CHÚNG TÔI MÃI MÃI GHI NHỚ LỜI DẠY CỦA BÁC TÔN

Một phần của tài liệu tư liệu Tôn Đức Thắng (Trang 31 - 32)

LỜI DẠY CỦA BÁC TÔN

Ở đâu cũng có thể tìm thấy hình ảnh về tình thương yêu bao la của Bác Hồ và Bác Tôn dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng cả nước. Riêng vườn trẻ 20-10 chúng tôi được Bác Tôn quan tâm rất nhiều. Tôi còn nhớ, dạo ấy là năm 1973, vườn trẻ 20-10 chính thức thành lập thay thế cho trại nhi đồng Hà Nội cũ. Các chị ở Thành hội Phụ nữ Hà Nội đã bàn giao cho chúng tôi 92.000 đồng. Lúc này chúng tôi mới được biết câu chuyện cảm động về số tiền đó. Năm 1955, Bác Tôn vinh dự được trao tặng giải thưởng Lê-nin “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”. Bác cho gọi ngay các chị phụ nữ Hà Nội đến để tặng lại toàn bộ số tiền Bác được tặng thưởng và căn dặn phải sử dụng vào việc tổ chức các cơ sở phúc lợi cho các cháu.

Vâng theo lời dạy của Bác Tôn, các chị ở Thành hội đã trích một phần số tiền để xây dựng trại nhi đồng Hà Nội mà bây giờ là vườn trẻ 20-10, 92.000 đồng còn lại, các chị bàn giao cho chúng tôi. Tấm lòng nhân hậu và tình yêu thương con trẻ đặc biệt của Bác mãi mãi là bài học sâu sắc cho chúng tôi những người mẹ thứ hai của các cháu – noi theo.

Bác âu yếm dắt tay đàn cháu nhỏ thong thả dạo bước giữa cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp ở Phủ Chủ tịch. Các cháu vây tròn quanh Bác say sưa ngắm đàn cá ở ao Bác Hồ và cây phong lan nặng trĩu những bông tím mát dịu... Đó là tất cả những hình ảnh thiêng liêng trong một ngày chúng tôi được gặp Bác. Các đồng chí ở văn phòng Phủ Chủ tịch báo cho chúng tôi biết là sẽ được đưa một số cháu lên gặp Bác nhân dịp Trung Thu năm 1977. Các đồng chí dặn trước, nếu thời tiết xấu thì xe ô tô không đến đón. Chúng tôi thấp thỏm cả đêm, mong sao cho trời đừng mưa gió. May mắn làm sao ! Buổi sáng hôm ấy trời đẹp lắm. Không khí mát mẻ. Tôi, cô Thảo, cô Mỹ Dung dẫn 20 cháu đến địa điểm được gặp Bác ở Phủ Chủ tịch. Anh Kỳ dặn trước các cháu nhớ đừng làm Bác mệt. Thế nhưng, khi vừa thoáng thấy bóng Bác là các cháu đã ùa cả đến. Bác dang tay ôm 3, 4 cháu ở gần nhất vào lòng. Các cháu còn lại xúm tròn quanh Bác, cháu níu áo, cháu kéo tay, Bác cháu tay nắm tay dung dăng trên suốt con đường dẫn đến khu nhà Bác Hồ.

Bác nói rất ít và khẽ nhưng cứ ngắm nhìn ánh mắt trìu mến và gương mặt hiền từ của Bác, lòng chúng tôi bỗng trào lên tình cảm kính yêu Bác biết dường nào. Tôi có cảm giác rõ rệt rằng, khi được vui chơi với các cháu như lúc này, Bác trẻ lại nhiều và rất vui, rất thanh thản.

Bác dẫn các cháu đi thăm ao cá, thăm ngôi nhà sàn của Bác Hồ bên cây vú sữa. Bác chỉ cho các cháu xem cây phong lan Bác Hồ từng vun tưới nay đã nở 36 bông, Bác dừng lại bên vườn bưởi trĩu quả và cảm động nói : “Đây là bưởi Bác Hồ trồng”. Tự tay Bác hái bưởi cho các cháu. Sợ Bác mệt, chúng tôi xin được hái thay. Bác vui vẻ đồng ý và dặn hái đủ cho mỗi cháu một quả. Thấy tôi đứng bên cạnh, Bác ân cần hỏi : “Năm nay cô bao nhiêu tuổi ? Được mấy con ?”. Tôi cảm động thưa với Bác : “Dạ, năm nay cháu 51 tuổi a. Vợ chồng cháu có 5 con. Các cháu đã trưởng thành cả, 2 cháu lớn học đại học, 1 cháu đi bộ đội, 2 cháu nhỏ đang học phổ thông ạ...”. Bác gật đầu vẻ hài lòng : “Bác rất mừng. Cứ phải dạy con lao động giỏi, học tập tốt. Cả nhà lao động như vậy là tốt”.

Khi chúng tôi chào Bác ra về, Bác tặng cho các cháu nhiều kẹo và không quên dặn các cháu nhớ chia phần cho bạn ở nhà.

Rồi Bác quay sang căn dặn chúng tôi một câu rất ngắn gọn nhưng sâu sắc biết bao : “Các cô phải cố gắng làm hết sức mình nhé, để nuôi dạy các cháu ngoan và khỏe”. Tôi hứa với Bác, Bác vui vẻ gật đầu.

Sau lần ấy, tôi thật không ngờ lại còn được đón Bác ngay tại vườn trẻ 20-10. Và ngày 26-9-1979 là ngày ghi nhớ nhất trong cuộc đời nuôi dạy trẻ của mỗi chúng tôi bởi sự quan tâm chu đáo và đặc biệt mà Bác dành cho các cháu ở đây.

Hôm đó, chiếc xe màu đen từ từ đỗ lại trước cửa nhà 40 Hàng Bông Thợ Nhuộm, Bác Tôn bước xuống và tiến nhanh về phía các cháu đang đứng sẵn ở hai bên lối đi vào để đón Bác.

Chúng tôi mời Bác ngồi ở nhà tiền sảnh, Bác mặc chiếc áo sơ mi trắng cộc tay. Tóc Bác bạc trắng như cước, 3, 4 cháu bạo dạn ngồi lên đùi Bác. Những cháu khác đã đứng vòng trong vòng ngoài quanh chiếc ghế mây Bác ngồi. Khi các cháu biểu diễn văn nghệ mừng Bác, đến bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, Bác Tôn vỗ tay theo nhịp cùng với các cháu. Khung cảnh ấy khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh sum họp đầm ấm trong gia đình hạnh phúc có người ông hiền từ, có đàn cháu nhỏ ngoan ngoãn.

Bác thưởng cho các cháu nhiều kẹo và nói : “Hôm nay Bác đến thăm các cháu, chúc các cháu mạnh khỏe, ngoan ngoãn nhé”. Rồi Bác quay sang phía các cô : “Bác đến đây thấy các cháu ngoan, các cháu khỏe, Bác rất mừng. Các cô phải làm hết sức mình để cha mẹ các cháu yên tâm sản xuất, hoàn thành kế hoạch Nhà nước”... Bao giờ Bác cũng nói rất ngắn và ít như vậy nhưng khiến ai cũng phải suy nghĩ về ý tưởng sâu sắc trong lời Bác dạy. Sợ Bác mệt, chúng tôi không dám mời Bác lên gác nhưng trông thấy cầu thang, Bác đề nghị để Bác lên. Thấy các cháu bé nằm ngủ say sưa trong những chiếc giường cũi xinh xắn, nét mặt Bác vui vô cùng. Bác âu yếm cúi xuống sát các cháu và nói khẽ : “Cháu ngủ ngoan nhỉ !”. Bác lại dặn mấy cô ở nhóm cháu bé : “Các cô chịu khó làm việc cho tốt nhé”...

Trước khi về, Bác đã ghi những dòng đầu tiên vào cuốn sổ vàng lưu niệm của nhà trẻ : “Tôi rất vui mừng thấy các cháu mạnh khỏe. Tôi mong các cô nuôi dạy trẻ hãy làm thật tốt nhiệm vụ vẻ vang của mình, nuôi các cháu khỏe, dạy các cháu ngoan, xây dựng vườn trẻ 20-10 thành vườn trẻ kiểu mẫu”. ... Kể từ ngày vườn trẻ 20-10 được thành lập đến nay mới được hơn 5 năm nhưng chúng tôi đã vinh dự được Bác đến thăm một lần, được Bác cho đi gặp Bác hai lần.

Mỗi chúng tôi đều thấm sâu lời dạy của Bác và càng thấy trách nhiệm vẻ vang của mình đối với sự nghiệp giáo dục trẻ. Phải thương yêu các cháu. Phải làm việc hết sức mình.

Bác Tôn đã nhiều lần căn dặn chúng tôi như vậy và đó cũng là sự phấn đấu cao nhất của chúng tôi. Hiện nay vườn trẻ 20-10 thu hút 540 cháu, gồm 5 lớp mấu giáo và 10 nhóm trẻ được nuôi dạy theo tâm sinh lý từng lứa tuổi. Đội ngũ cô nuôi dạy trẻ của chúng tôi đã lên tới 65 cô, trong đó có 3 cô trung cấp, 1 cô đại học.

Cháu giữ thói quen mút tay như khi còn ở nhà ư ? Cháu mê ngủ khóc gọi mẹ. Đầu cháu chệch ra khỏi gối ư ? Những giọt nước vương trên sàn có thể làm cháu trơn ngã... Tất cả những điều tỉ mỉ này không được nói đến trong giáo trình nhưng với lòng thương yêu trẻ tha thiết, ở vườn trẻ chúng tôi, các cô đã chú ý đến từng chi tiết nhỏ như vậy trong khâu nuôi dạy các cháu đúng với tinh thần : “Nâng cháu từng bước đi. Săn sóc cháu từng giấc ngủ”. Và điều quan trọng là, mẹ các cháu rất yên tâm khi gửi gắm con mình để sản xuất, học tập tốt. Chị Liên ở nhà máy dệt 8-3 là một thí dụ. Chẳng những chị trở thành người thợ giỏi mà còn có thời gian học hết đại học...

Vườn trẻ 20-10 đã được tặng hai bằng khen và nhiều giấy khen về thành tích nâng cao thể lực của các cháu nhanh, dạy các cháu ngoan ngoãn, sạch sẽ. Nhưng so với những tình cảm Bác Tôn dành cho các cháu, chúng tôi tự thấy mình còn phải phấn đấu rất nhiều trong công tác nuôi dạy trẻ sao cho xứng đáng với lời dạy và lòng mong ước của Bác Tôn : Vườn trẻ 20-10 phải trở thành vườn trẻ kiểu mẫu của thành phố.

Một phần của tài liệu tư liệu Tôn Đức Thắng (Trang 31 - 32)