BÁC TÔN VỀ THĂM NHÀ MÁY BA SON

Một phần của tài liệu tư liệu Tôn Đức Thắng (Trang 37 - 38)

Hôm ấy, càng gần trưa, trời càng trong xanh, nắng đẹp. Mặt sông Sài Gòn êm đềm. Bức thành cái âu thuyền lớn dùng đưa tàu vào sửa chữa của nhà máy Ba Son, nắng soi rõ hàng chữ số 1884 – 1888. Như vậy là nó đã được xây xong vào đúng năm Bác Tôn ra đời.

Công nhân, áo quần lấm dầu mỡ, sôi nổi làm việc. Lửa hàn chói xanh. Bỗng một tin vui lan truyền làm náo nức xốn xang hơn ba nghìn công nhân nhà máy Ba Son : Bác Tôn về thăm nhà máy ta. Vị Chủ tịch nước đến với công nhân.

Việc này chưa hề xảy ra, tránh sao khỏi bồi hồi, xúc động. Trong số hơn ba nghình công nhân làm việc ở đây, không còn ai cùng thế hệ với Bác Tôn. Các cơ sở cách mạng ở đây đã bao lần bị địch quét trắng. Tất cả đều thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư sau Bác; thậm chí có người chưa nhìn thấy cả hình Bác Tôn nữa. Nhiều người khi đón Bác, lòng còn rất ngỡ ngàng nhưng cảm thấy một cái gì gần gũi giữa người đứng đầu Nhà nước với anh em thợ thuyền.

... Sau khi gặp các đồng chí phụ trách, Bác Tôn đi thẳng xuống phân xưởng cơ khí, xưởng trung tâm của nhà máy với hơn 300 công nhân. Bước đi của Bác nhanh nhẹn, quen thuộc như một người thợ vừa rời nhà máy năm nào. Bác mặc áo trắng ngắn tay, có hai túi dưới như áo bà ba, quần ka-ki màu xanh công nhân.

Một chị lao công đã từng làm việc lâu năm trong nhà máy, thấy Bác Tôn ăn mặc giản dị như vậy, bỗng thốt lên :

– Ủa, vị Chủ tịch nước mà chỉ ăn mặc thế thôi ư !

Chị chưa hết ngỡ ngàng thì Bác Tôn đã đi tới gần. Bác đưa tay bắt tay chị. Chị lúng túng, vừa sợ vừa cảm động. Thấy vậy Bác Tôn tươi cười :

– Cháu đừng sợ !... Trước đây Bác cũng là thợ sửa chữa trục chân vịt tại phân xưởng này.

Thế là chị công nhân mạnh dạn hẳn lên. Và những nét mặt e dè ban đầu của nhiều người tan biến dần. Một không khí thân mật giữa vị Chủ tịch nước với những anh chị em cùng giai cấp, chan hòa khắp nhà máy. Đứng giữa phân xưởng cơ khí, nơi trước kia Bác Tôn như cố nén xúc động, rồi Bác chậm rãi kể lại rằng : Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi Bác còn làm thợ ở đây, nơi này là một bãi đất ướt. Nhà xưởng chỉ là vài thanh sắt với vải bạt che tạm. Nắng cũng như mưa, anh em thợ phải đứng gò lưng làm việc suốt ngày. Còn hội trường hiện nay của nhà máy, Bác kể tiếp – trước kia là nơi bọn chủ Pháp dùng làm kho chứa bu-loong...

Một công nhân đứng gần Bác, nói thêm vào :

– Dạ thưa Bác ! Dưới thời Mỹ – Ngụy, chúng dùng hội trường này làm nơi “tố cộng”. Nét mặt Bác trầm ngâm, im lặng một lúc rồi Bác Tôn nói tiếp :

- Lúc Bác rời nhà máy Ba Son, thì đất nước ta còn chìm trong nô lệ, hoang tàn. Bây giờ Bác lại về lại nhà máy, thì đất nước đã được tự do, thống nhất trọn vẹn... Miền Nam và Sài Gòn mới giải phóng, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Bác rất vui vì thấy giai cấp công nhân và nhân dân lao động hăng hái làm việc.

Tiếng vỗ tay nổi lên vang dậy, át cả tiếng còi tàu chạy ngược xuôi trên sông Sài Gòn.

Trước khi rời nhà máy, biết cán bộ, công nhân ở đây muốn Bác ghi lại mấy dòng chữ lưu niệm, nhưng lại chưa kịp chuẩn bị sổ vàng, Bác vui vẻ nói :

- Các chú muốn Bác ghi lưu niệm ư, Bác ghi đây. Nói xong Bác Tôn lấy một tờ giấy rời trong cặp ngồi viết. Cử chỉ của Bác tự nhiên, giản dị làm sao. Một lẫn nữa, cả nhà máy lại rộn ràng vui vẻ.

Chị lao công lúc này vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Biết chúng tôi từ ngoài Bắc vào, chị hỏi thêm : - Anh nè, những ngày đại lễ ở Hà Nội, Bác Tôn có ăn mặc giản dị thế không ?

Chúng tôi lại kể thêm cho chị nghe về Bác của chúng ta. Thực tế đã giúp chị hiểu rằng : Vị Chủ tịch nước ấy chính là người của giai cấp ta, của tất cả chúng ta.

Một phần của tài liệu tư liệu Tôn Đức Thắng (Trang 37 - 38)