Ðức HN, nhóm tổ chức festival này còn muốn đưa các hoạt động ra ngoài bờ đê sông Hồng (quán Bến Bạc), lên Hoà Bình (trại vịt Lương Sơn). Tuy nhiên, ở những địa điểm này, triển lãm đã không được diễn ra vì có những sự trục trặc trong khâu tổ chức và kiểm duyệt tác phẩm với Sở VHTT và an ninh văn hoá. Chính vì lẽ đó, festival được dư luận chú ý nhiều hơn như một scandal xã hội chứ không thuần
tuý vì nghệ thuật nữa.
Scandal này gợi nhắc đến một PA của hoạ sĩ Ðào Anh Khánh tại bờ hồ Hoàn Kiếm ngày 26-6- 2003, bị chấm dứt khoảng 7 phút sau khi anh bắt đầu trình diễn. PA này của anh lấy cảm hứng từ âm nhạc của một nhạc sĩ Nhật Bản, gợi anh liên tưởng đến những mạch nước ngầm li ti, chậm chạp chảy nhưng cùng nhau hội tụ thành những mạch nước ngầm ào ạt, mạnh mẽ. Và anh muốn PA của mình nói lên được điều đó... Lí do công an phường Hàng Khay dừng PA của anh vì là không có giấy phép triển lãm, và anh còn bị quy kết là gây rối trật tự công cộng. Năm 2000, một triển lãm trình diễn lớn của anh diễn ra bên bờ đê sông Hồng kéo dài vào khu nhà sàn của anh cũng gặp rắc rối với giới chức địa phương và an ninh văn hoá vì lí do giấy phép triển lãm. Vấn đề mâu thuẫn giữa giới nghệ sĩ làm nghệ thuật mới và các cấp quản lý, kiểm duyệt tác phẩm được đặt ra: làm sao có thể kiểm duyệt một tác phẩm PA - nghệ thuật tức thời và biến hoá theo trạng thái cảm xúc của nghệ sĩ? Mâu thuẫn này cho thấy các quy chế triển lãm và kiểm duyệt tác phẩm mỹ thuật do Bộ VHTT ban hành đã bị lỗi thời. “Nhưng cũng phải nói ngay rằng những hình thức nghệ thuật này rất khó kiểm soát đối với các nhà quản lý hay lãnh đạo; nó là thứ nghệ thuật tức thời, đặc biệt là với loại hình nghệ thuật trình diễn. Nó gây ra cảm giác ‘không an toàn’ đối với họ. Tôi không biết đó có phải là lí do mà cho đến hôm nay, những hình thức nghệ thuật này cứ mặc nhiên tồn tại trong nước, một số nghệ sĩ trẻ có tài còn được mời ra nước ngoài triển lãm, nhưng không được các nhà quản lý nghệ thuật dành cho chúng những thái độ
ứng xử rõ ràng, ủng hộ hay phản đối, cổ xuý hay e ngại” [8] .