HOÀN THIỆN KẾ TOÁN CHI PHÍ SẢN XUẤT VÀ TÍNH GIÁ THÀNH SẢN PHẨM TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN SAO THÁI DƯƠNG
3.1. 2 Nhược điểm
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng bên cạnh những ưu điểm trên thì công tác hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành của Công ty vẫn tồn tại những nhược điểm cần khắc phục và hoàn thiện hơn.
Về hệ thống sổ sách
Các sổ chi tiết tài khoản được mở chung cho cả 2 phân xưởng, chứ không cụ thể cho từng phân xưởng nào. Điều này phù hợp với quy mô sản xuất vừa của Công ty, tuy nhiên gặp khó khăn trong theo dõi chi phí sản xuất cho từng phân xưởng, làm giảm hiệu quả của việc kiểm soát chi phí.
Về hệ thống tài khoản
Tại Công ty, TK 627 được phân chia thành các khoản mục chi phí mà chưa được chi tiết cho các phân xưởng, do đó chưa thực sự hợp lý, ảnh hưởng đến việc phân bổ các chi phí phát sinh cho từng phân xưởng
Về tổ chức hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm
+ Về tính giá NVL xuất kho:
Công ty tính giá NVL xuất kho theo phương pháp bình quân gia quyền, nghĩa là trong tháng chỉ cập nhật số lượng NVL xuất kho, đến cuối tháng mới tính được thành tiền. Phương pháp này tuy đơn giản, nhưng chưa thực sự phù hợp khi Công ty sử dụng phương pháp kê khai thường xuyên để xác định giá trị hàng tồn kho. Do đó,
việc sử dụng phương pháp bình quân gia quyền làm giảm tính cập nhật thông tin, ảnh hưởng đến việc tính giá thành sản phẩm.
+ Về việc tập hợp và phân bổ chi phí sản xuất
CPSXC được tập hợp và phân bổ cho các phân xưởng theo tỷ lệ 1:3. Tỷ lệ này được xác định dựa trên kinh nghiệm chứ chưa thật sự đúng, chưa phản ánh được chi phí phát sinh chính xác tại từng phân xưởng.
+ Về việc hạch toán tiền lương
CPNCTT được xác định căn cứ vào thời gian làm việc của mỗi cá nhân trong tháng là chưa phù hợp, chưa tạo động lực nâng cao năng suất lao động, vì phần lớn số công của lao động trực tiếp là 24, 25 ngày/tháng, không có khác biệt nhiều.
Công tác hạch toán và phân bổ lương do 2 bộ phận khác nhau thực hiện: Tiền lương cơ bản và lương thời gian, bảng chấm công,.. do phòng hành chính lập, căn cứ vào đó phòng kế toán phân bổ. Việc phân chia công việc như vậy gây khó khăn cho kế toán trong việc tập hợp chi phí lương vào từng khoản mục và gây mất thời gian.
+ Về công các quản lý chi phí sản xuất
Tuy có hệ thống mạng nội bộ để cập nhật thông tin, tuy nhiên cán bộ công nhân viên chưa sử dụng nhiều, do vậy công tác quản lý chi phí sản xuất chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu quản lý. Việc tính toán các hệ số phân bổ còn dựa vào kinh nghiệm chứ chưa lên được số liệu cụ thể.
+ Về việc kiểm kê và đánh giá sản phẩm dở dang
Xét trong tình hình hiện nay, việc kiểm kê và đánh giá SPDD theo CPNVLTT là có thể chấp nhận được vì: giá trị khối lượng SPDD chiểm tỷ trọng ít trong tổng sản phẩm hoàn thành và CPNVLTT chiếm tỷ trọng lớn trong tổng CP sản xuất. Tuy nhiên, chắc chắn phương pháp này không thể đánh giá chính xác giá trị SPDD, vì không bao gồm CPNCTT và CPSXC. Do đó, để tăng tính hiệu quả, Công ty nên thay đổi phương pháp đánh giá SPDD.
Công ty có quy trình sản theo kiểu chế biến liên tục, tại một thời điểm, trên một dây chuyền chỉ sản xuất một loại sản phẩm. Quá trình sản xuất sản phẩm thường trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là sản xuất dịch chiết, giai đoạn 2 là pha chế (đối với phân xưởng Dược phẩm) hoặc tạo kem (đối với phân xưởng Mỹ phẩm) để đóng vào tuýp, lọ, hoàn thành sản phẩm.
Tuy nhiên, Công ty lại chỉ tính giá thành thành phẩm hoàn thành ở giai đoạn cuối cùng, các chi phí phát sinh ở giai đoạn 1 & 2 được tập hợp vào 3 khoản mục chi phí: CPNVLTT, CPNCTT, CPSXC. Cuối kỳ, kế toán tồng hợp các chi phí, phân bổ và tính giá thành. Theo phương pháp này, nhược điểm là không xác định được giá trị bán thành phẩm ở giai đoạn 1, do đó, khó xác định được hiệu quả sản xuất cũng như những thiếu sót, phát sinh chi phí chưa hiệu quả ở từng giai đoạn để có biện pháp kiểm soát và quản lý.
Mặt khác, hiện nay, giá trị sản phẩm hỏng của Công ty (mặc dù rất ít) đều nằm trong SPHT, làm cho thành phẩm phải gánh chịu thêm 1 phần chi phí của sản phẩm hỏng. Điều này, ngoài làm cho giá thành sản phẩm cao hơn thực tế, còn khó xác định nguyên nhân gây ra sản phẩm hỏng, để có biện pháp xử lý kịp thời, giúp tiết kiệm chi phí.
Các hạn chế nêu trên của Công ty cần có sự xem xét, nghiên cứu tìm ra phương hướng hoàn thiện để nâng cao hiệu quả công tác kế toán nói chung cũng như kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành nói riêng, nhằm cung cấp thông tin nhanh và hữu ích cho các nhà quản lý.