Đối với sinh viên

Một phần của tài liệu Thực trạng động lực học tập của sinh viên Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Trang 50 - 56)

Động lực học tập được xuất phát từ chính nhu cầu muốn học hỏi, muốn gia tăng sự hiểu biết để làm việc và sống tốt hơn của mỗi người, nó là yếu tố quan trọng, không thể thiếu được của sinh viên đang học tập tại các trường đại học. Thực tế giảng dạy tại các trường đại học cho thấy, nếu sinh viên không có động lực học tập đúng đắn thì dù có chịu khó học tập, đào sâu nghiên cứu, mở rộng thêm kiến thức bằng cách học tập độc lập thì các thầy giáo, cô giáo có dạy giỏi, có kiến thức sâu rộng và trình độ nghiệp vụ vững vàng đến mấy chất lượng học tập cũng không thể cao.

Hiện nay, xã hội đặt ra cho giáo dục và đào tạo ngày càng khắt khe, đòi hỏi các trường đại học không chỉ đào tạo ra nguồn nhân lực thông thạo về lý thuyết mà còn phải biết vận dụng, ứng dụng những kiến thức đó vào thực tiễn đời sống. Để đáp ứng yêu cầu đó, các trường đại học đã phát động đổi mới phương pháp học tập. Tuy các đội ngũ giảng viên đã tiến hành ứng dụng nhưng chuyển biến về chất lượng trong giờ dạy chưa thật sự có kết quả cao. Bởi sinh viên quen với việc thụ động trong việc tiếp nhận, áp đặt. Trong bài giảng của thầy giáo, cô giáo đều có phần định hướng, tổ chức tự học cho sinh viên nhưng nhiều khi sinh viên chỉ thực hiện một cách sơ sài, chiếu lệ. Như vậy, việc xác định đúng đắn động lực học tập của sinh viên được đặt ra như một nhu cầu bức thiết.

Để có động lực học tập đúng đắn và phù hợp thì trước hết sinh viên phải xác định rõ yếu tố chính thúc đẩy để bản thân học tập là gì? Bản thân họ học tập là vì mục tiêu gì? Từ đó phân tích xem mục tiêu đó có đúng đắn và phù hợp với bản thân hay không? Mục tiêu quá cao sẽ dẫn đến việc sinh viên không thực hiện, chán nản và mất phương hướng. Mục tiêu quá thấp dẫn đến việc sinh viên dễ dàng thực hiện được, hình thành lối suy nghĩ tự tôn, quá đề cao bản thân. Bởi vậy việc xác định động cơ phù hợp với bản thân sinh viên là rất quan trọng.

- Thứ hai: Sinh viên cần nhận thấy rằng môi trường học tập ở bậc đại học khác xa với môi trường học tập ở bậc phổ thông trung học. Xác định động lực học tập đúng đắn và phù hợp sẽ giúp sinh viên thấy được đích đến của mình và cố gắng hết mình để đạt được đích đến đó. Bởi vậy yếu tố cá nhân, sự giúp đỡ của Cố vấn học tập, của đoàn thể, của nhà trường và cũng cần nhấn mạnh việc giáo dục của gia đình là rất quan trọng.

- Về khối lượng kiến thức học tập ở bậc đại học nhiều hơn so với ở bậc học phổ thông (ở bậc phổ thông chỉ bằng nửa học kỳ ở bậc đại học). Chính vì thế sinh viên không có động lực học tập đúng đắn, không có sự cố gắng, vươn lên trong học tập thì không thể giải quyết một khối lượng lớn trong học kỳ. Ngoài ra khi sinh viên muốn học thêm ngành 2 cùng lúc thì phải cân nhắc xem có đủ khả năng học lực, về thời gian học tập, tình hình tài chính,… Liên quan đến công tác này không thể nhắc đến vai trò của Cố vấn học tập trong việc phân tích có nên học ngành 2 cùng lúc hoặc tiến hành học ngành 2 ở năm nào là hợp lý trong quá trình học tập ở bậc đại học.

