Đối với nội dung thẩm định khách hàng vay vốn
Việc thu thập và đánh giá các thông tin về khách hàng vay vốn là một việc khá phức tạp, vì không phải lúc nào tình hình tài chính của các doanh nghiệp khách hàng cũng được công khai. Vì vậy, trước hết ngân hàng cần yêu cầu các báo cáo tài chính của doanh nghiệp đưa lên trình ngân hàng phải đã qua kiểm toán. Ngoài ra, ngân hàng nên tăng cường thiết lập mối quan hệ với các cơ quan chức năng nhằm có những đánh giá đầy đủ và chính xác hơn đối với doanh nghiệp.
Và để đưa ra được những kết luận chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp, ngân hàng (cụ thể là phòng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ) nên áp dụng các phương pháp khác nhau trong phân tích tài chính doanh nghiệp như: phương pháp đối chiếu logic, phương pháp phân tích tỷ lệ…vì hiện nay số lượng các chỉ tiêu dùng để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp chưa nhiều.
Đối với nội dung thẩm định phương diện kỹ thuật
Đây là khía cạnh mà cán bộ thẩm định cần quan tâm đến nhiều vì đây là khía cạnh rất phức tạp và họ khó có thể làm tốt được việc này, bởi lẽ chi nhánh chưa có nhiều cán bộ vừa có chuyên môn về nghiệp vụ lẫn kỹ thuật, phần lớn họ đều tốt nghiệp từ các trương thuộc khối kinh tế. Mặt khác, các chie tiêu của Chính phủ, của Bộ ngành liên quan chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tình hình hiện tại của nền kinh tế, và ngân hàng cũng chưa có một hệ thống chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật phục vụ cho công tác thẩm định dự án. Vì vậy để có thể trợ giúp cho cán bộ thẩm định đánh giá kỹ thuật, ngân hàng cần nghiên cứa và ban hành những chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể (các tiêu chuẩn về máy móc, thiết bị, công nghệ được sử dụng trong dự án) tư đó đẻ làm cơ sở cho cán bộ thẩm định tham chiếu.
Trong những truờng hợp dự án quá phức tạp về mặt kỹ thuật, để đảm bảo cho ngân hàng thì ngân hàng nên thuê các chuyên gia có chuyên môn phù hợp thẩm định nội dung này nhăm rút ngắn được thời gian thẩm định.
Đối với nội dung phân tích thị trường
Cán bộ thẩm định cần phân tích một cách đầy dủ và sâu hơn về phương diện thị trường của dự án, về những đánh giá tình hình cung cầu thị trường, về khả năng
tiêu thụ của sản phẩm cần được tính toán và định lượng một cách cụ thể chứ không đánh giá một cách chung chung theo cảm tính. Ngoài ra, ngân hàng cần áp dụng một số phương pháp hiện đại trong phân tích và dự báo cung cầu sản phẩm như: phương pháp định mức, phương pháp hệ số co giãn hay phương pháp ngoại suy thống kê. Tuỳ thuộc vào lượng thông tin mà cán bộ thẩm định thu thập được mà cán bộ thẩm định sẽ lựa chọn được phương pháp phân tích cho phù hợp hoặc là kết hợp nhiều phương pháp nhằm làm tăng tính chính xác cho kết quả dự báo.
Bên cạnh đó, cán bộ thẩm định phải quan tâm đến các yếu tố khách quan bên ngoài như khả năng thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, những thay đổi trong chính sách vĩ mô của nhà nước hay của nước xuất khẩu vì những nhân tố có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến yếu tố đầu ra của dự án.
Đối với nội dung thẩm định phương diên tài chính
Thứ nhất, khi thẩm định tổng mức vốn đầu tư, ngân hàng cần có quy định cụ
thể về các nội dung trong tổng vốn đầu của dự án: vốn cố định, vốn lưu động, vốn dự phòng, vốn bù đắp chi phí, vốn tự có, vốn đi vay… vì theo kinh nghiệm của nhiều cán bộ thẩm định thì tổng vốn đầu tư của dự án khi trình lên ngân hàng thường thấp hơn thực tế. Cụ thể là vì, khi đi vào hoạt động có thể phát sinh nhiều hạng mục chi phí mới hoặc do chủ đầu tư cố tình làm giảm tổng vốn đầu tư để xin vay vốn.
Đồng thời, nếu dự án được tài trợ từ các nguồn vốn khác nhau thì cán bộ thẩm định cần kiểm tra kỹ tính xác thực của từng nguồn vốn, đặc biệt là các cam kết bỏ vốn của các cơ quan tài trợ về mặt số lượng và tiến độ, tránh để xảy ra tình trạng thiếu vốn dẫn đến nguy cơ làm chậm tiến độ thi công của công trình dự án.
