CỦA BÁC TÔN ĐỨC THẮNG

Một phần của tài liệu tư liệu Tôn Đức Thắng (Trang 25 - 26)

Tháng Tám năm nay, tuổi trẻ Việt Nam ta cùng với đồng bào cả nước sung sướng chúc mừng Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu thọ 90 tuổi. Cuộc đời hơn 60 năm hoạt động đầy gian khổ và vinh quang của Bác Tôn đã nêu cho thế hệ trẻ chúng ta một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước thiết tha, tinh thần đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Là người đồng chí, bạn chiến đấu gần gũi của Bác Hồ, Bác Tôn là người có đạo đức cách mạng trong sáng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Quê Bác Tôn ở xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc tỉnh An Giang). Lúc Bác ra đời, thực dân Pháp đã đặt ách thống trị lên toàn cõi Việt Nam, và những cuộc nổi dậy của nhân dân ta chống thực dân Pháp nổ ra ở nhiều nơi trong nước. Tỉnh Long Xuyên là một trong số những vùng ở Nam bộ có ngọn lửa căm thù mãnh liệt chống lại bọn cướp nước và lũ bán nước.

Vì nhà nghèo, anh thanh niên Tôn Đức Thắng phải sớm rời gia đình đi tìm kế sinh sống ở thành phố, vừa làm thuê vừa đi học. Sau khi tốt nghiệp trường tiểu học, anh lên Sài Gòn học nghề ở trường Bách Nghệ. Năm 22 tuổi, anh vào làm công nhân trong một xưởng máy của thực dân Pháp ở Sài Gòn. Tại đây, anh tích cực tham gia các cuộc đấu tranh của công nhân chống áp bức, bóc lột, đòi tăng lương và tổ chức các hội Ái hữu, Cứu tế để tập hợp lực lượng của giai cấp công nhân. Năm 1912, anh đứng ra tổ chức và lãnh đạo những cuộc bãi công đầu tiên của học sinh trường Bách Nghệ và công nhân xưởng sửa chữa tàu thủy Ba Son. Bị bọn thực dân lùng bắt, anh phải trốn sang Pháp làm cho một công ty hàng hải. Năm 26 tuổi (1914) anh vào hải quân Pháp, tham gia các cuộc vận động chính trị trong hàng ngũ lính thủy Pháp. Đầu năm 1919, anh tham gia binh biến chống cuộc can thiệp của đế quốc Pháp vào nước Nga Xô Viết trẻ tuổi. Chính người thủy thủ Tôn Đức Thắng đã hồ hởi kéo cờ đỏ cách mạng trên chiến hạm Pháp để chào mừng Nhà nước vô sản đầu tiên.

Ở Bác Tôn, lòng yêu nước thiết tha gắn liền với tinh thần quốc tế vô sản. Hành động cao đẹp của Bác Tôn tham gia cuộc binh biến Hắc Hải càng làm nổi bật chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng của giai cấp công nhân Việt Nam ngay từ những năm đầu của thế kỷ này.

Sau sự kiện 1919, Bác Tôn làm thợ máy cho hãng xe hơi Rơ-nôn, gia nhập Tổng Công hội Pháp và tiếp tục đứng trong hàng ngũ công nhân, tích cực tham gia xây dựng phong trào yêu nước của Việt kiều tại Pháp. Phong trào này do Hồ Chủ tịch lãnh đạo.

Năm 1920, Bác Tôn về Sài Gòn, và cùng một vài người bạn công nhân mở xưởng sửa chữa ô tô để giúp công việc làm ăn cho những người thợ chưa có việc làm, tạo cơ hội gây dựng nhiều cơ sở Công hội bí mật tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Thông qua các sách báo của Bác Hồ và các tài liệu cách mạng khác từ bên Pháp bằng nhiều con đường gửi sang, các cơ sở Công hội này bước đầu tiếp thu được ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh của công nhân. Đáng chú ý là cuộc bãi công của công nhân Ba Son tháng 8-1925, nhằm làm chậm trễ việc sửa chữa chiến hạm Giuyn Mi-sơ-lê mà đế quốc Pháp định đưa sang đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân Trung Quốc.

