3.2.1. Tăng phạm vi thành viên tham gia nghiệp vụ thị trường mở
Hiện nay, thành viên thị trường mở chủ yếu là các ngân hàng và tại Việt Nam vẫn chưa hình thành các nhà giao dịch sơ cấp. Điều này là phù hợp với thực tế và trình độ quản lý hiện nay của Ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng.
Trong tương lai, để tăng cường khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước thông qua thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu mở rộng các thành viên thị trường. Theo đó, các tổ chức như Quỹ Hỗ trợ phát triển, Kho bạc Nhà nước, Quỹ Bảo hiểm xã hội, Công ty tiết kiệm bưu điện ... sẽ được chấp thuận là thành viên của thị trường mở. Điều kiện tiên quyết là các tổ chức này phải có tài khoản giao dịch tại Ngân hàng Nhà nước và có hệ thống máy tính nối mạng với Ngân hàng Nhà nước. Việc mở rộng thành viên thị trường mở cho phép các tổ chức sử dụng vốn nhàn rỗi hiệu quả hơn trên thị trường.
3.2.2. Bổ sung thêm hàng hoá giao dịch trên thị trường mở
Để hoạt động trên thị trường thực sự sôi động thì một trong những điều cần thiết là phải bổ sung thêm các loại hàng hóa cho thị trường. Vì vậy, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét bổ sung thêm các loại giấy tờ có giá được phép giao dịch trên thị trường mở. Trong các giấy tờ có giá ngắn hạn, cần đưa thêm các loại chứng khoán dài hạn, với thời kỳ mãn hạn còn lại dưới một năm, vào thị trường.
Bên cạnh các giấy tờ có giá do Bộ Tài chính phát hành thì Ngân hàng Nhà nước có thể chấp thuận các loại giấy tờ có giá khác do các tổ chức tài chính, tín dụng lớn, có uy tín, các chính quyền địa phương hoặc các tổng công ty lớn của Nhà nước được phép giao dịch trên thị trường mở như: trái phiếu của Quỹ Hỗ trợ phát triển, trái phiếu của các Ngân hàng thương mại Nhà nước, trái phiếu đô thị của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố lớn đã tự chủ được ngân sách địa phương, trái phiếu của các Tổng công ty dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam. Việc đa dạng hoá hàng hoá giao dịch trên thị trường mở sẽ thúc đẩy các ngân hàng thương mại đầu tư vào các giấy tờ có giá này, từ đó tăng thêm tính thanh khoản của các giấy tờ có giá này và thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán trái phiếu.
3.2.3. Đa dạng hoá thời hạn và tăng khối lượng phát hành của các giấy tờ có giá
Các giấy tờ có giá như tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc là những loại giấy tờ có giá được ưa thích đối với các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước, do vậy việc phát hành các loại giấy tờ có giá này là cần thiết. Tuy nhiên hiện nay, kỳ hạn của các loại giấy tờ có giá này khá đơn điệu, không có tính liên tục. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phát hành các loại giấy tờ có giá như tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc ... sao cho các kỳ hạn phát hành đủ nhiều, gồm từ thời hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng đến các kỳ hạn dài hơn như 18 tháng, 2 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm ... để hình thành nên các lãi suất chuẩn (có tính tham chiếu) cho thị trường và tránh sự trùng lắp giữa kỳ hạn của các giấy tờ có giá do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phát hành. Nếu Bộ Tài chính phát hành các loại giấy tờ có giá có thời hạn từ 6 tháng trở lên thì Ngân hàng Nhà nước có thể phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với thời hạn từ 7 ngày đến 182 ngày, nhằm bù đắp sự thiếu hụt về kỳ hạn của thị trường giao dịch giấy tờ có giá.
Việc đa dạng hoá các kỳ hạn phát hành của giấy tờ có giá giúp cho các thành viên có thêm sự lựa chọn để đầu tư và giao dịch, đồng thời giúp cho Ngân hàng Nhà nước có thêm loại hàng hoá với khối lượng lớn để can thiệp thị trường khi cần thiết.
