GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI CHI NHÁNH NHCT SƠN LA
3.2.6 Nâng cao công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ ngân hàng
Nếu như hệ thống ngân hàng được ví như “ huyết mạch” của nền kinh tế thí cơ chế kiểm soát nội bộ được ví như “ thần kinh trung ương” của một ngân hàng thương mại. Do vậy, đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng là việc nâng cao tính hiệu quả của việc kiểm tra, kiểm soát, cụ thể:
+ Thông qua quá trình kiểm tra, giám sát vốn cho vay, chi nhánh phải thường xuyên đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng. Nếu phát hiện khách hàng có sự thiếu trung thực trong việc cung cấp thông tin thì chi nhánh phải thực hiện xử lý theo quyền và nghĩa vụ của mình. Điều này rất cần thiết bởi trong quá trình sử dụng vốn vay, sẽ phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, chi nhánh phải tiến hành kiểm tra, theo dõi để có biện pháp thích hợp nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng.
+ Mỗi cán bộ kiểm tra viên trong chi nhánh cần nhận thức đúng vai trò trách nhiệm của mình trong công việc được giao, độc lập trong kiểm tra, kiểm soát. Phòng kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại chi nhánh phải thực sự là tai mắt của tổng giám đốc trong việc đánh giá, phát hiện vi phạm ở các mức độ, cấp độ khác nhau. Cần có những biện pháp tích cực để nâng cao năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm đội ngũ kiểm tra: Xây dựng phương án quy hoạch và phát triển kiểm tra viên với mục tiêu không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, không để cán bộ kiểm tra lạc hậu, khắc phục ngay tình trạng bất cập với cán bộ kiểm tra.
+ Nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ kiểm tra, có biện pháp đánh giá chất lượng công việc để có chế độ đãi ngộ hợp lý, là vấn đề cơ bản để đảm bảo phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra.
+ Ngoài ra, chi nhánh cần tăng cường công tác kiểm tra nội bộ nhằm thanh lọc những cán bộ mất phẩm chất, có những hành vi tiêu cực, gây thất thoát tài sản và làm giảm uy tín ngân hàng.