Do ngoại hối có vai trò quan trọng đối với hoạt động thương mại và đầu tư nên những nhà kinh doanh phải hiểu được cách thức yết giá các đồng tiền trên thị trường ngoại hối, còn những nhà quản trị thì phải nắm bắt được những công cụ tài chính có thể được sử dụng để bảo vệ lợi nhuận thu được từ các hoạt động kinh doanh quốc tế.
* Yết giá các đồng tiền: Như đã đề cập ở trên, tỷ giá là giá cả của một đồng tiền được biểu thị thông qua một đồng tiền khác. Cách biểu thị tỷ giá của các đồng tiền được gọi là yết tỷ giá. Có hai đồng tiền tham gia vào yết tỷ giá là đồng tiền yết giá và đồng tiền định giá.
Ví dụ: 1 USD = 19.070 VND hoặc USD/VND = 19.070 Khi đó USD là đồng tiền yết giá và VND là đồng tiền định giá
Xét trên góc độ một quốc gia thì người ta có thể sử dụng 2 phương pháp yết giá, đó là yết giá trực tiếp và yết giá gián tiếp
Yết giá trực tiếp là phương pháp mà giá cả của một đồng ngoại tệ là đồng tiền yết giá và nội tệ là đồng định giá.
Yết giá gián tiếp là phương pháp mà giá cả của của mộtđơn vị nội tệ là đồng yết giá và ngoại tệ là đồng định giá.
Ví dụ: Với Việt Nam thì:
Yết giá trực tiếp 1 USD = 19.070 VND Yết giá gián tiếp 1 VND = 1/19.070 USD
Có thể nhận thấy là khi sử dụng một trong 2 cách yết giá thì có thể dễ dàng tìm được cách yết giá kia theo các công thức:
Yết giá trực tiếp = 1/Yết giá gián tiếp Yết giá gián tiếp = 1/Yết giá trực tiếp
Giới doanh nhân và những người kinh doanh ngoại hối rất quan tâm theo dõi tỷ giá hối đoái, bởi vì sự biến đọng giá trị của các đồng tiền có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến các giao dịch quốc tế.
* Rủi ro tỷ giá hay còn gọi là rủi ro hối đoái là rủi ro gắn liền với những biến động bất lợi của tỷ giá hối đoái. Để có sách lược với rủi ro này, các nhà quản trị phải tính toán được tỷ lệ thay đổi tỷ giá trong một quãng thời gian nhất định.
Nếu gọi Eo là tỷ giá vào đầu giai đoạn và En là tỷ giá vào cuối giai đoạn, khi đó biến động của tỷ giá (giá trị của đồng yết giá) phải được tính bằng công thức:
Tỷ lệ thay đổi (%) = (En – Eo)/ Eo
Ví dụ: Ngày 1/2/2010 tỷ giá của VND so với USD là 1 USD = 18.150 VND Đến ngày 1/4/2010 tỷ giá này là 1 USD = 19.070 VND
Như vậy VND giảm 5,07% so với USD
* Tỷ giá mua vào và bán ra
Các ngân hàng thường đưa ra 3 mức tỷ giá đối với các khách hàng của mình.
+ Tỷ giá mua là tỷ tỷ giá mà theo đó ngân hàng yết giá sẵn sàng mua vào đồng tiền yết giá. Trong đó, các ngân hàng niêm yết tỷ giá mua chuyển khoản và tỷ giá mua tiền mặt.
+ Tỷ giá bán là tỷ giá mà theo đó ngân hàng yết giá sẵn sàng bán ra đồng tiền yết giá
Bảng 5.1 minh họa một ví dụ về tỷ giá mua vào và bán ra của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm 1/4/2010.
