0
Tải bản đầy đủ (.doc) (59 trang)

Thực trạng sản xuất và tiêu dùng lương thực thời gian qua 2.1) Thực trạng sản xuất lương thực vùng Đồng bằng sông Hồng

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ AN NINH LƯƠNG THỰC TRONG XU THẾ PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG (Trang 25 -27 )

2.1) Thực trạng sản xuất lương thực vùng Đồng bằng sông Hồng

Kể từ khi có các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề nông thôn, kinh tế trang trại, tiêu thụ sản phẩm và nhiều chủ trương, chính sách khác của Nhà nước, đến nay, nông nghiệp nước ta nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng đã có bước phát triển quan trọng. Sản lượng lương thực mỗi năm đều tăng hơn một triệu tấn, xuất khẩu ổn định hơn ba triệu tấn gạo, trong khi diện tích lúa giảm dần và được chuyển đổi cơ cấu theo hướng thâm canh, tăng vụ màu, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển chăn nuôi, xây dựng hệ thống VAC bền vững... tăng giá trị trên một ha đất nông nghiệp.

Trong những năm qua, tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới mang tính đột phát, nhảy vọt, nổi bật là các giống ưu thế lai, các biện pháp hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh bền vững, tăng năng suất, chất lượng nông sản... được ứng dụng rộng rãi.

Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới được chuyển sang dịch vụ (đạt tỷ lệ hơn 80%) và thế hệ nông dân tiên tiến kiểu mới (hơn 8,5 triệu lượt hộ được tuyên dương nông dân sản xuất giỏi), trong số đó nhiều hộ đạt thu nhập 30-50 triệu đồng/hộ/năm nơi nào cũng có, góp phần xoá đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong hai đồng bằng lớn nhất của cả nước, đất chật, người đông với cơ cấu thuần nông là chủ yếu: có khoảng 1,5 triệu ha (bằng 20% cả nước), sản lượng lương thực bảy triệu tấn (20% cả nước), dân số 17 triệu người (22% cả nước) với mức bình quân ruộng đất trên đầu người bằng 40% mức bình quân cả nước; cơ cấu kinh tế nông nghiệp có tỷ lệ: trồng trọt 72% (cây lương thực 80%), chăn nuôi 25%, dịch vụ 3%....

Các lợi thế so sánh của vùng Đồng bằng sông Hồng là: có khí hậu mùa đông lạnh, đất tốt (80% diện tích đất phù sa), hệ thống thủy lợi tốt nhất (80% diện tích được tưới tiêu chủ động trong đó 60% diện tích có nước phù sa tưới), trình độ khoa học công nghệ nông nghiệp và dân trí cao nhất cả nước (tập trung hơn 80% số viện nghiên cứu nông nghiệp, trình độ thâm canh của nông dân ngày một nâng cao...), thị trường có lợi thế (gần Trung Quốc, SNG, Đông Bắc á...), khả năng huy động vốn lợi nhuận hơn vùng khác. Đồng bằng sông Hồng là một tam giác tăng trưởng với tốc độ đô thị hoá nhanh còn là điều kiện tốt thúc đẩy phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá, dịch vụ của nông dân.

Các hạn chế và thách thức của Đồng bằng sông Hồng là: bình quân ruộng đất trên đầu người thấp nhất cả nước (540 m2/người); lao động dôi dư thiếu việc làm hơn 10%/năm; quỹ đất nông nghiệp tiếp tục giảm nhanh (kể cả đất lúa xấu và đất lúa tốt), môi trường bị ô nhiễm (do thâm canh, phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hoá...), thu nhập bình quân của hộ nông dân thấp nên khả năng đầu tư hạn chế, hệ thống canh tác truyền thống là thuần nông, tâm lý bao cấp nặng nề... Đồng bằng sông Hồng là vùng bị sức ép phải vươn lên phát triển nhanh hơn vùng khác.

Ba mục tiêu của nông nghiệp nước ta trong những năm tới là, nâng cao gấp đôi thu nhập/ha đất và thu nhập/hộ nông dân một năm, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh bền vững của nông sản hàng hoá, trong đó giữ vững tỷ

suất hàng hoá cao ở vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đồng bằng sông Hồng, phấn đấu vươn lên dẫn đầu cả nước, bứt phá với tốc độ nhanh hơn vùng khác. Sức cạnh tranh bền vững của nông sản hàng hoá phải dựa trên cơ sở công nghệ mới kết hợp với sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường.

Cách quản lý mới trong thời kỳ phát triển mới là dựa trên cơ sở mối quan hệ mới giữa người sản xuất (nông dân) và người chế biến, tiêu thụ nông sản (doanh nghiệp). Phấn đấu vươn lên đạt các mục tiêu mới là đòi hỏi của nông dân và là bước đi tất yếu khách quan của sự phát triển, là bước ngoặt mới trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nước ta.

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ AN NINH LƯƠNG THỰC TRONG XU THẾ PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG (Trang 25 -27 )

×