VÀI MẨU CHUYỆN BÌNH THƯỜNG VỀ NGƯỜI CON RẤT ƯU TÚ CỦA TỔ QUỐC

Một phần của tài liệu tư liệu Tôn Đức Thắng (Trang 28 - 29)

VỀ NGƯỜI CON RẤT ƯU TÚ CỦA TỔ QUỐC

Đời hoạt động và những cống hiến của Bác Tôn Đức Thắng đối với cách mạng Việt Nam thật là to lớn – trong bài này chúng tôi dùng chữ Bác Tôn Đức Thắng như các đồng chí cùng hoạt động cách mạng với Bác thường thân mật gọi Bác. Tinh thần hy sinh phấn đấu của Bác rất cao. Nhân dịp kỷ niệm Bác được 70 tuổi, chúng tôi sưu tầm vài mẩu chuyện bình thường trong đời sống cách mạng của Bác để nói lên một vài khía cạnh về tinh thần và đạo đức cách mạng của Bác.

Những mẩu chuyện dưới đây do đồng chí Nguyễn Văn Trí, người có dịp chung sống với Bác Tôn trong một thời gian khá dài – kể lại cho chúng tôi.

CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI CÁCH MẠNG Năm ấy vào khoảng 1925 – 1926.

Cùng với làn sóng yêu nước đang dâng của toàn dân, người trí thức tiểu tư sản cũng đi tìm một tổ chức cách mạng ước mơ theo tư tưởng của mình.

Anh N. là một trong những người trí thức yêu nước đó. Anh đã đi tìm tất cả các tổ chức cách mạng của thời ấy : Thanh niên cao vọng đảng của Nguyễn An Ninh, Việt Nam quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học, Tân Việt cách mạng đảng v.v... và sau cùng đến Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Với tổ chức nào anh cũng nhận đó là đoàn thể cách mạng, nhưng anh chưa vừa ý đối với đảng nào, vì đảng nào cũng có thiếu sót từ đảng viên đến cán bộ lãnh đạo, anh tiếp tục đi tìm một tổ chức cách mạng “hoàn thiện hoàn mỹ” hơn.

Là bạn quen với nhau, khi gặp Bác Tôn ở Thanh niên cách mạng đồng chí hội, anh N. đem những nhận xét của mình thuật lại cho Bác Tôn, Bác trả lời :

– Tôi cũng đã từng đi tìm các tổ chức cách mạng trong nước và ngoài nước. Tôi cũng thấy rằng không có đảng nào mà từ lãnh đạo đến đảng viên hoàn toàn không có khuyết điểm. Có một điều tôi thấy rõ ràng là trong các đoàn thể cách mạng hiện nay, Thanh niên cách mạng đồng chí hội là tổ chức tập hợp được nhiều người yêu nước Bắc, Trung, Nam hơn hết. Vì vậy mà tôi vào tổ chức này. Mỗi người có một cái hay, nhiều người gộp lại được nhiều cái hay. Tôi sẽ học cái hay của tất cả các đồng chí trong Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tôi có gì hay, tôi cũng hết sức góp phần làm cho tổ chức này mạnh hơn, tốt hơn để biến tổ chức ấy thành “lý tưởng” của mình...

Vì chưa thay đổi được cách nhìn, anh N. vẫn đi tìm một cái “toàn thiện toàn mỹ”. Anh đã bỏ ra nhiều thì giờ, công sức, dò dẫm, nhưng rốt cuộc không đạt được kết quả gì trên con đường cách mạng.

– Quan niệm tôi lúc trước thật là mơ hồ, không nhìn vào thực tế xã hội mà chỉ chạy theo những ảo ảnh của cuộc đời “lý tưởng hóa”, thành ra lao đao lận đận mãi. Giá hồi đó tôi được cái nhìn của anh Hai – tức Bác Tôn – thì đỡ tốn công vô ích, mà công sức của mình đem ra phụng sự cách mạng được sớm hơn và nhiều hơn.

MỘT CÁCH XÓA BỎ THÀNH KIẾN HAY NHẤT

Trong nhà giam, có một đồng chí vì có phạm sai lầm nên bị một số đồng chí khác thành kiến. Đồng chí này đem chuyện đó phàn nàn với Bác Tôn.

Bác giải thích :

– Việc thành kiến như vậy, thường là do sự ấu trĩ của hai bên. Nhưng về phía người bị thành kiến nên kiểm điểm xem mình có sai lầm gì không, hoặc việc làm đúng mà thái độ không tốt khiến cho người ta có thành kiến với mình. Về phía anh em, thành kiến với đồng chí là không đúng. Muốn xóa bỏ hết thành kiến, chỉ có một cách : Anh nỗ lực hoạt động cho cách mạng với tất cả nhiệt tình của mình. Các đồng chí kia cũng hăng hái làm cách mạng. Đôi ba năm sau, chậm là năm, mười năm, hai bên đều tiến bộ cả : hai bên sẽ đoàn kết thêm hơn và câu chuyện thành kiến trở thành không đáng kể. Đó là một cách giải quyết có hiệu quả nhất.

NHỮNG PHÚT NGHIÊM KHẮC XÉT MÌNH

Trong nhà tù, thường có những lúc Bác Tôn đi đi lại lại, trầm lặng. Một hôm, có đồng chí hỏi Bác : – Anh suy nghĩ gì đó ?

Bác trả lời :

– Kiểm điểm lại trong đời hoạt động, tôi có gặp rất nhiều người trong giới lao động, kể cả lao động ngoại quốc. Trong số đó có rất nhiều người tốt. Vậy mà có người chưa được tôi tuyên truyền gì cả, hoặc có, nhưng không thấm vào đâu. Có người đã giác ngộ rồi mà tôi chưa tìm mọi cách để giúp đỡ họ trở thành đảng viên tốt. Tôi rất ăn năn, vì như vậy là mình thiếu tinh thần trách nhiệm đối với cách mạng. Xét cho cùng, mình hãy còn thiếu một nhiệt tình cách mạng đầy đủ.

TRIẾT LÝ CHƠI CỜ TƯỚNG CỦA BÁC TÔN Trong lúc ở tù, Bác Tôn hay đánh cờ tướng.

Mặc dù đánh với ai, hễ thấy đối phương đi hớ nước nào là Bác chỉ cho, và ai muốn hoàn nước nào cũng được. Phần Bác, Bác suy nghĩ rất kỹ, và đi thì quyết tâm đi, không bào giờ hoàn.

Thấy Bác rộng lượng, anh em thường trêu Bác cho vui. Năm ba người vào một phía, vừa đánh vừa la, vừa trêu tức. Vậy mà Bác không hề cáu, không giận ai bao giờ.

Hỏi Bác, Bác trả lời :

– Tôi đánh cờ để học tập, để rèn luyện chớ không cốt ăn thua với anh em. Đời tôi đã có nhiều lần làm rồi mới biết sai, nói rồi mới biết lỡ. Những sơ sót ấy không phải vì mình kém khôn ngoan, mà là do thiếu thận trọng. Vì vậy, tôi đánh cờ để tập tính thận trọng. Phải tính toán hết nước, nhưng nếu trí thông minh và sức tính toán của mình chỉ đến nước ấy thôi, đành chịu vậy.

Báo Thống Nhất.

Một phần của tài liệu tư liệu Tôn Đức Thắng (Trang 28 - 29)