II. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tại Công ty
2. Một số kiến nghị đối với Nhà nước
2.1. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với chất lượng sản
Trong tình hình hiện nay thì các doanh nghiệp nước ta không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh trong nước mà còn đối với các doanh nghiệp nước ngoài về việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ. Do đó để phát huy được các lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam và cũng để thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển thì Nhà nước phải có các chính sách về chất lượng sản phẩm hợp lý. Đối với sản phẩm ngành in nói riêng thì theo em cần thực hiện tốt các chính sách sau để nâng cao chất lượng sản phẩm của ngành.
Xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm ngành in cho phù hợp với yêu cầu thị trường hiện nay. Ta thấy rằng sản phẩm ngành in hiện nay được sử dụng phần lớn là ở trong nước, một phần nhỏ được khách nước ngoài mua chủ yếu thông qua con đường du lịch. Do vậy Nhà nước phải xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm ngành in không chỉ dựa vào sản phẩm của ngành ở trong nước mà còn phải tham khảo, học hỏi thêm ở nước ngoài. Mặt khác ngày nay nhu cầu của con người đòi hỏi cao hơn, do vậy chất lượng sản phẩm cũng phải được nâng lên để đáp ứng nhu cầu đó. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải khảo sát nhu cầu của từng đối tượng cụ thể mà đưa ra những tiêu chuẩn sản phẩm hợp lý với từng đối tượng đó để tiết kiệm được chi phí sản xuất, giá thành hợp lý mà vẫn bảo đảm tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm.
Với phương trâm nâng cao chất lượng sản phẩm mọi ngành thì Nhà nước cần đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền, quảng bá kiến thức về chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Để làm được điều này Nhà nước phải đưa thông tin về chất lượng sản phẩm trên mọi phương tiện thông tin để nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng nắm bắt kịp thời. Mặt khác Nhà nước nên tăng cường hơn nữa việc tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn, các khoá học kiến thức về vấn đề chất lượng sản phẩm. Nói chung hoạt động này phải được tổ chức dưới nhiều hình thức, bằng nhiều phương tiện khác nhau, thời gian thực hiện phải liên tục. Qua đó sẽ giúp nhà sản xuất nâng cao được chất lượng sản phẩm của mình cũng như bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhà nước tăng cường hơn nữa việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng đối với Công ty dưới các hình thức như:
Tổ chức các khoá cho cán bộ quản lý chất lượng để nâng cao kiến thức chuyên môn.
Thường xuyên hơn nữa cử cán bộ ra nước ngoài học hỏi thêm kinh nghiệm quản lý chất lượng và kinh nghiệm sản xuất.
Đầu tư, chỉ đạo các trường Đại học, cao đẳng…trong việc đào tạo kiến thức về chất lượng sản phẩm để phát triển nguồn nhân lực trong quản lý chất lượng.
Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát để đấu tranh xử lý những vi phạm về sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đảm bảo uy tín cho người tiêu dùng và tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhà máy, công ty in trong đó mỗi sản phẩm làm ra đều phải có đầy đủ thông tin về nơi sản xuất. Tuy nhiên không thể tránh được việc lưu hành những sản phẩm in lậu, làm nhái nhãn mác bao bì nhưng kém về chất lượng sản phẩm. Do vậy việc tăng cường kiểm tra của
Nhà nước là rất cần thiết và việc thực hiện kiểm tra phải được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, triệt để nhằm bảo vệ lợi ích của nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng.