Vốn là nhân tố cơ bản cần có của bất kỳ doanh nghiệp nào khi bước vào con đường kinh doanh, hầu như không có doanh nghiệp nào dù đã hoạt động hay mới thành lập mà không cần tới vốn. Tuy nhiên, hiện nay các DNVVN thiếu vốn để sản xuất và mở rộng sản xuất kinh doanh là hiện tượng phổ biến và nghiêm trọng. Vì vậy, tính khả thi của những định hướng chiến lược mở rộng sản xuất, nâng cấp quy trình công nghệ bị hạn chế vì vấn đề thiếu vốn và thậm chí một số doanh nghiệp
chưa tính đến các phương án để có vốn nhằm xây dựng một chiến lược kinh doanh mang tính lâu dài.
Nhân tố lao động, Con người là vốn quý, là nguồn nhân lực cơ bản nhất và là mục tiêu lâu dài của sự phát triển. Trong môi trường kinh doanh, cạnh tranh chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố, nhưng nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản, quyết định nhất. Chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng đối với cơ cấu sản xuất, khả năng cạnh tranh, hoạt động khoa học - công nghệ, quản lý và đầu tư…quyết định đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trước đây, thường đánh giá nguồn nhân lực của Việt Nam rất dồi dào, năng động sáng tạo, cần cù thông minh, chi phí nhân công lại rẻ là những lợi thế cạnh tranh. Nhưng ngày nay, yếu tố này không hẳn là ưu thế cho sự phát triển nữa, bởi yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực đã đổi khác. Theo đà phát triển của xã hội thì lao động cơ bắp trong các ngành sản xuất vật chất đã giảm xuống, còn lao động trí óc trong các ngành kinh doanh dịch vụ đang tăng dần. Một minh chứng rõ ràng là: các doanh nghiệp của Nhật Bản đã rất thành công trên thương trường quốc tế chính là nhờ vào chất lượng nguồn nhân lực.
Nhân tố khoa học – công nghệ, khoa học – công nghệ được hiểu là: trang thiết bị máy móc, kỹ năng và kinh nghiệm lao động, bí quyết sản xuất và cả trình độ quản lý…Hiện nay, khoa học công nghệ được coi là một thành tố chiếm tỷ trọng tương đối lớn để đo lường chất lượng sản phẩm. Sự lạc hậu của công nghệ và kỹ thuật sẽ gây khó khăn lớn cho việc xây dựng hình ảnh của sản phẩm trong nhận thức tiêu dùng của khách hàng, trong việc khắc họa một số đặc tính nổi trội của sản phẩm, ngoài ra còn làm tăng chi phí hao tổn trong quá trình sản suất kinh doanh, hạn chế khả năng cạnh tranh bằng giá, trong khi giá thường được coi là yếu tố chủ yếu tạo ra năng lực cạnh tranh của các DNVVN tại các nước đang phát triển. cần phải hiểu công nghệ ở các doanh nghiệp là công nghệ quản lý, công nghệ tiếp thị, công nghệ bán hàng và công nghệ sản xuất. [17]