Trên những chặng đường cách mạng đầy gian lao sóng gió, hai lão đồng chí vẫn ung dung tiến bước, động viên và dìu dắt con cháu mình đi nhanh tới đích. Đó là hình ảnh Bác Hồ và Bác Tôn lúc sinh thời. Năm 1923, Bác Hồ đặt chân lên mảnh đất của quê hương Cách mạng Tháng Mười. Trước đó bốn năm, người thợ máy Tôn Đức Thắng đã giương lá cờ đỏ chiến hạm Phơ-răng-xơ, lúc ấy đang ở bên bờ Hắc Hải, chào quê hương yêu dấu của Lê-nin, chào nước Cộng hòa Xô Viết đầu tiên trên hành tinh này.
Bác Hồ đi tìm quê hương của Lê-nin...
Bác Tôn đến quê hương của Cách mạng Tháng Mười...
Hai trái tim căng tròn sức sống, không hẹn mà gặp nhau ở một điểm. Điều này chỉ có thể đến với những người cùng chung một quyết tâm đi theo con đường của Lê-nin, con đường của Cách mạng Tháng Mười. Đây chính là cội nguồn mang đến cho hai Bác một tình bạn chiến đấu bền vững, thủy chung. Bác Hồ có lần đã nói : “Chủ nghĩa Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Bác Tôn cũng bộc lộ tình cảm của mình đối với Cách mạng Tháng Mười : “Đó là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, cuộc cách mạng của những người nghèo khổ, vùng dậy lật đổ ách thống trị của đế quốc, tư bản, phong kiến”.
Trong những năm tháng Đảng ta chưa ra đời, Bác Tôn tuy chưa được gặp Bác Hồ, song người thợ máy ấy đã có cảm tình đặc biệt với đồng chí Nguyễn Ái Quốc qua những bài báo của Người viết trên tờ Người Cùng Khổ, tờ Nhân Đạo và đặc biệt là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp. Những trang sách, bài báo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã gieo vào lòng người thợ máy Tôn Đức Thắng một tình yêu nồng cháy đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Có những đêm ở trong một căn nhà hầm tại Sài Gòn, người thợ máy Tôn Đức Thắng chong đèn tới khuya đọc những bài báo, những tác phẩm chứa chan lòng yêu nước của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Người thợ máy nghèo Tôn Đức Thắng ấp ủ những trang sách báo rực lửa ấy vào lòng thầm thì. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc sắp đến. Rồi người thợ máy nghèo ấy đã nhanh chóng bắt liên lạc được với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, lúc đó đang được tổ chức ở Sài Gòn và nhiều tỉnh ở Nam kỳ.
Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi động, lúc ấy Bác Tôn đang bị giam cầm ở hầm xay lúa của nhà tù Côn Đảo, nghe tin cách mạng trong cả nước đang sục sôi, Bác Tôn và các anh em tù cũng rộn lên một không khí cướp chính quyền trên đảo. Lúc ấy, anh em có một chiếc đài nhưng bị hỏng. Vì biết nghề thợ máy, Bác Tôn đã lĩnh trách nhiệm chữa đài. Trong lúc Bác đang loay hoay tìm làn sóng điện, bất chợt, tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên qua làn sóng điện, tuyên bố nươc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác Tôn sung sướng đến chảy nước mắt, ôm ghì chiếc đài đó vào lòng mà nghẹn ngào xúc động.
Đầu năm 1946, Bác Tôn được bầu làm đại biểu Quốc hội ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Đây là một vinh dự đặc biệt đối với Bác Tôn. Với tất cả tấm lòng trân trọng và kính yêu Bác Hồ, Bác Tôn đã nói với đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn rằng, vinh dự này của tôi là do Bác đem lại.
Từ giữ năm 1946, Bác Tôn được Đảng điều động về Trung ương, lúc đó đóng ở Việt Bắc, công tác. Qua bao ngày băng rừng lội suối, Bác Tôn đã đến với Bác Hồ vào một ngày hè đầy nắng vàng, ở một khu rừng Việt Bắc. Giây phút gặp mặt lịch sử đã đến, hai Bác ôm chầm lấy nhau mừng vui khôn xiết. Đến bây giờ mới thấy đây, mà lòng đã chắc những ngày xa xưa. Từ đấy, hai Bác luôn luôn ở cạnh nhau, cùng nhau lãnh đạo cuộc kháng chiến. Mặc dù sống những ngày gian khổ trên núi rừng Việt Bắc, hai Bác vẫn ung dung trong cảnh “vừa đánh giặc vừa trồng rau, nuôi gà...”. Có lần Bác Hồ đã viết :
Đường non khách tới hoa đây Rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn
Việc quân việc nước đã bàn Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau.
