a. Công cụ pháp lý
Hiện nay, những công cụ pháp lý dành riêng cho công tác quản lý rác thải của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, TP. Vĩnh Yên nói riêng còn đang trong quá trình xây dựng. Trong đó đưa ra những chính sách, công cụ cụ thể trong việc quản lý CTR; những ưu tiên, đãi ngộ đối với các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường cho toàn tỉnh.
Công tác quản lý CTR của Vĩnh Phúc hiện đang được các cơ quan ban ngành dựa trên một số văn bản sau:
Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 về phí và lệ phí của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban ngày 18/8/2001. Pháp lệnh quy định những nguyên tắc xác định phí và lệ phí, chế độ thu, quản lý và sử dụng phí và lệ phí, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về quản lý phí và lệ phí. Hội đồng nhân dân tỉnh hay UBND tỉnh căn cứ vào pháp lệnh này để ban hành quy định cho địa phương.
Nghị định số 57/2002/NĐ-CP do Chính phủ ban hành hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện Pháp lệnh về phí và lệ phí. Trong đó chỉ rõ nguyên tắc xác định và chế độ thu phí và lệ phí, thanh toán và quản lý và sử dụng phí và lệ phí, nguyên tắc tài chính và kế toán.
Nghị định số 106/2003/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thu phí và lệ phí. Nghị định này quy định những nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thu phí và lệ phí, hình thức và mức độ phạt, phát hiện và giải quyết vi phạm.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 2921/QĐ-UBND ngày 03/9/2009 về việc ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, kèm theo Quyết định là Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày 17/9/2009, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 3110/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo vệ Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc.
UBND tỉnh đã ra Quyết định số 14 ngày 24-5-2012 quy định thực hiện cơ chế hỗ trợ bảo vệ môi trường nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012- 2015. Quyết định đưa ra các cơ chế hỗ trợ để bảo vệ môi trường nông thôn trong đó có cơ chế hỗ trợ về thu gom, xử lý rác thải. Đối tượng được nhận hỗ trợ này là các các HTX hoặc Tổ dịch vụ vệ sinh môi trường thuộc các xã nông thôn, với mức hỗ trợ bình quân là 200 triệu đồng/xã/năm đã khuyến khích hoạt động của các tác nhân thu gom xử lý rác thải tại các vùng nông thôn, trong đó có một số HTX môi trường môi trường mới được thành lập.
Quyết định số 3019/QĐ – CT ngày 25/10/2013, Quyết định 3040/QĐ – CT ngày 28/102013 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đầu tư kinh phí lắp đặt 18 lò đốt rác thải nông thôn (lò đốt khí tự nhiên NFI – 05, công nghệ Nhật Bản) cho 9 huyện, thành, thị trong tỉnh với tổng mức đầu tư là 59,2 tỷ đồng bằng nguồn vốn khoa học công nghệ và kinh phí sự nghiệp môi trường (thời gian thực hiện năm 2014 – 2015).
Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/04/2007 của Chính phủ quy định về những vấn đề trong quản lý CTR như: Quy hoạch và đầu tư quản lý CTR; phân loại CTR; thu gom, vận chuyển, lưu trữ và xử lý CTR,…
Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 về phí bảo vệ môi trường đối với CTR.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020.
b. Ý thức của người dân
Khi điều tra ở khu vực Trung Nguyên tôi thấy người dân ở đây nhận thức được môi trường trong khu vực ngày càng bị ô nhiễm, thực trạng rác thải chưa được thu gom và thu gom không triệt để đang tạo ra sự ô nhiễm và ảnh hưởng tới sức khỏe của họ. Người dân mong muốn có được một môi trường sạch hơn.
Khi đặt giả định phải đóng góp một quỹ để thực thi công việc trên thì có những phản hồi khác nhau. Trong 60 hộ được điều tra: 38 hộ đồng ý với nộp phí cho quỹ, 22 hộ không đồng ý nộp phí cho quỹ này với những lý do khác nhau.
• Với hộ đồng ý đóng góp cho quỹ quản lý rác thải ở xã
- Lý do sẵn lòng chi trả phí cho hoạt động quản lý rác thải ở xã
Qua điều tra phỏng vấn 60 hộ có 38 hộ đồng ý nộp quỹ môi trường. Các hộ được điều tra đều đồng ý nộp phí mức phí dao động từ 5000 đồng đến 20000 đồng. Trong đó 25 hộ chiếm 65,79% số hộ được hỏi đồng ý với mức phí dưới 10.000 đồng mức phí này tương đương với mức phí đóng ở thời điểm hiện tại. 34,21% số hộ được hỏi còn lại đồng ý với mức đóng trên 10.000 đồng, các hộ này có lượng rác thải nhiều hơn các hộ khác trong khu vực hoặc là những hộ mong muốn có chất lượng DV tốt. Những hộ gia đình đồng ý chi trả được hỏi về mục đích cụ thể mà họ mong muốn có được từ việc thu gom quỹ mà họ tự nguyện đóng góp được thể hiện qua bảng sau:
Bảng 4.12 Các mục đích của quỹ giả định cho hoạt động quản lý thu gom và xử lý rác thải tại xã
Mục đích cụ thể Số hộ Tỷ lệ (%)
Thành lập đội thu gom và xử lý rác thải 23 60,53
Xây dựng khu xử lý rác thải 7 18,42
Hưởng không khí trong lành 5 13,16
Làm đẹp cảnh quan 3 7,89
Tổng 38 100
(Nguồn: Tổng hợp từ phiếu điều tra, 2014)
Qua bảng 4.12 cho thấy trong tổng số 38 hộ đồng ý chi trả có 23 hộ chiếm 60,53% muốn đóng góp tiền để thành lập đội vệ sinh thu gom và xử lý rác thải. Số hộ được phỏng vấn muốn dùng số tiền này để xây dựng khu xử lý rác thải, đầu tư cơ sở vật chất tạo điều kiện cho việc thu gom rác được dễ dàng, như đặt các thùng rác tại các đường làng và khu phố để họ được hưởng không khí trong lành, cảnh quan của khu vực được đẹp hơn. Khối cơ quan cũng muốn đóng góp tiền để có thể thành lập đội vệ sinh môi trường giải quyết tốt
lượng rác thải trên địa bàn hiện nay. Như vậy từ những lý do được đưa ra cho thấy nhân dân khu vực Trung Nguyên cũng đã quan tâm đến vấn đề rác thải, họ mong muốn được sống trong một môi trường trong lành, sạch sẽ.