Năm 1926, Bác Tôn là một trong những người đầu tiên ở Nam bộ gia nhập “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” do lãnh tu Nguyễn Ái Quốc tổ chức, và tích cực gây cơ sở cho tổ chức này ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Do những hoạt động cách mạng sôi nổi, cuối năm 1929, Bác Tôn bị đế quốc bắt giam và tra tấn dã man tại Khám Lớn Sài Gòn. Chúng kết án 20 năm tù khổ sai và đày Bác Tôn ra Côn Đảo. Cái số tù 5289 đeo đẳng theo Bác suốt gần 17 năm sống ở địa ngục trần gian này. Bác Tôn đã phải chịu đủ mọi cực hình, đối xử vô cùng hà khắc của lũ chúa ngục; đốn củi trên rừng rậm, lấy san hô ngoài biển khơi, hì hục xay lúa trong hầm đá tối tăm... Tại đây, Bác Tôn đã cùng với nhiều đồng chí khác kiên trì đấu tranh, giữ vững khí tiết của người cộng sản trước kẻ thù, “biến nhà tù thành trường học cách mạng”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng phái người mang tàu thủy ra Côn Đảo đón Bác Tôn trở về với đồng chí, đồng bào. Bác chỉ ghé thăm nhà sau mấy chục năm xa cách rồi lại ra đi nhận nhiệm vụ mới. Năm 1946, Bác Tôn cùng với các đồng chí khác lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Bác sát cánh với các chiến sĩ ngoài mặt trận, đi sát anh chị em tải đạn và đã mấy lần bị lọt vào vòng vây của địch, vì Bác tự nguyện ở lại tổ chức chiến đấu.

Giữa năm 1946, Bác Tôn được Trung ương Đảng và Chính phủ điều ra Bắc. Từ đò, Bác luôn luôn làm việc bên cạnh Bác Hồ, đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Bác Tôn luôn quan tâm và chú ý đặc biệt tới việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, những người thừa kế trung thành và xuất sắc của sự nghiệp cách mạng của thế hệ tiền bối. Những lời dạy bảo của Bác Hồ và Bác Tôn đã chỉ đường, tiếp sức cho tuổi trẻ đi lên quyết hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc và Đảng giao phó. Tại buổi lễ kỷ niệm Đoàn ta tròn 30 tuổi (1961), Bác Tôn xúc động nói : “Trong không khí hân hoan, phấn khởi của buổi lễ kỷ niệm hôm nay, tôi cảm thấy mình như trẻ lại. Tôi muốn được sống lại tuổi 20 của các đồng chí, cái tuổi đầy sức sống và đầy hy vọng về tương lai”.

Là Chủ tịch danh dự Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương, Bác Tôn thường xuyên dành tình thương bao la cho các cháu, mong muốn các cháu đều trở thành cháu ngoan Bác Hồ. Bác theo dõi rất sát các phong trào của thiếu nhi, như phong trào “Làm theo lời dạy của Bác Hồ”, phòng trào thi đua “Làm nghìn việc tốt”... và thường xuyên khen thưởng các cháu có thành tích xứng đáng.

Năm 1958, nhân dịp Bác Tôn thọ 70 tuổi, Bác Hồ đã thay mặt Chính phủ và nhân dân ta trao tặng Bác Tôn Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao nhất của nước ta.

Bác Tôn là một chiến sĩ xuất sắc của phong trào hòa bình thế giới. Tháng 12-1955, Bác Tôn là người Việt Nam đầu tiên được giải thưởng quốc tế “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”. Năm 1967, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô tặng Bác Tôn Huân chương Lê-nin, Huân chương cao nhất của Liên Xô, về những hoạt động góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền Xô Viết còn non trẻ (1919).

Xuất thân từ giai cấp công nhân, Bác Tôn Đức Thắng sớm đi vào con đường cách mạng và tham gia lãnh đạo phong trào yêu nước của nhân dân ta chống đế quốc, phong kiến. Bác đã đi từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Tuy phải xa quê hương xứ sở, hoạt động ở đất khách quê người, nhưng lòng Bác Tôn vẫn luôn hướng về Tổ quốc Bác nói : “Tôi nhớ ngày tôi rời đất nước thân yêu... Từ đó bắt đầu cuộc đời trên mặt biển với nhiệt tình yêu nước và ước mong được học hỏi để sau này về nước đấu tranh có kết quả hơn”.

Cuộc đời hoạt động sôi nổi của Bác Tôn đầy gian khổ, thử thách. Ở hoàn cảnh nào, trong nước hay ở nước ngoài, khi bí mật lúc công khai, Bác Tôn cũng nêu cao ý chí và nghị lực cách mạng phi thường, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách. Trong nếp sống hàng ngày, Bác giản di, khiêm tốn, gần gũi mọi người, lạc quan không ngừng hoạt động cho nước, cho dân.

Học tập tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Bác Tôn, thế hệ trẻ Việt Nam càng siết chặt đội ngũ của mình, đoàn kết chặt chẽ, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta càng thấy rõ vinh dự lớn lao và trách nhiệm nặng nề của đất nước để xứng đáng với đảng, xứng đáng với Bác Hồ, Bác Tôn.

(Một số sự kiện dẫn trong bài này là theo tài liệu của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương).

Báo Tiền Phong, số ra tuần lễ từ 15 đến 21-8-1978.

Một phần của tài liệu tư liệu Tôn Đức Thắng (Trang 25 - 26)