Hưởng ứng cuộc vận động “Kháng chiến kiến quốc” do Bác Hồ đề ra, Bác Tôn đã cùng với các ngành, các ban thi đua địa phương động viên hướng dẫn toàn dân sôi nổi thi đua “diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, làm cho guồng máy kháng chiến chuyển động mạnh và đều.
Sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, nhân dân ta đã đuổi được tên thực dân ấy ra khỏi bờ cõi nước ta, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, Bác Hồ, Bác Tôn cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ vui mừng trở về Thủ đô.
Tháng 9 năm 1955, Đại hội đại biểu Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc đã khai mạc nhằm củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Tại Đại hội này, Bác Tôn đã vui mừng và trân trọng nói với các vị đại biểu : “Tôi vui mừng báo cáo với Đại hội, Hồ Chủ tịch kính mến hôm nay sẽ đến cùng chúng ta. Đại hội sẽ có dịp nhiệt liệt hoan nghênh vị lãnh tụ vĩ đại sáng lập Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt, và thành kính dâng lên Người lòng biết ơn sâu sắc của đồng bào toàn quốc..., Hồ Chủ tịch đã nêu tấm gương sáng đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc. Đại hội này là một thắng lợi mới của chính sách đại đoàn kết của Người”.
Trong buổi bế mạc Đại hội, Bác Tôn nói : “Trong Đại hội, Hồ Chủ tịch đã ba lần đến cùng chúng ta, ân cần thăm hỏi. Thái độ ân cần, đầm ấm, tiếng nói thân mật của Người, sự chú ý săn sóc chu đáo của Người là một khuyến khích rất lớn cho Đại hội.
Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ sáng lập ra Mặt trận Dân tộc thống nhất, Người đã suốt đời phấn đấu cho Tổ quốc, ngày nay là Chủ tịch danh dự của Mặt trận và một bảo đảm cho thắng lợi ngày mai của dân tộc, của Mặt trận chúng ta.
Một hình ảnh rất đẹp đẽ đi vào lịch sử. Đó là ngày 19 tháng 8 năm 1958, câu lạc bộ Ba Đình, Bác Hồ đã thay mặt nhân dân và Chính phủ trao tặng Bác Tôn Huân chương Sao Vàng, nhân dịp Bác Tôn thọ 70 tuổi. Khi Bác Tôn bước vào nhà, Bác Hồ cũng vừa đến. Hai Bác ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào xúc động. Bác Hồ vui vẻ nói : “Hôm nay chẳng những chúng ta ở đây mà toàn thể đồng bào ta từ Bắc chí Nam và toàn thể nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình đều vui mừng chúc người lão thành chiến sĩ cách mạng Tôn Đức Thắng sống lâu, mạnh khỏe.
Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng là Huân chương cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và người rất xứng đáng được tặng Huân chương ấy”.
Xúc động trước lời tuyên dương của Bác Hồ, Bác Tôn đáp lại bằng những lời lẽ thắm thiết : “Trong buổi lễ vinh quang này, tôi nghĩ đến thời kỳ tôi còn ấu trĩ, nghĩ đến những lúc khó khăn hiểm nghèo Đảng đã dìu dắt, giáo dục tôi, nhân dân đã rèn luyện và giúp đỡ tôi để có được ngày nay.
... Huân chương này mãi mãi nhắc nhở tôi, lời Hồ Chủ tịch nói hôm nay sẽ mãi mãi khuyến khích tôi trung thành đến phút cuối cùng trong cuộc đấu tranh cho hòa bình và thống nhất đất nước thân yêu, cho chủ nghĩa xã hội, cho hạnh phúc yên vui của toàn thể nhân loại.
Trong giờ phút cảm động này, tôi không biết nói gì hơn là hứa lấy cố gắng của tôi để đền đáp công ơn của Đảng, công ơn của Hồ Chủ tịch, người sáng lập và xây dựng Đảng, đã đưa tôi vào con đường vẻ vang và để đền đáp sự tín nhiệm của nhân dân và Chính phủ”.
Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta có mặt trong buổi lễ hôm ấy hết sức xúc động trước những lời nói chân thành của Bác Tôn. Bác Hồ tiến đến ôm hôn Bác Tôn, gắn lên ngực Bác Tôn tấm Huân chương cao quý và tặng Bác Tôn bó hoa tươi thắm thiết. Bế mạc buổi lễ, Bác Hồ và Bác Tôn sóng đôi đi bên nhau ra về trong tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Trời Hà Nội hôm ấy mát dịu trong nắng thu càng tôn lên khuôn mặt hồng hào khỏe mạnh của hai Bác.
