Quá trình phát triển của văn bia Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu văn bia huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá (Trang 49 - 50)

TIỂU KẾT CHƯƠN G

2.1.1.Quá trình phát triển của văn bia Việt Nam

Ở Việt Nam, việc dựng bia đá đã trở thành một lệ khá phổ biến. Do ưu thế về số lượng, văn bia Việt Nam thường được giới hạn bởi văn bia chữ Hán và chữ Nôm, tuy nhiên trong đó còn bao hàm cả văn bia chữ Tày, chữ Thái, chữ Chăm,..

Cho đến nay, tấm bia được nhiều nhà nghiên cứu công nhận có niên đại sớm nhất ở Việt Nam là Đại Tuỳ Cửu Chân quận Bảo An đạo

tràng chi bi văn 大 隨 九 真 郡 寶 安 道 場 之 碑 文, niên hiệu Đại

Nghiệp thứ 14 (618), thuộc địa phận xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Hiện bia được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Tiếp sau tấm bia này phải kể đến những cột đá khắc kinh phật ở Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) thời nhà Đinh (968-979). Trong đó, tiêu biểu phải kể đến là cột kinh Phật đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni 佛 鼎 尊 勝 陀 那 尼 ở Hoa Lư.

Từ thời Lý - Trần trở đi, lệ dựng bia đã được phổ biến. Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta mới chỉ tìm được 27 tấm bia thời Lý và 44 tấm bia thời Trần, chắc chắn con số thực tế không dừng lại ở đó. Trải qua nhiều thế kỷ, cùng với sự khắc nghiệt của thiên tai địch hoạ, sự tàn khốc của các cuộc chiến tranh, sự trả thù lẫn nhau của các dòng họ, vương triều và còn cùng với ý thức bảo tồn chưa cao, thì việc mất đi nhiều tư liệu văn bia hiện vật là điều không thể tránh khỏi. Cách chúng ta 200 năm, Lê Quý Đôn cũng đã phải cất lời than tiếc rằng: “… rêu mọc đặc cả, lâu ngày không đọc được rõ ”. Văn bia thời Lê sơ (1428-1527) hiện còn hơn 70 văn bia. Riêng trong khoảng thời gian từ triều Lê Trung Hưng đến triều Nguyễn, số lượng bia hiện còn đến ngày nay là khá lớn, có thể lên tới con số vài chục ngàn mà ở đây chúng tôi chưa có điều kiện thống kê được.

Về mặt không gian, văn bia Việt Nam có mặt từ Bắc vào Nam, mà tập trung với mật độ dày đặc là ở các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều bia cổ hiện đang tồn tại ở vùng này. Ở miền núi phía Bắc, mật độ bia có niên đại sớm ít hơn. Còn đến miền Trung, mật độ văn bia giảm dần theo đà đi về phương Nam. Các tỉnh phía Nam của đất nước không có văn bia sớm (trước 1802). Có thể nói, vùng đồng bằng Bắc Bộ là một cái nôi của văn hoá Đại Việt, nơi tập trung nhiều làng Việt cổ truyền. Do đó, sự phát triển của văn bia Việt Nam có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của văn hoá truyền thống.

Có thể nói, văn bia Việt Nam hình thành cùng với sự ảnh hưởng của văn hoá Hán thời Bắc thuộc. Tuy nhiên, càng về sau, văn bia Việt Nam càng đi theo con đường phát triển riêng và bám rễ vào trong đời sống văn hoá Việt, đồng hành với văn hoá bản địa và ngày một gắn bó mật thiết với đời sống văn hoá ở các làng Việt cổ truyền.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu văn bia huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá (Trang 49 - 50)