Trong bối cảnh của Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng hiện nay, với nguồn ngân sách có hạn, nền móng công nghiệp chưa phát triển, dưới áp lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế, khái niệm hạt nhân là phù hợp hơn cả để huy động được mọi nguồn lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, một định nghĩa phù hợp với mục đích nghiên cứu và hoạnh định chính sách cho Việt Nam như sau: Công nghiệp hỗ trợ là một
nhóm các hoạt động công nghiệp cung cấp các đầu vào trung gian (gồm linh kiện, phụ tùng và công cụ để sản xuất ra các linh kiện phụ tùng này) cho các ngành lắp ráp và chế biến1.
Ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1995 là năm đầu tiên mà tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn lên đến gần 90 triệu USD, đó là Công ty Toyota Việt Nam chuyên sản xuất và lắp ráp ô tô. Công ty Toyota Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp sản phẩm đầu vào đáp ứng được yêu cầu. Nắm bắt được tình hình đó các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc nhiều nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ cho nhu cầu
lúc bấy giờ, một loạt các công ty được thành lập như: Công ty Toyota Boshoku Việt nam sản xuất ghế và cửa ô tô, Công ty sản xuất Phanh Nissin Việt Nam sản xuất phanh ô tô và xe máy. Có thể thấy rằng Công ty Toyota Việt Nam có ảnh hưởng lan toả rất lớn tới các ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tiếp theo đó là Công ty Honda Việt Nam, thành lập năm 1996 chuyên sản xuất và lắp ráp xe máy. Các nhà máy sản xuất phụ tùng, linh kiện cũng ồ ạt thành lập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.
Vĩnh Phúc đang phải cạnh tranh với các khu vực khác trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì vậy phải có tầm nhìn, quy hoạch tổng thể để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ là một biện pháp cần thiết để tỉnh Vĩnh Phúc vượt qua được những thách thức này.
Tỉnh Vĩnh Phúc đang cố gắng hết sức mình để trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2015, tỉnh Vĩnh Phúc đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 17,1%. Cũng giống như các tỉnh khác, tỉnh Vĩnh Phúc đang tận dụng nguồn vốn FDI như là một yếu tố dẫn dắt nền kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận ra rằng: Phát triển công nghiệp hỗ trợ là nhân tố rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá và thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, cần thực hiện một số yêu cầu sau: Thứ nhất, môi trường đầu tư phải được cải thiện cho hấp dẫn hơn để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Thứ hai, thiết lập các kênh trao đổi thông tin giữa nhà lắp ráp nước ngoài với nhà cung cấp trong nước để giảm khoảng cách về thông tin lẫn nhau, giúp họ có thể bắt tay hợp tác với nhau trong việc cung cấp các sản phẩm phụ trợ. Thứ ba, hầu hết các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì vậy tỉnh Vĩnh Phúc cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này. Thứ tư, thúc đẩy liên
kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đa quốc gia, các tập đoàn lớn trên thế giới. Thứ năm, hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.