Các rào cản đối với thương mại quốc tế

Một phần của tài liệu Bài giảng kinh doanh quốc tế pot (Trang 71 - 75)

a. Lý do thiết lập rào cản

Một trong những lý do phổ biến nhất cho việc thiết lập những rào cản thương mại quốc tế chính là việc khuyến khích sản xuất nội địa, đây là chiến lược được nhiều nước Nam Mỹ thực hiện. Một lý do khác chính là khuyến khích xuất khẩu và giúp cho các nhà sản xuất trong nước chiếm lĩnh thị trường thế giới bằng cách áp dụng những hình thức như hoãn thuế, cung cấp những khoản tín dụng lãi suất thấp cho các công ty nội địa. Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á thường áp dụng chiến lược này. Nhìn chung những mục tiêu phổ biến của việc thiết lập các rào cản thương mại quốc tế thường là:

(1) Bảo vệ công ăn việc làm cho lao động trong nước khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài (2) Khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế cho nhập khẩu

(3) Bảo vệ những ngành công nghiệp non trẻ

(4) Giảm bớt sự lệ thuộc vào những nhà cung ứng nước ngoài

(5) Khuyến khích đầu tư của nhà đầu tư bản xứ và đầu tư trực tiếp của nước ngoài (6) Giảm bớt sự thâm thụt trong cán cân thanh toán

(7) Khuyến khích hoạ động xuất khẩu

(8) Ngăn chặn các công ty nước ngoài bán phá giá

(9) Thực hiện các mục tiêu chính trị chẳng hạn từ chối thương mại quốc tế với các quốc gia thi hành chủ nghĩa phân biệt chủng tộc

b. Các rào cản thương mại quốc tế thông thường

* Rào cản thuế quan

Nhằm hạn chế hàng hóa nước ngòai xâm nhập vào quốc gia của mình, chính phủ của nước đó thường dùng rào cản thuế quan để bảo hộ cho hàng hóa sản xuất trong nước. Thông thường các quốc gia thường áp dụng hai loại thuế quan: thuế quan tuyệt đối và thuế quan tương đối. Theo hình thức thuế quan tuyệt đối nhà nước sẽ xác định một mức thuế tuyệt đối cho mỗi đơn vị hàng hóa nhập khẩu; ngược lại với hình thức thuế quan tương đối, nhà nước sẽ xác định một thuế suất tính trên giá hàng hóa nhập khẩu.

Nghiên cứu tác động của việc bảo hộ thương mại quốc tế bằng thuế quan, người ta thấy rằng nhờ vào việc đánh thuế giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên cao hơn, do đó các nhà sản xuất trong nước có thể gia tăng được sản lượng ở mức giá đó so với trường hợp tự do thương mại, nhà nước sẽ có một nguồn thu dưới hình thức doanh thu thuế nhập khẩu, tuy nhiên người tiêu dùng giờ đây bị mất mát phúc lợi vì họ phải trả một giá cao hơn cho hàng hóa tiêu dùng so với trường hợp tự do thương mại.

* Rào cản phi thuế quan  Hạn ngạch nhập khẩu

Hạn ngạch nhập khẩu là một hình thức giới hạn về số lượng hàng hóa được nhập khẩu vào một quốc gia. Theo hình thức này, Nhà nước sẽ định ra một sản lượng tối đa được phép nhập khẩu vào nước mình. Nếu hạn ngạch được ấn định bằng không, như trường hợp của xì gà Cuba khi nhập vào Hoa Kỳ, thì người ta sẽ gọi trường hợp đó là cấm vận thương mại. Trong một số trường hợp quotas được thiết lập theo một tỷ lệ phần trăm so với thị phần. Ví dụ Nhà nước Canada cho phép các ngân hàng nước ngoài chiếm giữ không quá 16 % khoản ký gởi trong ngân hàng Canada; và Cộng đồng kinh tế Châu Âu giơí hạn lượng nhập khẩu xe hơi từ Nhật Bản là 10% thị phần của EC.

Tác động của hạn ngạch có thể được xem như tương tự với trường hợp rào cản thuế quan: nó cũng đẩy giá cả hàng hóa lên cao do sự khống chế về mặt sản lượng nhằm hạn chế nguồn cung. Tuy nhiên, nó phát huy tính chất rào cản mạnh hơn so với thuế quan. Thật vậy, nhà xuất khẩu nước ngoài có thể vượt qua rào cản thuế quan bằng giải pháp tín dụng thương mại, qua đó đẩy mạnh lượng hàng hóa nhập khẩu vào một quốc gia cao hơn so với mức khống chế của nhà nước bằng công cụ thuế quan; nhưng trong trường hợp hạn ngạch thì họ không thể làm được điều này, do đó công cụ hạn ngạch phát huy tác dụng rào cản hữu hiệu hơn thuế quan.