Bảng 5.1 Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam
Mã NT Tên ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Bán
AUD AUST.DOLLAR 17,285.51 17,389.85 17,645.93
CAD CANADIAN DOLLAR 18,550.21 18,718.68 18,956.38
CHF SWISS FRANCE 17,911.85 18,038.12 18,303.75
DKK DANISH KRONE - 3,442.51 3,507.20
EUR EURO 25,620.28 25,697.37 26,023.69
GBP BRITISH POUND 28,690.45 28,892.70 29,259.59
HKD HONGKONG DOLLAR 2,426.88 2,443.99 2,475.02
INR INDIAN RUPEE - 416.39 434.53
JPY JAPANESE YEN 200.84 202.87 205.86
KRW SOUTH KOREAN WON - 15.36 18.83
KWD KUWAITI DINAR - 65,536.93 67,036.21
MYR MALAYSIAN RINGGIT - 5,814.86 5,924.14
NOK NORWEGIAN KRONER - 3,192.70 3,252.70
RUB RUSSIAN RUBLE - 589.77 722.72
SEK SWEDISH KRONA - 2,629.67 2,679.09
SGD SINGAPORE DOLLAR 13,485.75 13,580.82 13,753.28
THB THAI BAHT 578.47 578.47 603.66
USD US DOLLAR 19,070.00 19,070.00 19,100.0
Nguồn: Vietcombank 1/4/2010 * Tỷ giá giao ngay và thị trường giao ngay
Tỷ giá hối đoái sử dụng trong các giao dịch, theo đó các đồng tiền được chuyển giao cho các bên mua bán trong phạm vi hai ngày làm việc trên thị trường được gọi là tỷ giá giao ngay
(spot rate). Các giao dịch mua bán ngoại hối trên cơ sở tỷ giá giao ngay được thực hiện trên thị trường giao ngay (spot market). Việc mua bán hai đồng tiền được thực hiện trên các tài khoản khác nhau tại ngân hàng. Cả hai đồng tiền đều ở dạng tiền gửi ngân hàng và được chuyển từ tài khoản của người bán sang tài khoản của người mua thông qua lệnh chuyển tiền.
* Tỷ giá kỳ hạn và thị trường kỳ hạn
Tỷ giá kỳ hạn (forward rate hoặc future rate) là tỷ giá hối đoái theo đó hai bên tham gia giao dịch thỏa thuận trao đổi các đồng tiền với nhau vào một thời điểm xác định trong tương lai.
Thị trường kỳ hạn (forward market) là thị trường, nơi diễn ra các giao dịch dựa trên tỷ giá kỳ hạn
* Các hợp đồng hoán đổi, quyền chọn và giao sau
Cùng với các hợp đồng kỳ hạn còn có 3 công cụ hối đoái được sử dụng trên thị trường kỳ hạn là hợp đồng hoán đổi, quyền chọn và giao sau. Đây là công cụ tài chính đặc biệt có tên gọi là
công cụ phái sinh – là những công cụ bắt nguồn từ các công cụ tài chính khác
Hoán đổi tiền tệ (curency swap) là việc mua và bán đồng thời một đồng tiền vào hai thời điểm khác nhau. Dạng hoán đổi phổ biến nhất là hoán đổi giao ngay-kỳ hạn – hợp đồng mua bán cùng một số lượng nhất định đồng tiền nào đó, trong đó có một giao dịch được thực hiện trên cơ sở giao ngay còn giao dịch kia trên cơ sở kỳ hạn.
Quyền chọn tiền tệ (curency option) là quyền mua hoặc bán một đồng tiền nào đó tại tỷ giá cố định đã thỏa thuận trước trong một khoảng thời gian nhất định.
Khác với hợp đồng kỳ hạn – là hợp đồng khi đến hạn thì các bên tham gia phải chấp nhận và thực hiện thanh toán còn đối với hợp đồng quyền chọn thì không nhất thiết phải thực hiện khi đáo hạn.
Hợp đồng quyền chọn bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán.
Hợp đồng giao sau (future contract) cũng giống như hợp đồng kỳ hạn là hợp đồng mua bán một lượng tiền tệ nhất định tại một thời điểm xác định trong tương lai với tỷ giá được ấn định vào thời điểm ký kết hợp đồng.