3.2.4. Đa dạng hoá các kỳ hạn giao dịch và cho phép giao dịch nhiều kỳ hạn trong một phiên
Hiện nay, phần lớn trong một phiên giao dịch chỉ có một kỳ hạn và giao dịch theo một chiều mua hoặc bán nên các thành viên thị trường mở không có nhiều lựa chọn. Kỳ hạn giao dịch ngắn nhất là 7 ngày và thường giao dịch với kỳ hạn 15 ngày và 30 ngày.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên trong việc lựa chọn kỳ hạn giao dịch, Ngân hàng Nhà nước cần đa dạng hoá hơn nữa các kỳ hạn giao dịch trong một phiên giao dịch. Trong thời gian trước mắt, Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng 2 kỳ hạn giao dịch trong một phiên. Việc áp dụng nhiều kỳ hạn trong một phiên sẽ cho phép các thành viên có thêm sự lựa chọn phù hợp với dự báo nhu cầu vốn của họ. Qua đó, sẽ tạo thêm cơ hội và tăng sự hấp dẫn của thị trường mở đối với các thành viên.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần phân bổ hợp lý các kỳ hạn giao dịch. Trong thời gian chưa triển khai được việc đa dạng kỳ hạn giao dịch trong một phiên, Ngân hàng Nhà nước cần phân bổ kỳ hạn hợp lý nhằm tránh tình trạng các thành viên phải dồn trả nhiều hợp đồng vào cùng một ngày hoặc vào các ngày quá gần nhau làm ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của họ, ví dụ hợp đồng 30 ngày và hợp đồng 15 ngày đáo hạn cùng một thời điểm.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần tiến tới áp dụng giao dịch mua bán kỳ hạn qua đêm đối với nghiệp vụ thị trường mở. Ngân hàng Nhà nước sẽ định hướng đưa ra giao dịch repo kỳ hạn qua đêm để thúc đẩy thị trường hoạt động linh hoạt và kịp thời. Công tác dự đoán và quản lý vốn của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại do đó được tiến hành trên cơ sở từng ngày, đảm bảo chính xác và hiệu
quả. Để giao dịch ở kỳ hạn này, Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại cần có những cải tiến và hoàn thiện về mặt quản lý, trình độ và công nghệ. Đây là một đòn bẩy để giúp thị trường vốn phát triển theo xu hướng quốc tế.
3.2.5. Hoàn thiện các quy định lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Hiện nay, mặc dù việc đặt thầu, xét thầu và thông báo đều đã thực hiện qua Hiện nay, mặc dù việc đặt thầu, xét thầu và thông báo đều đã thực hiện qua mạng nhưng việc theo dõi, lưu ký giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước thực hiện hoàn toàn thủ công bằng văn bản. Điều này làm kéo dài thời gian giao nhận giấy tờ có giá giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khi thực hiện các giao dịch thị trường mở. Vì vậy, việc theo dõi lưu ký giấy tờ có giá bằng phần mềm sẽ góp phần khắc phục hạn chế này. Phần mềm lưu ký giấy tờ có giá phải cho phép nối mạng giữa Ngân hàng Nhà nước, các thành viên thị trường và các tổ chức lưu ký. Khi các tổ chức tín dụng có nhu cầu giao dịch với Ngân hàng Nhà nước thì việc giao nhận giấy tờ có giá cần được thực hiện nhanh chóng. Các giấy tờ có giá đang lưu ký tại các tổ chức lưu ký như Trung tâm giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán, các công ty chứng khoán có thể nhanh chóng được chuyển vào tài khoản lưu ký giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước cũng có thể kiểm tra tức thời các tài khoản lưu ký giấy tờ có giá này để thực hiện các giao dịch với các tổ chức tín dụng.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cần tiến tới việc quản lý lưu ký giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước tập trung về Hội sở chính của Ngân hàng Nhà nước. Việc quản lý lưu ký giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước hiện nay đang thực hiện phân tán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố. Điều này cho phép Ban điều hành nghiệp vụ thị trường mở và các đơn vị liên quan tại Ngân hàng Nhà nước có thể theo dõi sự luân chuyển giấy tờ có giá chặt chẽ hơn.