Thứ hai, khi tiến hành thẩm định các yếu tố chi phí sản xuất của dự án, ngân hàng cần có sự tham khảo các quy trình của Bộ Tài chính, của cơ quan chủ quản doanh nghiệp, chi phí của các sản phẩm tương tự trên thị trường, không được phép chấp nhận hay mặc nhiên theo sự tính toán của chủ đầu tư. Nếu dự án là dự án mở rộng hoặc mới của doanh nghiệp đã hoạt động trong ngành đó, cán bộ có thể lấy các chỉ đó làm cơ sở, nếu là dự án hoàn toàn mới thì các chỉ tiêu đó cũng là những tham khảo tốt.
Còn đối với chi phí khấu hao, ngân hàng cần kiểm tra đối chiếu với các văn bản quản lý kinh tế mới nhất của Nhà nước nhằm đảm bảo tính hợp pháp trong tính toán. Ngoài ra, ngân hàng cần xem xét mức khấu hao cho phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động của dự án, từng loại hình doanh nghiệp, tránh tình trạng các doanh nghiệp
áp dụng mức khấu hao nhanh để giảm nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Ngân hàng phải đặt chi phí này trong mối quan hệ với khả năng tiêu thụ của sản phẩm, với tính khả thi của dự án vì khấu hao là một nguồn trả nợ cho ngân hàng, và nó sẽ là con số vô nghĩa nếu dự án không khả thi, sản phẩm không tiêu thụ được.
Thứ ba, Cán bộ thẩm định cần đặc biệt chú ý đến các khoản thu hồi khi xác
định dòng tiền của dự án, cụ thể là các khoản hoàn trả vốn lưu động và thu hồi các giá trị thanh lý khi dự án kết thúc hoạt động. Vì khi kết thúc dự án thì các máy móc thiết bị nhà xưởng còn một giá trị nhất định, khi thanh lý chúng sẽ xuất hiện dòng thu. Nhưng trong dự án xây dựng kho chứa nguyên vật liệu sản xuất thức ăn gia súc, cán bộ thẩm định không đưa phần giá trị thanh lý vào dong thu cuối cùng của dự án. Mặc dù, dự án có hiệu quả khi không có các khoản thu này nhưng việc tính toán các tính toán các dòng thu thiếu cơ sở khoa học.
Thứ tư, Các chỉ tiêu NPV, IRR là các chỉ tiêu thường gặp trong các dự án đầu
tư của ngân hàng, nhưng khi sử dụng chúng phải quan tâm đến giá trị thời gian của tiền, nếu không nó sẽ không phản ánh đầy đủ ý nghĩa. Bên cạnh các chỉ tiêu đó, ngân hàng nên đưa ra các chỉ tiêu tính toán khác như chỉ tiêu điểm hoà vốn, lợi ích – chi phí.
Thứ năm, ngân hàng cần đưa ra một phương pháp tính tỷ suất chiết khấu thích
hợp. Vì việc lựa chọn tỷ suất chiết khấu thích hợp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc quyết đinh tài trợ vốn của ngân hàng. Một dự áncó thể được tài trợ vốn từ nhiều nguồn khác nhau, ở những thời điểm khác nhau và với mức lãi suất khác nhau, vì vậy, tỷ suất chiết khấu phải phản ánh được tổng chi phí cơ hội của tất cả các nguồn vốn đó.
Đối với việc xác định thời hạn trả nợ, phương thức trả nợ
Cách xác định thời hạn trả nợ, cách thức thu nợ cả gốc và lãi phải phù hợp với năng lực sản xuất của khách hàng và tiến độ thực hiện của dự án. Ngân hàng không nên chia đều khoản thu gốc cho các kỳ luỹ thoái mà nên căn cứ vào dòng tiền của dự án đồng thời tiến hành thu nợ gốc tăng dần theo thời gian, vì vậy sẽ phù hợp với quá trình vận hành kết quả đầu tư. Việc thu lãi cần được tính toán sao cho phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tránh các tình trạng doanh nghiệp phải vay vốn ngắn hạn để trả lãi ngân hàng.
Đối với nội dung phân tích độ an toàn của dự án thông qua phân tích rủi ro. Nội dung này hiện nay đã được NHCT Ba Đình đề cập đến song đấy mới chỉ là những rủi ro dự kiến và phương án khắc phục dưới dạng lý thuyết mà chưa đưa phương pháp phân tích rủi ro vào. Phương pháp náy có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác thẩm định dự án đầu tư, vì nó giúp cho cán bộ thẩm định có cái nhìn tổng quan hơn, đầy đủ hơn và đặt dự án vào trong một sự vận động thực tế của nó, từ đó có thể giúp ngân hàng giảm thiểu được những tổn thất có thể dự báo trước.Vì vây, ngân hàng cần áp dụng phương pháp phân tích độ nhạy hay phương pháp phân tích theo kịch bản nhiều hơn nữa.