Ngày 15 tháng 7 năm 1960, Bác Tôn được Quốc hội nhất trí bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác Hồ vô cùng sung sướng đến nắm chặt tay Bác Tôn và nói : “Toàn thể nhất trí bầu cụ làm Phó Chủ tịch nước tức là đồng bào miền Nam đều bầu Cụ làm Phó Chủ tịch nước. Điều đó tiêu biểu rằng nước ta nhất định thống nhất”. Trong công tác cách mạng cũng như trong cuộc sống hàng ngày, hai Bác gắn bó với nhau trong tình cảm cách mạng, tình đồng chí bền chặt keo sơn. Niềm vui của Bác Tôn cũng là niềm vui của Bác Hồ cũng thực sự trở thành hạnh phúc của Bác Tôn. Tháng 11 năm 1967, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô quyết định tặng Bác Tôn Huân chương Lê-nin, Huân chương cao nhất của Liên Xô. Nhận Huân chương này, Bác Tôn ghi nhận công lao đó của Đảng, của Bác Hồ và nhân dân ta. Bác Tôn nói : “Nhìn giải thưởng này, chúng ta lại càng kính mến Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hồ Chủ tịch thiên tài đã lãnh đạo chúng ta tới ngày nay”.
Trăm ý nghĩa lời chung đại nghĩa Năm châu bốn biển một gia đình.
Đó là ước vọng thực hiện chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới mà Bác Hồ và Bác Tôn đã suốt đời tận tụy phấn đấu để thực hiện.
Năm 1968, Bác Tôn 80 tuổi, Trung ương Đảng đã tổ chức buổi họp thân mật mừng thọ Bác. Hôm ấy là ngày 20 tháng 8, Bác Hồ dậy sớm để chuẩn bị đến chúc thọ Bác Tôn. Đến giờ Bác Hồ cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... đều có mặt đông đủ, Bác Tôn gái cùng đến dự cuộc họp mặt thân mật của Trung ương. Bác Hồ bắt tay, ôm hôn Bác Tôn và Bác Tôn gái, xúc động tặng Bác Tôn hai câu thơ mang tình nghĩa sâu nặng :
Càng già chí khí càng dai Chống Mỹ, cứu nước ít ai hơn già.
Bác Tôn lắng nghe Bác Hồ đọc thơ tặng mình mà lòng xúc động. Bác thầm cám ơn Bác Hồ đã hết lòng chăm lo đến hạnh phúc của nhân dân.
Ngày đầu năm 1969, tiết trời Xuân ấp áp, Bác Hồ nhìn cành đào nở thắm, nhớ đến Bác Tôn, liền mời Bác Tôn đến cùng ăn cơm. Đúng 10 giờ, Bác Hồ ra đón Bác Tôn. Thấy Bác Tôn chỉ đi một mình, Bác Hồ liền hỏi :
– Bác gái đâu mà không đến ? Bác Tôn cảm động nói :
– Xin lỗi Bác, nhà tôi không được khỏe...
Đây không phải là lần đầu tiên Bác Hồ nhắc đến Bác Tôn gái, mà thường thường cứ mỗi lần Bác Hồ mời Bác Tôn ăn cơm, vẫn thường dặn : Nhớ mời Bác gái cùng sang. Rồi hai Bác thong thả đi trong vườn Phủ Chủ tịch. Hai lão đồng chí ung dung bước, chuyện trò thân mật, như đang đi trên con đường làng của quê hương. Bữa cơm đầu năm hôm ấy sao vui vẻ, ấm áp lạ thường. Hai người bạn cố tri càng vui khi thấy vườn hoa của đất nước đã ra hoa và kết quả, thấy con cháu mình đều lớn khôn đủ sức gánh vác công cuộc của non sông đất nước. Nhưng Bác Tôn đâu có ngờ rằng, đây là bữa cơm đầu năm cuối cùng mà Bác được ăn chung với Bác Hồ. Tháng 9 năm ấy, Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta. Kính yêu và thương nhớ Bác Hồ vô hạn, Bác Tôn đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta ngày đêm túc trực bên linh cữu Người. Thay mặt nhân dân cả nước, Bác Tôn hứa với Bác Hồ sẽ ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người...
Bác Hồ là linh hồn của chính sách Đại đoàn kết, Bác Tôn là người tiêu biểu cho chính sách đó. Cả hai Bác đều luôn luôn mong muốn cho dân tộc mình, đất nước mình mãi mãi nở hoa, độc lập, kết quả tự do.