 Tự nguyện hạn chế xuất khẩu

Theo hình thức này một quốc gia đang bị thâm thụt trong cán cân thương mại quốc tế sẽ đề nghị quốc gia đang có thặng dư trong cán cân thương mại song phương với nó chủ động cắt giảm lượng xuất khẩu. Bằng cách này quốc gia đó có thể khôi phục lại sự mất cân đối trong cán cân thương mại quốc tế. Lẽ đương nhiên để có thể thực hiện điều này, quốc gia bị thâm thụt trong cán cân thương mại quốc tế phải gây những áp lực lên quốc gia đang có thặng dư; các áp lực này có thể là sự đe dọa sẽ gia tăng rào cản thuế quan hay hạn ngạch lên hàng hoá xuất khẩu từ quốc gia đang có thặng dư. Hình thức này thường được Hoa Kỳ sử dụng trong mối quan hệ thương mại với Nhật Bản, cụ thể là việc thúc ép Nhật Bản phải cắt giảm lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong giai đoạn 1981-1985.

 Các rào cản về hành chính

Các rào cản phi thuế quan dạng này thường là các quy định, luật lệ, các thủ tục hành chính được đề ra nhằm ngăn cản, hạn chế quá trình mua hàng của nước ngoài. Một số ví dụ của những rào cản này như: (i) Việc trì hoãn quá trình nhập khẩu bằng cách thiết lập một quy trình nhập khẩu khắt khe; (ii) Thiết lập những tiêu chuẩn chất lượng riêng nhằm loại trừ những nhà sản xuất nước ngoài bán hàng vào quốc gia đó; (iii) Thực hiện chính sách mua hàng nội địa. Thực chất của những rào cản này là việc hạn chế nhập khẩu và bảo vệ sản xuất nội địa.

 Các giới hạn về tài chính

Có rất nhiều hình thức giới hạn về tài chính. Một trong những hình thức đo là việc kiểm soát ngoại hối nhằm giới hạn sự dịch chuyển của dòng ngoại tệ. Ví dụ như nhiều nước Châu Mỹ la tinh cho phép các nhà xuất khẩu đổi USD lấy nội tệ và ngược lại, nhưng họ lại giới hạn các nhà nhập khẩu mua USD để nhập khẩu hàng hoá. Một hình thức giới hạn tài chính khác đó là họ sẽ kiểm soát luợng ngoại tệ được mang ra khỏi quốc gia. Một hình thức nữa đó là họ sẽ thiết lập tỷ giá hối đoái cố định rất thuận lợi cho nội tệ. Ví dụ một USD có thể đổi lấy một lượng nội tệ theo tỷ lệ 1:1, trong khi đó nếu không có chính sách kiểm soát ngoại hối tỷ lệ trao đổi sẽ là 1:4. Tuy nhiên điều này sẽ dẫn đến việc hình thành thị trường chợ đen và loại rào cản này thường bị phê phán bởi Quỹ Tiền Tệ quốc tế

 Trợ cấp cho nhà sản xuất trong nước

Theo hình thức này, chính phủ sẽ tiến hành trợ cấp cho những nhà sản xuất các lọai hàng hóa thay thế nhập khẩu ở trong nước. Việc trợ cấp có thể là trợ cấp trực tiếp cho các nhà sản xuất

ở những ngành nghề được bảo hộ hay thông qua việc cung cấp các dịch vụ công cộng thiết yếu cho các nhà sản xuất này với một giá rẻ. Một ví dụ tiêu biểu cho hình thức này đó là việc trợ cấp cho ngành nông nghiệp tại thị trường của Cộng đồng chung Châu Au (EC), tuy nhiên việc trợ cấp này đã bị chính phủ Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ, và Hoa Kỳ đã gây áp lực để buộc EC phải xóa bỏ trợ cấp này trong thập niên 1990.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Đầu tư quốc tế và các nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư quốc tế. 2. Trình bày một số lý thuyết về đầu tư trực tiếp nước ngoài? 3. Giải thích sự can thiệp của chính phủ đối với FDI?

4. Thương mại quốc tế là gì? Nó mang lại những lợi ích gì cho các quốc gia? 5. Trình bày các lý thuyết về thương mại quốc tế? Nêu hạn chế của chúng?

6. Lý do mà các quốc gia thực hiện rào cản thương mại quốc tế là gì? Các rào cản thương mại quốc tế thông thường?

Chương 5

THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH QUỐC TẾ

Hệ thống tài chính - tiền tệ quốc tế là một bộ phận quan trọng trong kinh doanh quốc tế. Mục đích của chương này là giải thích hoạt động của hệ thống này và tác động của nó tới các giao dịch kinh doanh quốc tế. Phần đầu của chương giới thiệu những vấn đề chung về thị trường tài chính, tiếp theo là giúp học viên hiểu rõ hơn về hai bộ phận cấu thành quan trọng của thị trường tài chính là thị trường vốn quốc tế và thị trường tiền tệ quốc tế. Phần thứ tư là phân tích tác động của tỷ giá hối đoái tới hoạt động kinh doanh, những yếu tố chủ yếu quy định tỷ giá hối đoái và dự báo tỷ giá hối đoái. Cuối cùng là phần trình bày khái quát về hoạt động của các hệ thống tiền tệ quốc tế.

Một phần của tài liệu Bài giảng kinh doanh quốc tế pot (Trang 71 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(161 trang)
w