Có thể nói, Nguyễn Mộng Tuân là người “viết phú có bản lĩnh,
xứng đáng giữ vị trí quán quân” (1) trong làng phú Việt Nam. Bởi không chỉ số lượng bài phú, mà còn cả ở khả năng đưa phú vào những đề tài thời sự nóng bỏng với một giọng điệu hào hùng, những hình ảnh, thành ngữ đặc sắc có sức sống, đã trở thành điển cố của Văn học Việt Nam,… Ông đã góp phần làm nên một thời thịnh đạt của thể phú Việt Nam.
Văn học Đông Sơn tuy không phát triển đều đặn, liên tục nhưng với sự xuất hiện của các tác gia như Lê Hy, Nguyễn Mộng Tuân,… cũng là những “cột mốc” cho biết sự thay đổi và phát triển của nền văn học, học thuật Đông Sơn nói riêng và cả Thanh Hoá nói chung.
1.3.2. Giáo dục thời phong kiến.
Đông Sơn là vùng đất trung tâm của xứ Thanh với những điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi, người dân Đông Sơn lại có chí hướng không ngừng vươn lên, nên giáo dục ở Đông Sơn được hình thành khá sớm và không ngừng phát triển, trở thành một trong những trung tâm giáo dục và có truyền thống hiếu học nổi tiếng của Thanh Hoá:
Tổ chức trường lớp.
Từ thế kỷ XVII, XVIII trở đi, Nhà nước mới lập các trường học ở các phủ, huyện miền xuôi nhưng không nhiều. Cả huyện Đông Sơn chỉ có một trường huyện, nên phần lớn học sinh đều học ở các trường lớp tư do các ông đồ Nho, các hưu quan mở trường dạy học hoặc do dân các làng xã tự đóng góp xây dựng.
Trường học trong các làng xã ngày xưa gọi là trường, song thực ra chỉ là một lớp, gồm nhiều thế hệ học sinh với nhiều trình độ khác nhau và chỉ có một thày dạy. Tất cả giờ giấc, nội dung học tập và phương pháp giảng dạy đều do thầy quyết định. Trong một năm học thường được nghỉ 3 kỳ, mỗi kỳ 1 tháng vào dịp thu hoạch vụ chiêm, vụ mùa và tết Nguyên Đán.
Chế độ học tập.
Chế độ học tập ngày xưa hầu như chỉ dựa vào các khoa thi làm chuẩn đích, không định thời gian học tập. Chương trình học tập thường tuỳ theo trình độ và khả năng của thầy cũng như sức học của học sinh.
Ở các kỳ thi không chính thức, kỳ bình văn, sát hạch, sau khi thầy giáo điểm duyệt xong bài, định ngày rằm hay mùng một đầu tháng, họp tất cả các trò lại để bình những bài văn hay. Việc này do các viên Huấn đạo, Giáo thụ, Đốc học chủ trì, có mời các nhà khoa bảng ở địa phương đến tham dự. Vài năm huyện tổ chức sát hạch học sinh các “trường làng” một lần, chọn ra học trò đạt một trình độ nào đó vào học“trường huyện” hay “trường phủ”. Đến gần kỳ thi Hương, quan Đốc học ở tỉnh lại tổ chức một cuộc sát hạch nữa ở các phủ, huyện cho tất cả thí sinh để chọn ra người đủ trình độ học vấn nhất định tham dự kỳ thi Hương. Những người được dự kỳ khảo hạch này đều được gọi là “Ông học” hay “khoá sinh” không phân biệt tuổi tác và có thể được làng xã trợ cấp tiền cho việc chuẩn bị dự kỳ thi và đi thi.
Để cổ vũ cho việc học tập, hầu hết các làng xã trong huyện Đông Sơn đều có Văn chỉ, có hội Tư văn, có ruộng khuyến học… và hầu hết các Hương ước của các làng đều có mục quy định về việc học.
Làng Cổ Bôn nay thuộc xã Đông Thanh là một vùng đất học nổi tiếng của Đông Sơn. Làng này hàng năm có “Lễ triều quan” diễn ra vào sáng ngày mùng 2 Tết để tôn vinh, tưởng nhớ các vị khoa bảng đỗ đạt và “Lễ khảo thí” được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch(1) để kiểm tra trình độ học trò. Những ông thầy giạy học của làng được mọi người hết sức trọng vọng và lưu truyền danh tiếng.
Người mở đầu cho nền khoa bảng Đông Sơn là Lê Văn Hưu, quê ở làng Phủ Lý, tổng Vận Quy, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá. Ông thi đỗ Bãng nhãn khoa Đinh Mùi (1427) đời vua Trần Thái Tông khi mới 18 tuổi. Từ đó đến khi nhà Nguyễn bãi bỏ việc thi cử vào năm 1919,