a. Các chỉ tiêu đo lường trình độ phát triển kinh tế của các quốc gia
- GNP (tổng sản phẩm quốc dân) là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ do một quốc tạo ra trong thời kỳ 1 năm.
- GDP (tổng sản phẩm quốc nội): Là giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong phạm vi lãnh thổ của 1 quốc gia trong thời kỳ 1 năm.
- Thu nhập bình quân trên đầu người: GDP/người, GNP/người
- Ngang giá sức mua (PPP): Sức mua là giá trị hàng hóa và dịch vụ có thể mua được bằng một đơn vị đồng nội tệ. Ngang giá sức mua phản ánh khả năng tương quan giữa các đồng tiền của hai quốc gia trong việc mua cùng một rổ hàng hóa tại chính hai nước này.
- Chỉ số phát triển con người (HDI): Chủ yếu dựa trên 3 tiêu chí là tuổi thọ, giáo dục và thu nhập. Chỉ tiêu này không nhấn mạnh vào vấn đề tài chính mà nhấn mạnh vào khía cạnh con người của phát triển kinh tế.
b. Phân loại các quốc gia theo cấp độ phát triển
Thông thường các quốc gia được phân thành ba loại: Các quốc gia phát triển, các quốc gia đang phát triển và những nước công nghiệp mới. Sự phân loại này dựa trên một số chỉ tiêu như GNP/người, tỷ lệ dân cư làm nông nghiệp, tỷ trọng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu trong tổng sản phẩm xuất khẩu, cơ cấu kinh tế, v.v. Tuy nhiên, không có một ranh giới rõ ràng trong việc phân loại các quốc gia.
2.4. MÔI TRƯỜNG CẠNH TRANH
Mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành kinh doanh hoạt động trong môi trường và điều kiện cạnh tranh không giống nhau và môi trường này luôn thay đổi khi chuyển từ nước này sang nước khác. Khi hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, một số doanh nghiệp có khả năng nằm bắt nhanh cơ hội và biến thời cơ thuận lợi thành thắng lợi. Tuy nhiên cũng có không ít doanh nghiệp luôn gặp phải những khó khăn và rủi ro cao vì phải đương đầu với những công ty quốc tế có nhiều lợi thế và tiềm năng hơn.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các doanh nghiệp buộc phải đương đầu với nhiều đối thủ cạnh tranh mới. Theo Michael Porter, doanh nghiệp cần quan tâm tới 5 sức mạnh bên ngoài. Điều này được mô tả cụ thể thông qua các tiểu mục dưới đây.