- Về chất lượng kiến thức: ở bậc đại học không chỉ học sự kiện hay học hiện tượng, không chỉ học biết, học hiểu và vận dụng mà còn học phân tích, học tổng hợp, học đánh giá, học tư duy, và nhất là học phương pháp học tập để học biết được nhiều và có năng lực tự học suốt đời. Việc trang bị phương pháp học tập cho sinh viên khi mới vào năm thứ nhất ở bậc đại học thật là quan trọng, vai trò này không ai khác hơn là của nhà trường và trực tiếp là của Khoa quản lý sinh viên.

-Sinh viên cần nắm vững kiến thức của hệ thống phương pháp học tập tích cực: Trong quá trình học tập, việc xác định mục đích, xây dựng động cơ, lựa chọn phương pháp, hình thức tự học hợp lý là cần thiết. Song điều quan trọng là sinh viên phải có động lực học tập đúng đắn và từ đó sẽ xác định được phương pháp học tập phù hợp. Hai phương pháp học tập được đánh giá là mang lại hiệu quả cao cho sinh viên chính là phương pháp tự học và học nhóm.

Với phương pháp tự học sinh viên quản lý cần tiếp thu nguồn kiến thức qua lời nói, bài giảng, sách giáo khoa, giáo trình, tạp chí, báo cáo khoa học, các đề tài nghiên cứu, luận văn, luận án, mạng internet.. đó là quá trình sưu tầm, tìm hiểu và đào sâu tri thức để thu nhận kiến thức bài học. Trước một bài học, những sinh viên tích cực thường đọc trước giáo trình, tìm tài liệu liên quan, nắm vững các nội dung cơ bản và khi gặp vấn đề khó khăn sẽ trao đổi trực tiếp với giảng viên. Số sinh viên còn lại thường tỏ ra bị động đón nhận kiến thức mới, lúng túng trong các vấn đề giảng viên đưa ra, thiếu tâm thế sẵn sàng.

Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp này mang lại hiệu quả chưa đồng đều và chỉ phù hợp với một số môn học. Để khẳng định được hiệu quả của phương pháp học tập, sinh viên phải có được các kỹ năng cơ bản như tự tổ chức hoạt động học, thu thập và xử lý thông tin, vận dụng bài tập và tự kiểm tra điều chỉnh kết quả học tập của từng bài.Mặt khác, với yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học, các phương pháp học tập cũ đang dần bộc lộ những hạn chế và gây nhiều khó khăn trong quá trình lĩnh hội của sinh viên, bản thân phương pháp tự học cần phải có sự kết hợp với các phương pháp học tập khác để mang lại hiệu quả cao hơn.

Đối với học tập theo nhóm là một cách học đòi hỏi mỗi thành viên trong nhóm cùng thực hiện một cam kết làm việc nhất định không có sự hướng dẫn trực tiếp của giảng viên mà dựa trên sự hợp tác và phân công công việc hợp lý trong nhóm.

Nếu học tập theo nhóm được tổ chức và điều khiển một cách khoa học và hợp lý sẽ đem lại rất nhiều lợi ích như: Làm việc theo nhóm sẽ góp phần xây dựng tinh thần đồng đội, mối quan hệ tương hỗ giữa các thành viên trong nhóm đồng thời tạo nên sự gắn kết trong một cộng đồng nhằm hướng đến một mục tiêu chung. Học nhóm khuyến khích tính độc lập tự chủ trong học tập. Nếu trong phương pháp thuyết trình cơ hội cho người học trao đổi với nhau rất ít thì học tập theo nhóm mọi thành viên được tự do phát biểu quan điểm của mình về chủ đề thảo luận, từ đó phát triển tư duy độc lập và trao đổi lẫn nhau trong nhóm. Học tập theo nhóm sẽ tăng khả năng hòa nhập, có thêm tinh thần học hỏi, biết lắng nghe người khác cũng như khả năng phản biện thông qua phần trình bày của mình và sự phản hồi của những người xung quanh. Học tập theo nhóm sẽ tạo cơ hội cho mọi thành viên rèn luyện các kỹ năng như: kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức…Đây là những kỹ năng rất quan trọng, cần thiết cho quá trình làm việc sau này, vì vậy đây sẽ là tiền đề để ta biết cách làm việc trong môi trường tập thể.

Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp học tập theo nhóm không đúng cách, không phù hợp với nội dung và thiếu kỹ năng thực hiện thì có thể chỉ mang tính hình thức, gây mất nhiều thời gian, sản phẩm không mang tính tập thể, các cá nhân thiếu tích cực sẽ đùn đẩy cho những người năng nổ, nhiệt tình...Chính vì vậy để học tập nhóm thực sự đem lại kết quả cao mỗi thành viên trong nhóm cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình, cùng rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm thật hiệu quả.

Trên thực tế sinh viên Khoa Khoa học quản lý đã áp hai phương pháp trên vào học tập, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa cao. Hầu hết sinh viên dành thời gian tự học để làm những việc cá nhân, việc học nhóm còn mang tính hình thức, chưa có sự làm việc của tất cả các thành viên trong nhóm. Đây là vấn đề cần được khắc phục ngay.

Xin được nhấn mạnh lại một lần nữa, việc học tập trong sinh viên muốn có kết quả cao thì trước tiên phải có động lực học tập đúng đắn và phù hợp. Vì vậy xác định động cơ đúng đắn sẽ khiến người học có động lực học tập và tạo ra hiệu quả học tập cao, giúp người học vượt qua những khó khăn trong học tập. Nó là yếu tố mà nếu người học mất đi sẽ làm hiệu quả học tập giảm. Bởi vậy việc tự tạo động lực học tập cho bản thân và nhận được sự động viên, khuyến khích từ môi trường bên ngoài sẽ khiến người học xác định đúng đắn vai trò, mục tiêu học tập từ đó sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu. Xác định động lực học tạp đúng đắn và phù hợp là yêu cầu cần thiết và là chìa khóa của sự thành công đối với sinh viên khoa Khoa học quản lý nói riêng - sinh viên Đại học KHXH&NV nói chung.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Ở chương này tác giả đi tìm hiều một số kinh nghiệm đã được các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các thầy cô trực tiếp giảng dạy tác giả nhằm tham khảo và kế thừa những kinh nghiệm, giải pháp đó.

Bên cạnh đó ở chương này từ các kiến thức đã học và tìm hiểu thực tế tác giả cũng mạnh dạn đưa ra các khuyến nghị để sinh viên Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội có được động cơ học tập đúng đắn hơn.

KẾT LUẬN

Sau quá trình nghiên cứu tác giả thu được một số kết quả như sau: Tác giả đã làm rõ cơ sở lý luận liên quan tới động lực học tập của sinh viên, chứng minh được thực trạng động lực học tập chưa đúng đắn của sinh viên, đưa ra nguyên nhân và đặc biệt đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp để sinh viên xác định động cơ học tập đúng đắn và phù hợp để từ đó có kết quả học tập tốt hơn. Cuộc sống luôn đặt ra trước mỗi con người những thách thức mới - những thử thách để con người trưởng thành và khẳng định mình trong cuộc sống chỉ khi chúng ta nhìn nhận về vấn đề này một cách đúng đắn, và có

những hành động thiết thực thì mới mong được sự thay đổi nào đó. Chúng ta nên chấp nhận phải trả giá một cái gì đó để mong một sự thay đổi tốt đẹp hơn là điều cần thiết để không bị những sai lầm đáng tiếc trong nền giáo dục hiện đại. Việc thay đổi nhận thức về động lực học tập hay lao động của xã hội nói chung và sinh viên nói riêng góp phần vào sự phát triển mạnh và bền vững của toàn xã hội. Chính vì vậy, tác giả cho rằng, các cấp, ngành cần quan tâm một cách đúng mức đến công tác giáo dục tư tưởng, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Tác giả hy vọng những suy nghĩ, những vấn đề mà tác giả nêu trên có thể tác động một phần nào đó đến việc xác định động lực học tập đúng đắn của sinh viên để từ đó xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, phát triển cùng với hệ thống giáo dục trên thế giới.

Một phần của tài liệu Thực trạng động lực học tập của sinh viên Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Trang 50 - 56)