3.2.6. Công nhận chữ ký điện tử trong các giao dịch thị trường mở
Hiện nay, mặc dù tại các bản đăng ký mua, bán giấy tờ có giá và hợp đồng, phụ lục hợp đồng đều được ký duyệt trên mạng nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn
yêu cầu phải có chữ ký của lãnh đạo các tổ chức tín dụng trên các bản in để thực hiện chuyển tiền, không chấp nhận chữ ký điện tử hay chữ ký của người được uỷ quyền. Tại các các tổ chức tín dụng, hiện nay việc thực hiện các giao dịch trên thị trường tiền tệ thường do Lãnh đạo của bộ phận phụ trách nguồn vốn trực tiếp thực hiện. Do đó, việc yêu cầu các giấy tờ có chữ ký của lãnh đạo các tổ chức tín dụng đã tăng thêm các thủ tục hành chính trong các giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng.
Để giảm bớt thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian hoàn thành các giao dịch thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước cần chấp nhận sử dụng các chữ ký điện tử của lãnh đạo tổ chức tín dụng hoặc những người được uỷ quyền trong các giao dịch này. Để thực hiện được điều này, Ngân hàng Nhà nước cần bổ sung quy định về việc sử dụng chữ ký điện tử trong các giao dịch tiền tệ với Ngân hàng Nhà nước và chấp nhận hoàn toàn chữ ký điện tử trong các giao dịch thị trường mở. Các tổ chức tín dụng cần thông báo và đăng ký các chữ ký của những người chịu trách nhiệm thực hiện các giao dịch thị trường mở với Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tăng cường công tác bảo mật chữ ký điện tử và an ninh mạng nhằm tránh trường hợp các chữ ký này bị sử dụng ngoài ý muốn của tổ chức tín dụng và các hoạt động thị trường mở bị can thiệp bất hợp pháp.
3.2.7. Cải tiến, nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho thị trường mở Bên cạnh việc cải tiến, hoàn thiện các quy định thì Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện đồng bộ việc cải tiến, nâng cấp hạ tầng công nghệ của thị trường mở. Để làm được điều đó, Ngân hàng Nhà nước cần phải thực hiện một số biện pháp sau :
- Tiếp tục nâng cấp và đồng bộ hoá các trang thiết bị phần cứng, hoàn thiện chương trình phần mềm ứng dụng đối với nghiệp vụ thị trường mở để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thành viên thực hiện nghiệp vụ một cách nhanh chóng, thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển của nghiệp vụ này;
- Hiện nay tốc độ đường truyền giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về tốc độ. Hiện tượng quá tải và nghẽn mạch đường truyền đã xảy ra khi cùng lúc có nhiều thành viên đăng nhập giao dịch. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải nhanh chóng tăng tốc độ đường truyền. Ngân hàng Nhà nước có thể tăng cường tốc độ đường truyền bằng cách mở rộng băng thông đường truyền, nhất là đường truyền giữa các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước và giữa Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước với Cục Công nghệ tin học ngân hàng. Việc nâng cấp đường truyền cần được thực hiện nhanh chóng để đáp ứng sự gia tăng về thành viên và khối lượng giao dịch của thị trường mở trong tương lai. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần xây dựng các kênh dự phòng để đảm bảo giao dịch được thực hiện thông suốt, không bị đứt quãng.
- Ngân hàng Nhà nước cần tích hợp phần mềm giao dịch nghiệp vụ thị trường mở với phần mềm đấu thầu tín phiếu kho bạc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý giấy tờ có giá, thao tác nghiệp vụ và luân chuyển thông tin giữa hai thị trường sơ cấp và thứ cấp.
