II. VỐN TÍN DỤNG TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỘ.
1. Sự cần thiết của tín dụng đối với hầu hết các hộ ở nông thôn.
Nguyên nhân thường xảy ra thất bại thị trường là sự hạn chế tiếp cận tín dụng cho vốn lưu động. Những vấn đề các hộ thường gặp phải bao gồm tính mùa vụ trong sản xuất mà ở đó chi phí cần phải thực hiện trước so với thời điểm bắt đầu có thu nhập và cần phải có khả năng cân đối nguồn vốn chu kỳ sản xuất theo mùa hay theo năm. Do tín dụng là đầu vào quan trọng nên sự hạn chế tiếp cận tín dụng có ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, trong đó chi phí cần phải được giới hạn theo mức vốn hiện có chứ không phải theo khả năng sản xuất. Trong thực tế mức giá mà hộ gia đình nhận được hoặc chi trả(cho cả đầu vào và đầu ra của sản xuất) có xu hướng tăng lên do sự hạn chế tín dụng. Vì thế giá trị của thu nhập và các khoản chi phí cho phân bón và các đầu vào khác đều tăng lên do tình trạng hạn chế tín dụng. Sự hạn chế này khiến các hộ ở nông thôn khó có thể có những phương án sử dụng các nguồn lực hiện có một cách tốt nhất.
Tín dụng nông nghiệp được sử dụng để đầu tư cho sản xuất và để duy trì mức sống trong thời kỳ trước khi có thu hoạch, đặc biệt ở các nước nghèo. Thêm vào đó
các hộ nông dân đều đánh giá “tín dụng như một sự đảm bảo trong thời kỳ khó khăn với những rủi ro của sản xuất”. Suy nghĩ này khiến các hộ ở nông thôn sợ không trả được nợ và sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận tín dụng trong tương lai. Các giao dịch tín dụng theo mùa vụ rất phổ biến ở các nền kinh tế nông nghiệp như Việt Nam và những quan hệ thể chế(nơi mà các giao dịch tín dụng diễn ra) luôn thay đổi và phức tạp. Hơn nữa, trong đa số các nền kinh tế này mức độ thông tin bất đối xứng giữa người vay và người cho vay khiến cho sự tự do hóa thị trường tín dụng trở nên đặc biệt khó khăn.
Tín dụng rất cần đối với các hộ nông nghiệp nhỏ ở nông thôn so với các nghề khác bởi vì khoảng thời gian giữa lúc sử dụng đầu vào và mùa thu hoạch dài. Điều đó liên quan đến cả kinh phí mua đầu vào(giống, thuê làm đất...) lẫn lao động. Đối với các hộ nhỏ yêu cầu vốn lưu động đó rất khó có thể tìm thấy từ nguồn tiết kiệm và cần phải tiếp cận nguồn tín dụng ngắn hạn. Thêm vào đó, tín dụng dùng làm vốn lưu động, tín dụng thúc đẩy đầu tư và làm công cụ để cân bằng tiêu dùng khi có cú sốc. Các khoản đầu tư tăng năng suất ở cấp trang trại, ví dụ như chuyển dịch tử trồng cây ngắn ngày sang cây dài ngày, thường phải mất một thời gian mà thiếu các khoản vay thì đầu tư này có thể không khả thi và từ đó có thể bị bỏ lỡ. Sản xuất nông nghiệp rất dễ bị rủi ro và biến động theo thời tiết xấu và dịch hại. Vào những năm mùa màng đạt dưới mức trung bình, nông dân thường vay tiền để cân đối tiêu dùng giữa các vụ mùa. Nếu không có nguồn vay để tiêu dùng vào những năm mùa màng thua thiệt thì những hộ nông nghiệp ở nông thôn sẽ buộc phải dùng đến tài sản là tư liệu sản xuất có thể bán được để tồn tại ở mức tối thiểu. Việc tự bảo hiểm của các hộ đối với những cú sốc nhờ bè bạn và họ hàng là rất khó do tính chất của các cú sốc trong nông nghiệp thường có xu thế ảnh hưởng đến tất cả các hộ nông dân trong vùng.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi hệ thống ngân hàng và đang tiến hành tự do hóa dần dần thị trường tín dụng. Tuy nhiên các hộ nông dân quy mô nhỏ và khu vực nông thôn nói chung của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng hạn chế tín dụng. Trong quá khứ, thị trường tín dụng của Việt Nam đã bị trục trặc
nghiêm trọng bởi sự can thiệp của Chính phủ như: ưu tiên nhiều hơn cho các doanh nghiệp Nhà nước và một loạt các chương trình sản xuất hàng hóa. Hơn nữa, chính sách tín dụng nông nghiệp ở Việt Nam thường được sử dụng như một công cụ của chính sách phúc lợi xã hội, hướng tín dụng đến các vùng các hộ nông dân nghèo hơn thông qua các hoạt động của ngân hàng Chính sách Xã hội(trước đây là Ngân hàng Người nghèo).