- Kết nối với hệ thống lưu ký giấy tờ có giá, hệ thống kế toán, thanh toán để thống nhất quản lý giấy tờ có giá từ khi phát hành, luân chuyển giữa các tổ chức tín dụng, thanh quyết toán và sử dụng trong các giao dịch trên thị trường tiền tệ, thị trường liên ngân hàng và thị trường chứng khoán.
- Ngân hàng Nhà nước cũng cần tăng cường an ninh trên mạng máy tính, nhất là với các thông tin mang tính nhạy cảm của Ngân hàng Nhà nước. Đến nay, mặc dù chưa để xảy ra trường hợp thông tin bị lấy cắp hay can thiệp trái phép trên đường truyền nhưng không vì thế mà công tác an ninh mạng có thể lơ là. Bên cạnh việc sử dụng các tính năng bảo mật của các phần mềm thì Ngân hàng Nhà nước cần trang bị các thiết bị an ninh mạng chuyên dụng và tăng cường nhân lực về công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn, bảo mật các thông tin trong giao dịch thị trường mở, đảm bảo mạng máy tính hoạt động thông suốt, an toàn, phát hiện và xử lý kịp thời các truy nhập, can thiệp trái phép vào hệ thống.
3.2.8. Hoàn thiện, phát triển thị trường tiền tệ và các công cụ của chính sách tiền tệ
Để phát triển thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện:
- Tập trung xây dựng và hoàn chỉnh các quy chế cho các thị trường tiền tệ theo hướng mở rộng khả năng phát hành các công cụ có khả năng thanh toán và các công cụ mới của các ngân hàng thương mại và nâng cao khả năng kiểm soát và điều tiết thị trường của Ngân hàng Nhà nước.
- Xây dựng thị trường mua bán lại giấy tờ có giá nhằm tăng cường tính thanh khoản của các giấy tờ có giá và khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại.
- Nghiên cứu để hoàn thiện các công cụ hiện có và áp dụng công cụ mới cho thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, nhất là các công cụ phòng chống rủi ro về tỷ giá.
- Hiện nay, tại Việt Nam chưa hình thành được các lãi suất chuẩn trên thị trường. Chính vì vậy, việc mua bán các giấy tờ có giá chưa hoàn toàn theo giá thị trường. Lãi suất của trái phiếu chính phủ hiện nay còn cạnh tranh với lãi suất huy động của các ngân hàng làm ảnh hưởng đến lãi suất trên thị trường tiền tệ.
Để hình thành được các lãi suất chuẩn thì thị trường tiền tệ và thị trường trái phiếu cần được phát triển. Để phát triển thị trường tiền tệ, trước hết cần: (i) Tăng cường việc phát hành giấy tờ có giá của Chính phủ qua kênh tổ chức tín dụng và giảm thiểu việc phát hành qua kênh bán lẻ trực tiếp cho dân chúng; (ii) Việc phát hành cần thực hiện qua kênh đấu thầu qua Ngân hàng Nhà nước. Đối tượng mua chỉ là các định chế tài chính. Thị trường chứng khoán chỉ là nơi mua bán lại trái phiếu chính phủ, không nên là nơi phát hành lần đầu. Khi đó, hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán sẽ đảm nhận việc huy động vốn từ khu vực dân cư.
Để nâng cao được năng lực điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, trước hết cần đánh giá và xem xét lại cơ chế điều hành của từng công cụ chính sách tiền tệ và đề ra phương án cải tiến, hoàn thiện đồng thời nghiên cứu đưa thêm công cụ
mới vào hoạt động. Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện các công cụ chính sách tiền tệ như sau:
- Hoàn thiện các công cụ tái cấp vốn theo hướng trở thành công cụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước khi muốn bổ sung vốn cho hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước xây dựng lộ trình và từng bước từ bỏ hình thức chiết khấu giấy tờ có giá đối với các ngân hàng và hình thức cho vay bù đắp thiếu hụt vốn